Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về tiểu thuyết “Thành phố đồ chơi” của nhà văn Lee Dong-ha và Lễ hội hoa cỏ lau ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

2013-10-13

1. Giải đáp thông tin về tiểu thuyết “Thành phố đồ chơi” của nhà văn Lee Dong-ha



Câu hỏi 1 :Em hiện là học sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học ở Hà Nội. Trước đây, giống như các bạn cùng trang lứa khác, em chỉ mê xem phim Hàn Quốc thôi. Nhưng hồi cuối năm ngoái, em tình cờ được đọc cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyeong-suk. Thật xúc động, em đọc một lèo hết luôn cả cuốn sách và từ đó bắt đầu thích văn học Hàn Quốc. Tuy nhiên, em tìm ở ngoài hiệu sách thì thấy quá ít sách văn học Hàn Quốc và phần lớn đều là truyện ngắn hay tiểu thuyết từ những năm 20, 30 nên thú thực em đọc không thấy hợp lắm. Không biết gần đây có cuốn nào được dịch ra tiếng Việt mà có nội dung hợp với lứa tuổi của tụi em không ạ?


Trả lời 1:Như bạn biết đấy hiện nay các bạn trẻ Việt Nam có thể dễ dàng đọc tên hàng loạt các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc cũng như các bộ phim Hàn đang ăn khách ngày nào cũng phát sóng trên các kênh truyền hình của Việt Nam, nhưng chắc có rất ít những bạn trẻ đã từng đọc qua một tác phẩm văn học nào đó của Hàn Quốc. Ngoài lý do văn học Hàn Quốc chưa được dịch sang tiếng Việt nhiều thì quan trọng hơn, đó là các bạn trẻ ngày nay dường như ưa chuộng các phương tiện giải trí nghe và nhìn hơn là sách văn học.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà văn học Hàn Quốc không có chỗ đứng ở Việt Nam. Ngược lại, với hơn 30 đầu sách đã được dịch, văn học Hàn Quốc đang dần dần từng bước chiếm cảm tình của độc giả Việt Nam. Điển hình như cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” đã lấy đi bao nhiêu nước mắt và tạo được sự đồng cảm rất lớn trong lòng người đọc Việt Nam đấy thôi! Nhân đây, xin được giới thiệu với bạn cuốn tiểu thuyết “Thành phố đồ chơi” của nhà văn Lee Dong-ha do dịch giả Đỗ Thị Khánh Vân dịch, nhà xuất bản Trẻ mới ấn hành vào tháng 5/2013. Ngay sau khi được xuất bản ở Việt Nam, tiểu thuyết này đã được chọn là tác phẩm để sinh viên các trường đại học có khoa tiếng Hàn và Hàn Quốc học đọc và tham dự cuộc thi “Viết cảm nhận về tác phẩm văn học Hàn Quốc”.

Tác giả của “Thành phố đồ chơi”, nhà văn Lee Dong-ha, sinh năm 1942. Năm 1966, ông chính thức bước vào văn đàn và tham gia hoạt động sáng tác khi đoạt giải Cây bút trẻ của nhật báo Seoul. Từ đó, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và từng là Chủ tịch Hội nhà văn Hàn Quốc 2010-2011. Chính Lee Dong-ha cũng phải công nhận “Thành phố đồ chơi” là sáng tác tiêu biểu nhất của mình, mặc dù ông vẫn khiêm tốn nói rằng đó chưa phải là tác phẩm xuất sắc theo đúng nghĩa của nó. Nhà văn Lee Dong-ha đã mất khoảng bốn năm để viết tác phẩm này và ngay từ lần đầu xuất bản, “Thành phố đồ chơi” đã được độc giả Hàn Quốc nhiệt tình đón nhận.

Tác phẩm lấy bối cảnh là thành phố Dae-gu hoang tàn sau cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc bắt đầu từ tháng 6 năm 1950 và mãi đến tháng 7 năm 1953 mới chịu kết thúc. “Thành phố đồ chơi” kể về chuỗi ký ức của nhân vật “tôi” - một cậu bé học sinh lớp bốn từng được khen ngợi sẽ là chủ tịch xã tương lai - nhưng sau khi bỏ làng quê chuyển lên thành phố cùng gia đình đã phải chịu cảnh sống vô cùng túng quẫn và bế tắc. Bức tranh thời hậu chiến cứ thế mở ra theo cảm nhận cậu bé 11 tuổi để rồi thấm sâu vào tiềm thức cậu, làm toát lên tình yêu cuộc sống và tình cảm giữa con người với con người.

Tiểu thuyết này gồm ba phần có tiêu đề là “Thành phố đồ chơi”, “Những linh hồn đói khát” và “Thời gian của Giu-đa”. Mỗi phần là những câu chuyện nhỏ xoay quanh các nhân vật và sự kiện tồn tại trong ký ức của “tôi” như bố, mẹ, chị, cậu bạn Tae-gil…Với lối hành văn giản dị dễ hiểu, tác giả đã khắc họa cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, cô độc của một đứa trẻ trong xã hội rối ren thời bấy giờ. Thông qua tác phẩm “Thành phố đồ chơi” , Lee Dong-ha đã tái hiện lại những gì mà bản thân tác giả từng trải nghiệm trong thời niên thiếu như những cảm nhận mất mát về cuộc chiến đã qua, cuộc sống tha hương, đói khát, sự chia ly và trên tất cả là nỗi đau khi người mẹ qua đời.

Ngoài ra, trong tác phẩm này, nhà văn còn đề cập đến bản chất lạnh lùng và khắc nghiệt của cuộc sống thành thị thời bấy giờ. Cả gia đình của nhân vật chính đã thất bại ngay từ kế sinh nhai đầu tiên. Bàn tay vụng về thô kệch vốn chỉ quen với công việc đồng áng của bố không thể nào nướng được những chiếc bánh pull-bang ngon nghẻ để kiếm được tiền từ túi thiên hạ. Và rồi trong một thời gian dài, bữa tối của cả nhà chỉ là món bánh pull-bang nguội ngắt và những cốc trà lạnh. Sau một tháng chuyển nhà lên sống ở xóm lán trại của thành phố đồ chơi nực cười đó, nhân vật “tôi” lúc nào cũng mang trong mình mặc cảm là “kẻ nhà quê” đã nhận ra được bản chất của cuộc sống khắc nghiệt chốn thành thị. Những kẻ nhà quê như “tôi” rất khó để thích ứng với cuộc sống khắc nghiệt đó..

“Thành phố đồ chơi” là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu của văn học Hàn Quốc, vừa mang nét mới của một nền văn hóa sâu sắc và khác hẳn so với các câu chuyện bề nổi mà chúng ta xem qua truyền hình, đồng thời lại cũng quen thuộc bởi cái chất sâu lắng phương Đông… đủ khơi gợi sự hào hứng khám phá cho những ai yêu văn học, ham đọc sách. Chỉ chừng đó thôi, “Thành phố đồ chơi” cũng đã xứng đáng được bạn tìm đọc rồi, đúng không nào? Còn những cảm xúc chân, thiện, mỹ mà tiểu thuyết này chứa đựng thì chúng tôi dành lại để bạn tự cảm nhận nhé. Mong rằng bạn sẽ hài lòng với cuốn sách này và ngày càng yêu mến văn học Hàn Quốc hơn.



2. Giải đáp thông tin về Lễ hội hoa cỏ lau ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.


Câu hỏi 2 :Chồng tôi hiện đang làm việc cho một công ty đa quốc gia ở Hàn Quốc nên tôi và con trai 5 tuổi cũng sang theo. Tôi chỉ ở nhà nội trợ, con trai thì gửi nhà trẻ nên có rất nhiều thời gian rỗi. Tiếng Hàn thì không biết, ngày thường mọi người cũng đi làm hết, ở nhà một mình với cái máy tính và TV mãi cũng chán nên tôi thường tự đi du lịch khám phá những địa điểm gần gần trong Seoul. Hầu như không còn nơi nào trong thành phố này mà tôi chưa đi cả. Giờ thì phải tiến xa hơn một chút tới khu vực ngoại ô thôi. Tôi cũng có thể tự lái xe nên không khó để đi và về trong ngày. Tôi có sở thích chụp ảnh và được khen là chụp rất đẹp. Vậy nên tôi thích tới những nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp để ngắm và chụp hình. Các anh chị có thể giới thiệu giúp tôi một nơi như vậy không?


Trả lời 2:Nói theo ngôn ngữ của các bạn trẻ bây giờ thì quả là Hàn Quốc “siêu đẹp” vào mùa thu đấy. Vào mùa này, cây cối bắt đầu chuyển màu, cộng thêm cái không khí se se lạnh, khiến quang cảnh khắp nơi trở nên thơ mộng và cực kỳ lãng mạn. Chị không nói chị tới Hàn Quốc từ khi nào và đã từng trải qua mùa thu ở Hàn Quốc chưa nhỉ? Nếu chưa thì sẽ có nhiều bất ngờ thú vị đấy ạ. Ngay cả với các địa điểm mà chị đã từng tham quan trong thành phố Seoul thì khi quay lại vào mùa thu, chị cũng sẽ thấy chúng trở nên đẹp lạ thường. Ngắm những hàng cây ngân hạnh thẳng tắp vàng rực lá, bước chân lên những thảm lá thông đỏ mềm mại giống như cảnh trên phim truyền hình mà ta thường thấy sẽ trở thành những ký ức đẹp khó quên.

Cùng với mùa xuân thì mùa thu của Hàn Quốc cũng là mùa của các lễ hội hoa đấy ạ. Sau đây xin được giới thiệu ngay với chị về lễ hội hoa cỏ lau ở núi Myeongsung bên cạnh hồ Sanjeong thơ mộng. Nói đến hoa cỏ lau là chúng ta thường hình dung đến một loài hoa dại có vẻ đẹp bình dị, dịu dàng và rất đỗi quen thuộc. Tuy không mang những sắc màu rực rỡ nhưng hoa cỏ lau lại có sức hấp dẫn riêng với màu trắng xám, nở thành vạt lớn một cách tự nhiên trên những triền đồi.

Chắc chị cũng biết là cây lau thuộc họ sậy, thân xốp, rễ chùm, lá thon dài và sắc như lá mía, có sức sống bền bỉ vì có thể sống trên đất, trên cát và cả... trên những triền núi đá khô khốc. Hàng năm, khi những cơn gió cuối thu se lạnh thổi về, ấy là lúc mùa hoa lau đến. Giữa mênh mông xanh của lớp lớp cây rừng, từng vạt hoa lau xám bạc rung rinh, nhìn từ xa như những đợt sóng gợn. Hàn Quốc có tới 70% diện tích đất là đồi núi nên ở đây không hiếm những vùng bạt ngàn hoa cỏ lau. Tuy nhiên, những địa điểm có nhiều hoa lau đến mức trở thành tâm điểm, là tên gọi cho lễ hội lại ở ngay giáp với Seoul thì không nhiều đâu.

Từ trên độ cao 923m so với mặt nước biển, núi Myeongsung thuộc thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi rực màu ánh bạc của hoa cỏ lau trên khoảng diện tích rộng lớn hơn 200.000 mét vuông. Ai cũng phải ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng vô cùng tuyệt vời như vậy. Đó chính là nét hấp dẫn của vùng núi này khi vào thu. Năm nay, lễ hội hoa cỏ lau diễn ra từ ngày 12 đến 27 tháng 10 với chủ đề “Bức thư mùa thu hoa cỏ lau”. Đặc biệt, năm nay là năm kỷ niệm thành phố Pocheon vừa tròn 600 tuổi, cũng là năm du lịch của Pocheon nên hứa hẹn sẽ có rất đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Lễ khai mạc đã chính thức bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 12/10 vừa qua. Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp đã diễn ra trong buổi lễ này, trong đó có cả tiết mục biểu diễn chúc mừng của đoàn nghệ thuật Châu Phi, bắn pháo hoa và các trò chơi đa dạng. Trên thực tế thì từ vài ngày trước khi diễn ra lễ hội, không khí ở Pocheon đã rất tưng bưng và nhộn nhịp rồi. Người dân ở đây đã thực hiện lễ cúng thần núi cầu mong thái bình vô sự và thành công cho lễ hội. Còn sau ngày khai mạc lễ hội thì cứ vào cuối tuần từ lúc 12 h đến 2 giờ chiều lại có chương trình ca nhạc tại khu vực lầu bát giác của núi Myeongsung. Cùng với đó thì tại sân khấu của hồ Sanjeong ngay đối diện với cánh đồng hoa cỏ lau cũng diễn ra cuộc thi hát từ 1 đến 3 giờ chiều vào cuối tuần trong thời gian diễn ra lễ hội. Nếu chị yêu thích các hoạt động văn hóa văn nghệ thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua chương trình ca nhạc cũng như cuộc thi hát nói trên, đúng không ạ?

Lại nói đến hồ Sanjeong ngay dưới chân núi Myeongsung, đây đúng là danh lam không thể bỏ qua. Sanjeong có nghĩa là “Hồ giống như giếng nước được đào sâu trong núi”. Hồ này nằm ở phía Tây Nam của Myeongsung, thuộc ấp Sanjeong, làng Yeongbok, có màu nước xanh thẫm, quanh năm mát dịu, mang vẻ đẹp tinh khiết của thiên nhiên. Vẻ đẹp của hồ càng trở nên tuyệt vời hơn khi ta ngắm nó vào lúc sáng sớm, khi làn hơi nước đang bốc lên, hay khi thành phố đã lên đèn vào lúc sẩm tối. Hồ có chu vi 3 km nên tới đây, chị có thể đi dạo bộ vòng quanh hồ hoặc đi thuyền ngắm cảnh cũng đều rất đẹp. Chúng tôi xin đảm bảo với chị rằng chị có thể cả ngày mải mê với bạt ngàn hoa cỏ lau và hồ Sanjeong thơ mộng cũng không chán đâu.

Trong thư, chị nói chị có thể tự lái xe được thì đơn giản rồi. Chỉ cần lên xe, bấm địa chỉ lên màn hình chỉ dẫn đường rồi cứ theo đó mà đi là được. Tùy thuộc vào việc chị xuất phát ở đâu mà thời gian đến khu vực diễn ra lễ hội sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung thì chị sẽ mất khoảng từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ để tới Pocheon. Còn nếu chị muốn đi bằng phương tiện giao thông công cộng thì cũng có nhiều địa điểm cho chị xuất phát từ Seoul. Ví dụ, nếu xuất phát từ ga Uijeongbu ở đường tàu điện ngầm số 1, thì chị chỉ cần lên xe buýt số 138-6 là được. Điểm cuối cùng của tuyến xe buýt này cũng chính là nơi mà chị cần đến. Hy vọng rằng thành phố Pocheon với lễ hội hoa cỏ lau sẽ làm chị hài lòng. Nếu đã tới Pocheon thì chị đừng quên viết thư chia sẻ cảm nhận với chúng tôi về vẻ đẹp của thảm hoa cỏ lau ở đây nhé.

Lựa chọn của ban biên tập