Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về Lễ hội đèn lồng Jinju và món Dược thực của Hàn Quốc.

2013-09-22

1. Giải đáp thông tin về Lễ hội đèn lồng Jinju


Câu hỏi 1 :Mình vốn thích các món làm từ gạo nếp nên bánh Tteok của Hàn Quốc gần như đã trở thành bữa sáng hàng ngày của mình. Vì giá cả phải chăng, tiện lợi và quan trọng là ngon miệng, đảm bảo vệ sinh và giúp mình no đến trưa. Trong các loại bánh Tteok, mình thích nhất loại không phải làm từ bột nếp mà để nguyên hạt gạo, được nấu chín kèm với hạt dẻ, táo tàu... và cắt thành từng miếng. Loại đó ăn vừa thơm, vừa bùi và hơi ngòn ngọt với các nguyên liệu tự nhiên đảm bảo sức khoẻ. Các loại bánh Tteok khác làm từ bột nên chắc làm phức tạp, còn loại này mình nghĩ chắc không quá khó. Mình rất muốn học cách làm món bánh này và tò mò muốn biết các loại bánh Tteok có vai trò thế nào trong đời sống của người Hàn. Mình không biết tiếng Hàn nên không tự tìm kiếm thông tin được trên mạng.


Trả lời 1:Bánh Tteok của Hàn Quốc không chỉ là món ăn đơn thuần mà nó còn giữ vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của người dân xứ sở kim chi đấy. Từ thủa sơ khai, người dân trên bán đảo Hàn Quốc đã có tập tục gieo trồng để sinh sống. Cây lúa, nhất là lúa nếp, được người dân ở đây coi là “một loại hạt quý trong vũ trụ”, “là bảo vật” và “là thứ quà quý nhất mà Thượng đế ban tặng cho Trái đất”. Vì vậy, chiếc bánh truyền thống của người Hàn Quốc được làm từ gạo là món đồ thể hiện sự quý trọng ấy.

Tteok truyền thống là loại bánh được làm từ gạo nếp và hấp chín. Trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, người Hàn thường giã gạo và nặn những chiếc bánh Tteok thật đẹp dâng lên trời đất. Bánh Tteok gắn với đời sống người dân Hàn Quốc trong mọi ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm. Vào những ngày lễ tết truyền thống, người dân Hàn Quốc thực hiện một nghi thức có liên quan đến loại bánh này và để tưởng nhớ, biết ơn thần linh, trời đất. Họ đặt lên ban thờ hai chiếc bánh Tteok, một để trong đĩa tròn tượng trưng cho bầu trời (dâng lên Thượng đế) và một để trong đĩa vuông tượng trưng cho mặt đất (dâng lên thần đất).

Qua thời gian phát triển, bánh Tteok Hàn Quốc ngày nay khá phong phú tùy theo cách làm, hương vị hay theo sự thêm bớt nguyên liệu… Mỗi loại bánh mang một hương vị và đặc trưng riêng do quy trình làm khác nhau, nhưng đều được hình thành với nguyên liệu chính là gạo nếp - thứ hạt quý của người dân nơi đây.

Còn loại bánh mà bạn đang nhắc tới có tên tiếng Hàn là 약식, tức là “Dược thực”. Bạn có thể gọi nôm na đó là món xôi trộn rất ngon và bổ. Món này thường xuất hiện trong mâm cỗ cúng rằm, lễ thượng thọ, lễ thành hôn của người Hàn Quốc.

Theo truyền thuyết, vào thời kỳ Tam quốc của Hàn Quốc, khi vị vua nước Silla (488) đang đi vi hành vào ngày rằm thì có một con quạ xuất hiện báo cho ngài rằng “sau bình phong có kẻ phản nghịch đang trốn”. Nhờ đó mà vua kịp thời trừ khử được hoàng phi và kẻ cận thần đang có âm mưu giết hại mình. Nhớ ơn quạ nên từ đó, nhà vua lấy ngày rằm hàng tháng làm ngày cúng cơm nếp cho quạ. Đến thời Goryeo, người ta thêm hạt dẻ, táo tàu, mật ong, dầu vừng vào gạo nếp trắng để tạo nên màu nâu vàng óng giống như lông quạ và cũng là để món ăn được hấp dẫn hơn cho phần thị giác, đồng thời tăng độ ngon cho vị giác.

Mỗi địa phương, mỗi gia đình hay mỗi người lại có cách làm món Dược thực này khác nhau bạn ạ. Và tùy khẩu vị mà người ta có thể thêm hoặc bớt những nguyên liệu vốn có. Nhân đây, chúng tôi xin được giới thiệu với bạn Hải Yến cách làm Dược thực đơn giản mà lại ngon miệng cho khoảng từ năm tới sáu người cùng thưởng thức. Muốn làm món Dược thực, trước tiên, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu và dụng cụ như sau : ba bơ gạo nếp, tám quả hạt dẻ, bảy quả táo tàu, tám hạt óc chó đã bóc vỏ, một nhúm hạt thông, hai thìa xì dầu, nửa thìa muối, 100g đường đen, hai thìa mật ong, một phần ba thìa bột quế, và nồi cơm điện để nấu.

Cũng không quá khó để chuẩn bị những nguyên liệu trên, đúng không ạ? Nồi cơm điện thì nhà nào cũng có, còn các nguyên liệu nêu trên vốn rất hay được sử dụng trong ẩm thực Hàn Quốc nên chắc là bạn có thể tìm thấy dễ dàng ở chợ hay trong siêu thị. Nguyên liệu đã có rồi, trước tiên, bạn ngâm gạo nếp khoảng ba giờ rồi vớt ra. Hạt dẻ và táo tàu thái nhỏ thành khoảng từ bốn đến sáu phần, quả óc chó cũng tách nhỏ và để riêng từng thứ ra. Trộn hỗn hợp gia vị bao gồm muối, đường, mật ong, bột quế cho tan đều. Nếu khó tan có thể cho vào lò vi sóng làm nóng lên một chút cho dễ tan. Sau đó đổ gạo vào nồi cơm điện trước rồi rải đều táo tàu, hạt dẻ, hạt thông lên trên và sau cùng là tưới hỗn hợp gia vị đó lên và cho nước vào nấu như nấu cơm bình thường.

Cái khó nhất khi nấu món này là phải căn lượng nước cho vào nồi làm sao để cơm không bị nát và không bị cứng, hạt gạo còn nguyên, các loại hạt khác chín tới... Cơm nếp chín thì trộn đều cùng với dầu vừng sau đó xới ra khay, lèn chặt, để nguội rồi dùng dao cắt lát thành miếng sao cho đẹp mắt là được. Dược thực ngon là phải đảm bảo độ dẻo, thơm, vừa gia vị, khi nhai thấy bùi và ngọt mát... Thích món ăn này như vậy thì chắc bạn sẽ đủ kiên nhẫn và tự tin để làm nó. Chúc bạn Hải Yến thành công và nhớ chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm của bạn nhé.


2. Giải đáp thông tin về món Dược thực của Hàn Quốc


Câu hỏi 2 :Đầu tháng 10 tới, mình sẽ có chuyến công tác kết hợp với du lịch tại Hàn Quốc. Vì là lần đầu tiên được tới xứ sở Kimchi nên mình hồi hộp lắm. Nghe nói đang là mùa thu nên thời tiết và phong cảnh Hàn Quốc rất đẹp. Là con gái dĩ nhiên mình thích ngắm nhìn phong cảnh đẹp. Hy vọng mình sẽ tự chụp được nhiều bức ảnh với những hàng cây lá vàng lá đỏ rực rỡ và lung linh như thường nhìn thấy trong phim. Tuy nhiên, mình cũng rất thích tìm hiểu văn hóa đặc trưng của dân tộc Hàn. Mình có khá nhiều thời gian để đi du lịch nên dự định không chỉ thăm quan Seoul mà còn khám phá nhiều vùng khác nữa. Không biết vào khoảng thời gian này có lễ hội nào được tổ chức không nhỉ? Vì theo mình thì nơi tổ chức lễ hội thường là có nhiều nét văn hóa truyền thống được giới thiệu cũng như có rất nhiều cảnh đẹp.

Trả lời 2:Giống như dịp tết Nguyên đán ở Việt Nam, vào những ngày trước và trong tết Trung thu, người người nhà nhà ở Hàn Quốc đều rộn ràng không khí lễ hội. Mọi người về thăm quê, cúng ông bà tổ tiên, thăm hỏi họ hàng và cùng nhau ăn uống. Vào những ngày này, nhiều lễ hội với các trò chơi truyền thống được tổ chức. Các công viên và các khu vui chơi giải trí cũng bận rộn đón khách đông hơn thường lệ. Thật tiếc là tháng 10 bạn mới sang nên đã bỏ lỡ một cơ hội để tìm hiểu văn hóa truyền thống Hàn Quốc mất rồi.

Nhưng không sao, đúng như bạn đã viết, tháng 10 là thời điểm rất tuyệt vời để thăm Hàn Quốc, cũng là thời điểm có nhiều lễ hội diễn ra trên khắp đất nước. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn một lễ hội mà chắc chắn bạn sẽ thích đấy. Đó là lễ hội đèn lồng Jinju (진주남강유등축제). Cứ đến tháng 10 hàng năm, thành phố Jinju bên dòng sông Nam của tỉnh Nam Gyeongsang lại nhộn nhịp chuẩn bị và chào đón du khách từ khắp nơi về dự lễ hội đèn lồng. Đây là lễ hội đèn lồng lớn nhất Hàn Quốc được diễn ra thường niên, được coi là một trong những lễ hội tiêu biểu, thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc, gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của người Nhật vào năm 1592.

Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000. Vậy là tính đến nay đã là năm thứ 13. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 1 tới ngày 13/10. Lễ hội đèn lồng Jinju được tổ chức với quy mô rất lớn, với hàng trăm hàng nghìn loại đèn lồng treo và đèn lồng thả dưới dòng sông Nam bao quanh thành cổ Jinju. Đèn lồng với những hình thù, kiểu dáng khác nhau tái hiện lại các câu chuyện độc đáo xưa kia. Đến với lễ hội đèn lồng, bạn còn có thể tham quan khu vực thành cổ Jinju và xem kịch ngoài trời miễn phí. Vở kịch tái hiện lại câu chuyện về lịch sử thành Jinju.

Hình ảnh thành Jinju thời kỳ Joseon của 500 năm về trước được tái hiện bằng những chiếc đèn lồng. Đây là cơ hội để du khách thấy được sinh hoạt của tổ tiên Hàn Quốc qua những chiếc đèn lồng được bố trí rực rỡ và khoa học. Hình ảnh các trò chơi truyền thống, phong tục sinh hoạt, huấn luyện quân sự cho binh lính... đều hiện lên rất sinh động. Quanh khu vực trình diễn nhạc nước, du khách còn được thưởng thức các màn trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, ngắm nhìn các loại đèn truyền thống trước đây, thể nghiệm các trò chơi dân tộc...

Năm nay, lễ hội chính thức khai mạc vào lúc 8 giờ tối ngày 1/10 với màn pháo hoa hoành tráng như thường lệ. Được xem bắn pháo hoa, nghe nhạc nước, xem đèn lồng treo khắp nơi vào những ngày thu mát mẻ này thì quả thực không gì thú vị hơn. Đèn lồng vốn được coi là tượng trưng cho ước vọng hòa bình thế giới và hạnh phúc của nhân loại. Lễ hội đèn lồng còn là dịp để người dân Jinju nói riêng và người Hàn Quốc nói chung thể hiện lòng tưởng nhớ tới những binh sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Trong thư, bạn không nói cho chúng tôi biết là bạn sẽ di chuyển bằng phượng tiện gì khi công tác và du lịch ở Seoul nhỉ? Nếu bạn đi theo đoàn, có xe riêng và hướng dẫn viên riêng thì thuận lợi rồi. Nhưng nếu bạn đi một mình hoặc đi cùng bạn bè, lại không có xe riêng thì sẽ cần lưu ý tới vấn đề đi lại đấy. Nếu xuất phát từ Seoul, thì bạn chỉ cần đi tàu tốc hành KTX đến ga Jinju rồi đổi sang xe buýt đi tới khu vực lễ hội là được. Nhiều người nói rằng như vậy thì đi xe búyt cao tốc đến thẳng khu vực lễ hội sẽ tiện hơn vì tổng thời gian mất chỉ khoảng ba tiếng rưỡi mà không cần phải đổi phương tiện phức tạp.

Như đã nói ở trên, lễ hội kéo dài từ 1/10 đến hết 13 tháng 10 nên chắc đúng dịp bạn đang ở Hàn Quốc đấy. Đừng bỏ lỡ cơ hội này nhé. Du khách thập phương thường đổ về đây rất đông nên tốt nhất bạn nên tới sớm, vừa tiện để thưởng ngoạn cảnh trí, lại vừa “chiếm” được một vị trí thuận lợi nhất để xem được toàn cảnh lễ hội và tha hồ chụp những bức ảnh lung linh. Muốn biết rõ hơn về lễ hội đèn lồng, bạn có thể vào địa chỉ trang web http://www.yudeung.com để xem trước thông tin và hình ảnh về lễ hội nhé.

Lựa chọn của ban biên tập