Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về cuộc thi năng lực song ngữ dành cho con em gia đình đa văn hóa và lớp học tự vệ dành cho phụ nữ kết hôn di trú tại Hàn Quốc.

2013-07-21

1.Giải đáp thông tin về cuộc thi năng lực song ngữ dành cho con em gia đình đa văn hóa


Câu hỏi.Tôi lấy chồng Hàn Quốc và sang đây sinh sống từ năm 2002, tại một vùng quê ở tận phía nam đất nước. Cả hai vợ chồng chúng tôi cùng làm nông nghiệp, cuộc sống thanh bình và dễ chịu. Chúng tôi sống hạnh phúc cùng với hai con nhỏ. Cháu gái lớn hiện đang học lớp 2 rồi. Ở nhà, tôi thường xuyên nói chuyện với cháu bằng tiếng Việt. Mỗi khi có dịp, tôi cũng đều cho cháu về Việt Nam chơi nên cháu nói tốt cả tiếng Việt và tiếng Hàn. Tôi nghe nói các trung tâm đa văn hóa ở Hàn Quốc hay tổ chức cuộc thi nói tiếng Hàn và ngoại ngữ. Tôi muốn con mình tham gia để cháu thể hiện khả năng và cũng là để có thêm bạn bè, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Tôi không biết phải làm thế nào và hỏi ở đâu để đăng ký cho cháu dự thi..

Trả lời.Thật tuyệt vời khi con gái chị lại có thể có thành thạo cả hai ngôn ngữ Hàn-Việt như vậy. Theo chúng tôi được biết thì đa số con em các gia đình đa văn hóa hiện đang sống ở Hàn Quốc thường chỉ thành thạo tiếng Hàn thôi, còn ngôn ngữ còn lại của bố hoặc mẹ thì chỉ nói được một số câu đơn giản, thậm chí có người còn không hề biết chữ nào. Xin được ghi nhận nỗ lực của con gái chị, của chị và gia đình trong việc duy trì và giáo dục cho con em mình biết và hiểu về tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam.

Sống trong một môi trường mà đi đâu con gái chị cũng phải sử dụng tiếng Hàn thì việc cháu nói được tiếng Việt là điều rất đáng khen ngợi. Chắc chị phải rất vất vả và kiên trì khi dạy cháu học tiếng Việt, đúng không ạ? Dĩ nhiên, nỗ lực của chính bản thân con gái chị là yếu tố quan trọng nhất trong việc cháu có thể nói giỏi tiếng Việt, nhưng nếu chị không quyết tâm và dành thời gian cho cháu thì cũng không có kết quả như hiện tại. Cháu giỏi tiếng Việt không chỉ giúp tình cảm mẹ con của chị được gắn kết hơn mà điều đó còn nhắc nhở cháu không quên cội nguồn, biết yêu Việt Nam hơn. Khả năng nói tiếng Việt cũng như những hiểu biết về văn hóa Việt Nam sẽ là hành trang quý báu cho cháu trong cuộc sống sau này.

Nhiều người không nhận thức hết được ý nghĩa và tác dụng của việc này nên không hề hướng cho con em mình học ngôn ngữ thứ hai của cha mẹ. Họ cho rằng đang sống ở Hàn Quốc thì cần gì phải vất vả học thêm một ngôn ngữ không phổ biến nữa, thà rằng cho học tiếng Anh còn tốt hơn. Hoặc thậm chí, có nhiều trường hợp còn cảm thấy ngượng ngùng khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai kia, không muốn để người khác biết mình xuất thân từ gia đình đa văn hóa. Suy nghĩ này xuất hiện cũng là do một bộ phận người Hàn Quốc có cái nhìn không thiện cảm với người nước ngoài hoặc chưa hiểu rõ về đa văn hóa.

Trở lại với câu hỏi của chị, do chị không nói rõ chị đang sống ở địa phương nào nên không biết thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây có giúp ích được gì cho chị không. Đó là Cuộc thi năng lực song ngữ dành cho con em gia đình đa văn hóa của tỉnh Bắc Jeolla. Đây là lần thứ hai Sở giáo dục tỉnh Bắc Jeolla tổ chức cuộc thi năng lực song ngữ dành cho học sinh thuộc gia đình đa văn hóa trong tỉnh. Vì vậy, nếu chị cùng gia đình không sống ở khu vực này thì con chị sẽ không được đăng ký tham gia đâu.

Cuộc thi gồm có vòng sơ tuyển và chung khảo. Vòng sơ khảo được thực hiện tại phòng giáo dục các địa phương, mỗi địa phương chọn ra một hoặc hai thí sinh để tham gia vòng chung khảo. Tổng cộng sẽ có khoảng 20 thí sinh được chọn để tham gia vòng chung khảo. Vòng chung khảo của cuộc thi sẽ chính thức diễn ra từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều thứ Bảy ngày 3/8/2013, tại Hội trường tầng 8 của Sở giáo dục tỉnh Bắc Jeolla, ở thành phố Jeonju thuộc tỉnh Bắc Jeolla.

Đối tượng thí sinh tham gia được chia thành hai nhóm là nhóm học sinh tiểu học và nhóm học sinh trung học cơ sở. Tất cả các em học sinh đang học tiểu học hay trung học cơ sở và sinh sống trong tỉnh Bắc Jeolla đều có thể đăng ký. Cuộc thi không giới hạn ngôn ngữ tham gia. Các em sẽ có tổng sáu phút để trình bày một chủ đề tự chọn liên quan tới đa văn hóa bằng cả tiếng Hàn và ngôn ngữ của quốc gia xuất thân của bố hoặc mẹ mình, mỗi ngôn ngữ trong vòng ba phút. Trình tự sẽ là phát biểu bằng tiếng Hàn trước rồi phát biểu bằng ngôn ngữ thứ hai sau, cũng với cùng một nội dung.

Giải thưởng cũng sẽ chia theo hai nhóm. Hai thí sinh đoạt giải đặc biệt ở nhóm tiểu học và nhóm trung học cơ sở sẽ được nhận giải thưởng trị giá tương đương 400.000 won, tức là gần 400 USD. Còn hai thí sinh giành giải nhất ở mỗi nhóm sẽ nhận giải trị giá 200.000 won. Bốn thí sinh đoạt giải cao nhất này sẽ được tham gia vào cuộc thi năng lực song ngữ toàn quốc. Ngoài ra còn có bốn giải nhì, bốn giải ba và sáu giải khuyến khích với các phần thưởng khác nhau.

Học sinh là con em của các gia đình đa văn hóa nếu tự tin về khả năng ngôn ngữ của mình và có nguyện vọng tham gia cuộc thi này thì có thể đăng ký dự thi tại phòng giáo dục các địa phương trong tỉnh Bắc Jeolla đến hết ngày 29/7/2013. Nếu có gì thắc mắc thì có thể gọi đến tới Sở giáo dục tỉnh Bắc Jeolla theo số 063-239-3114 hoặc phòng giáo dục các địa phương trong tỉnh để nghe giải thích thêm. Chúc con gái của chị thuộc đối tượng được tham gia và sẽ đoạt giải cao.


2.Giải đáp thông tin về lớp học tự vệ dành cho phụ nữ kết hôn di trú tại Hàn Quốc.


Câu hỏi.Tôi chuẩn bị sang Hàn Quốc du học hai năm với khóa đào tạo thạc sĩ. Tôi cũng có tìm hiểu thông tin qua báo, đài và người thân quen về môi trường sống sắp tới của mình. Về cơ bản, mọi thông tin đều nói Hàn Quốc là đất nước có an ninh tốt. Có thể đi sớm về khuya mà không cần lo lắng, cũng không có hiện tượng móc túi cướp giật ở những nơi công cộng. Tuy nhiên, thi thoảng tôi xem TV thì thấy cũng có các trường hợp phụ nữ gặp nguy hiểm do bị xâm hại tình dục. Cũng là phụ nữ nên tôi thấy vấn đề này thật đáng sợ, nhất là với người nước ngoài khi không thông hiểu địa hình, ngôn ngữ cũng như các biện pháp nhờ cứu trợ khi khẩn cấp. Không biết ở Hàn Quốc có nơi nào giảng dạy về thực trạng của vấn đề và cách phòng chống bạo lực dành cho phụ nữ không nhỉ? Tôi muốn tìm hiểu về vấn đề này.

Trả lời.Hoan nghênh bạn chuẩn bị tới xứ sở kim chi nhé. Cơ bản thì đúng như bạn Phương đã biết, về mặt chính trị, tuy Hàn Quốc vẫn còn là quốc gia chia cắt và hai miền Nam-Bắc mới chỉ trong trạng thái đình chiến chứ chưa kết thúc chiến tranh, nhưng mức độ an ninh và an toàn trong sinh hoạt đời thường thì tương đối đảm bảo. Bạn có thể thoải mái nghe điện thoại khi đi trên đường phố hoặc trên phương tiện giao thông công cộng mà không lo bị ai đó bất ngờ giật mất. Thậm chí bạn có thể tung tẩy cầm ví trên tay mà không cần phải đề phòng kẻ xấu.

Và nếu bạn có lỡ đánh rơi hay để quên đồ vật cá nhân ở đâu đó thì khả năng tìm lại được cũng rất cao. Người ta sẽ không nhặt mà để nguyên đó để bạn có thể quay lại tìm, hoặc sẽ giao chúng cho cảnh sát, nhân viên bảo vệ. Vì thế, nếu gặp phải trường hợp không may để thất lạc đồ thì bạn cũng không cần quá lo lắng vội vàng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể được tuyệt đối an toàn. Nếu không may và chủ quan, bất cẩn quá thì bạn cũng dễ gặp phải những việc đáng tiếc. Các phương tiện truyền thông vẫn thường khuyến cáo, nhất là đối với phụ nữ, là không nên đi ra đường khi quá khuya. Ban đêm ở ngoài đường phố cũng có nhiều người say xỉn. Họ chính là những đối tượng mà chúng ta cần đề phòng. Nhiều người tưởng về khuya đi taxi sẽ an toàn nhưng taxi cũng là phương tiện tiềm ẩn nhiều tội phạm trá hình. Đã có nhiều trường hợp hành khách đi taxi bị cướp bóc hoặc thậm chí là xâm hại tình dục.

Như bạn biết đấy, phụ nữ vốn được cho là “phái yếu”, là những người chân yếu tay mềm nên rất dễ bị xâm hại về mặt thân thể. Những hành vi bạo lực có thể xảy đến với nữ giới từ rất nhiều đối tượng. Có thể là chính những người trong gia đình, có thể là từ những kẻ trộm cắp cướp giật hoặc quấy rối tình dục. Biết được các biện pháp và kỹ thuật phòng tránh, hạn chế tối đa mức độ thiệt hại là điều rất cần thiết.

Phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn nói riêng và phụ nữ nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc lại càng dễ trở thành đối tượng của những kẻ xấu. Nguyên do là vì họ thường không thông thạo tiếng Hàn, không nhanh nhạy trong việc sử dụng các số điện thoại hỗ trợ cũng như các biện pháp trợ giúp khác. Chính vì thế mà nhiều cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc đã mở các lớp giáo dục tập huấn về phòng chống bạo lực, đối phó với các tình huống nguy hiểm thường xảy ra cho các chị em này. Mới đây, Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Seongdong, Seoul cũng thông báo vào ngày mùng 7 tháng sau sẽ mở lớp giáo dục kỹ thuật tự vệ dành cho phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn nhằm phòng tránh những thiệt hại do bạo lực gây ra với nữ giới.

Tự vệ là kỹ thuật thoát ra khỏi sự tấn công của người khác hoặc tránh đòn của đối phương để giữ an toàn cho bản thân chứ không phải là tấn công lại người khác. Người tự vệ sẽ sử dụng các đồ vật thông thường ở quanh mình để làm vũ khí để bảo vệ bản thân hoặc các kỹ thuật tay không để hạn chế tối đa sự tấn công của đối phương. Khi được học và hiểu về tự vệ thì các chị em sẽ có thể phát huy các kỹ thuật này theo phản xạ vào lúc gặp nguy hiểm. Dĩ nhiên, tự vệ cũng bao gồm cả phương pháp phòng ngự được ứng dụng trong trường hợp đối phương dùng vũ khí hay hung khí tấn công mình.

Trung tâm dự tính tiến hành song song cả lớp lý thuyết với các nội dung về thực trạng, phương pháp đối phó với tình huống nguy hiểm và lớp thực hành để huấn luyện năng lực tự vệ cho các chị em. Người tham dự lớp học sẽ được các giáo viên của Quỹ gia đình phụ nữ và Liên minh Taekwondo phụ nữ Hàn Quốc dạy một cách bài bản, giúp chị em tự tin, yên tâm hơn khi gặp phải các tình huống bất lợi.

Học viên tham gia lớp học này sẽ được miễn học phí hoàn toàn. Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép nên trung tâm chỉ có thể nhận 20 người theo thứ tự ưu tiên người đăng ký trước thôi. Nếu ai có mong muốn theo học thì hãy trực tiếp tới Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Seongdong hoặc gọi điện tới số điện thoại 02-3395-9445 để đăng ký.

Lựa chọn của ban biên tập