Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về dự án hỗ trợ y tế và sách thiếu nhi song ngữ dành cho gia đình đa văn hóa.

2013-06-30

1. Giải đáp thông tin về về dự án hỗ trợ y tế dành cho gia đình đa văn hóa.


Câu hỏi.Mình hiện đang sống ở Incheon, thành phố ngay sát thủ đô Seoul cùng với người chồng Hàn Quốc và hai con trai nhỏ. Chồng mình không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Không biết có phải do chồng mình đã nhiều tuổi hay không mà hai đứa con của mình từ khi sinh ra đã hay ốm vặt rồi, hầu như tháng nào cũng phải đi viện khám rồi uống thuốc. Mới đây mình rất buồn khi phát hiện ra chính mình cũng không hoàn toàn khoẻ mạnh. Thấy đau và nổi hạch ở cổ, mình đi khám thì bác sĩ nói mình bị u tuyến giáp cần phải mổ để tránh bị biến chứng dẫn đến ung thư. Mình rất lo lắng. Phần vì bệnh tật phần vì sợ không có tiền để chữa trị. Mặc dù mình có bảo hiểm y tế nhưng những chi phí phải tự chi trả cũng không đơn giản. Chi phí cho các xét nghiệm, phẫu thuật, thuốc men và nằm viện vài ngày ước tính lên tới vài triệu won. Cho mình hỏi có nơi nào hỗ trợ chi phí y tế cho những trường hợp như của mình không?

Trả lời.Xin được chia sẻ cùng bạn những khó khăn mà bạnc đang gặp phải. Quả là không gì quý bằng sức khoẻ. Tình trạng sức khoẻ ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến tinh thần cũng như tình hình tài chính của gia đình. Như bạn kể thì gia đình bạn vốn đã eo hẹp về kinh tế, con cái hay ốm đau, giờ bạn lại phải phẫu thuật như vậy nữa thì quả là đáng lo. Nhưng xin được thông báo tin vui với bạn rằng có một dự án liên quan tới y tế có thể trợ giúp bạn đấy.

Đó là “Dự án hỗ trợ chi phí y tế dành cho gia đình đa văn hóa 2013” do Quỹ phúc lợi y tế Hee-nyeon (희년) thực hiện với sự tài trợ của Quỹ quyên góp cộng đồng phúc lợi xã hội thành phố Seoul và doanh nghiệp Grandkorea. Đây là dự án hỗ trợ chi phí y tế dành cho phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn và con em dưới 18 tuổi của họ khi mắc bệnh mà không có điều kiện chữa trị do kinh tế khó khăn.

Có thể nói, kể từ sau thế vận hội Olympic 1988, Hàn Quốc được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế. Nhờ sức bật kinh tế cùng những nỗ lực không ngừng của Hàn Quốc trong việc phát triển văn hóa, đưa hình ảnh quốc gia đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới mà nhiều người nước ngoài đã tìm đến xứ sở Kimchi. Đầu tiên là những người lao động nước ngoài và tiếp sau đó là những phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn với giấc mơ “Korea dream” khiến cho lượng người nước ngoài tới Hàn Quốc không ngừng tăng lên.

Trong số những người lao động nước ngoài đến Hàn Quốc theo diện tu nghiệp sinh hoặc xuất khẩu lao động, có rất nhiều trường hợp đã hết thời hạn hợp đồng mà vẫn chưa về nước, chấp nhận sống bất hợp pháp nên gặp phải không ít rủi ro cũng như khó khăn. Giống như trường hợp của bạn, họ không được hưởng bảo hiểm y tế và nhiều quyền lợi khác nên rất tốn kém khi ốm đau. Vì thế mà Quỹ phúc lợi y tế Hee-nyeon được ra đời và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/1995.

Thực chất, đây là chế độ bảo hiểm y tế theo hình thức hỗ trợ tương hỗ. Chế độ này ra đời nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn về chăm sóc sức khỏe, chi phi điều trị cao đối với những người nước ngoài không được đảm bảo về mặt pháp luật. Những người nhập cư muốn được hưởng ưu đãi y tế của quỹ phúc lợi y tế này thì hàng tháng phải đóng góp một khoản nhất định. Chính số tiền do các hội viên người nước ngoài quyên góp sẽ được sử dụng trong việc chi trả chi phí y tế khi hội viên cần. Khi bị bệnh cần khám chữa thì phải thông báo với người phụ trách và sẽ được hướng dẫn tới bệnh viện có sự hợp tác với quỹ.

Nhưng với dự án lần này thì có khác. Không cần phải là thành viên đóng quỹ hàng tháng nhưng nếu là phụ nữ thuộc gia đình đa văn hóa và con em của họ thì vẫn có thể nhận hỗ trợ y tế nếu được xét duyệt. Trước mắt những đối tượng đang sinh sống tại thành phố Seoul, tỉnh Gyeonggi, thành phố Incheon sẽ được ưu tiên. Dù là đang nằm viện hay chuẩn bị nhập viện điều trị đều có thể đăng ký. Tùy từng loại bệnh và hoàn cảnh kinh tế gia đình mà hỗ trợ có khác nhau. Với các trường hợp bệnh nặng thì có thể sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu won tương đương gần 5.000 USD tiền nằm viện, chi phí phẫu thuật, tiền khám bệnh, tiền thuốc…

Những gia đình cần sự hỗ trợ thì có thể đăng ký thông qua nhân viên phòng phúc lợi xã hội của bệnh viện mà mình hiện đang điều trị. Ngoài đơn đăng ký theo mẫu, còn phải nộp các giấy tờ xác nhận về tình trạng kinh tế và tình trạng sức khoẻ. Sau khi đăng ký thì hồ sơ sẽ được thẩm định và có kết quả trong vòng chỉ một tuần.

Danh mục những tài liệu cần thiết cho hồ sơ đăng ký có thể kiểm tra ở mục “Hỗ trợ y tế khẩn cấp”(응급 의료 지원 GKL) trên trang web của Quỹ phúc lợi y tế Hee-nyeon tại địa chỉ: http://jubileekorea.org. Thời gian tiếp nhận hồ sơ và hoạt động đến tháng 12 năm 2013. Nơi tiếp nhận hồ sơ là Quỹ phúc lợi y tế Hee-nyeon tầng 2, số 144-43, phường Doksan 1, quận Geumcheon, Seoul. Bạn hoặc chồng của bạn có thể gọi điện thoại đến số 02-854-7828 hoặc truy cập vào địa chỉ website của Quỹ phúc lợi y tế Hee-nyeon để tìm hiểu thêm chi tiết. Với những gì mà bạn viết trong thư thì chúng tôi tin chắc chắn rằng bạn sẽ nhận được hỗ trợ cho ca phẫu thuật u tuyến giáp của mình đấy. Chúc cho bạn và gia đình mạnh khoẻ và hạnh phúc. Hy vọng sớm nhận được tin vui từ bạn.


2. Giải đáp thông tin về sách thiếu nhi song ngữ dành cho gia đình đa văn hóa.


Câu hỏi.Mình là một trong số rất nhiều các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và hiện đang sinh sống ở đất nước của xứ sở Kim chi này. Cuộc sống của mình tương đối dễ chịu. Tuy nhiên con gái mình đã đến tuổi đi học tiểu học và trước đó thì cũng đi mẫu giáo nên thời gian tiếp xúc với mình không nhiều. Cháu hầu như nói được rất ít tiếng Việt, còn tiếng Hàn của mình thì cũng không tốt lắm, chỉ giới hạn trong những tình huống, những câu nói thường dùng. Mình thấy càng ngày giao tiếp chung giữ mình và con gái ngày càng giảm đi. Mình cũng đang nỗ lực rất nhiều nhưng không dễ để có thể đọc và hiểu hết một câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi dù rất ngắn bằng tiếng Hàn được. Không biết ở Hàn Quốc có cuốn truyện dành cho thiếu nhi nào được dịch sang tiếng Việt hoặc truyện Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn không nhỉ? Mình muốn tìm mua hoặc mượn để hai mẹ con có thể cùng đọc và chuyện trò với nhau. Mong chương trình giới thiệu giúp.

Trả lời.Chúng tôi thiết nghĩ băn khoăn này không chỉ của riêng chị. Chắc chắn là rất nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chống Hàn Quốc cũng đang có suy nghĩ giống chị đấy. Rào cản ngôn ngữ luôn là vấn đề được đem ra bàn đến. Mọi khúc mắc, hiểu lầm cũng như khó khăn trong cuộc sống của hầu hết các chị em lấy chống nước ngoài đều ít nhiều có nguồn gốc từ việc không thông hiểu ngôn ngữ của nhau. Điều này thật khó tháo gỡ trong một sớm một chiều mà cần phải kiên trì và có thời gian. Chính phủ, các tổ chức của Hàn Quốc và mỗi cá nhân là người trong cuộc đều đã và đang nỗ lực để giảm bớt những cách biệt về ngôn ngữ, khiến cho mọi người đến gần với nhau hơn.

Có thể vì đang sống ở Hàn Quốc, không cập nhật hết được các thông tin ở Việt Nam nên chị không biết rằng đã có những chuyện cổ tích Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn cũng như một số chuyện cổ tích Hàn được dịch sang tiếng Việt và có in song ngữ Hàn-Việt rất tiện theo dõi. Các cuốn sách này đã được xuất bản và lưu hành trên thị trường rồi đấy. Đầu tiên phải kể đến cuốn “Cây khế” được ra mắt vào tháng 2/2011. Tiếp theo là tập truyện “Cậu bé lười biếng biến thành bò” được ra mắt vào đầu năm 2012. Cả hai cuốn đều do Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam chịu trách nhiệm giới thiệu.

“Cậu bé lười biếng biến thành bò” là cuốn sách song ngữ Việt-Hàn với 10 chuyện cổ tích tiêu biểu của hai nước. Trong đó, năm chuyện quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được giới thiệu ở đây là “Thánh Gióng,” “Mị Châu-Trọng Thủy,” “Trương Chi,” “Trầu cau” và “Ông Công, ông Táo”. Còn năm chuyện cổ tích của Hàn Quốc là “Sự tích mặt trăng và mặt trời,” “Nhà vua có đôi tai lừa,” “Hồng khô đáng sợ hơn hổ," “Cậu bé lười biếng biến thành bò” và “Truyền thuyết Dangun.”

Mỗi chuyện cổ tích của hai nước đều được minh họa tự nhiên và sinh động qua nét vẽ của các họa sỹ tên tuổi tại Việt Nam. Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn những cuốn truyện cổ tích song ngữ Việt Nam-Hàn Quốc sẽ là người bạn giúp các thế hệ tương lai trong gia đình Việt Nam-Hàn Quốc học hỏi về lịch sử và văn hóa giàu truyền thống của hai đất nước. Chị có thể nhờ người quen, gia đình hoặc bạn bè đang ở Việt Nam tìm mua giúp hai cuốn truyện này nhé. Như chị biết đấy, những câu chuyện cổ tích là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cánh ước mơ của biết bao thế hệ trẻ em trên toàn thế giới… Các em được lớn lên trong ước mơ về một thế giới diệu kì - thế giới mà cái thiện, cái đẹp luôn chiến thắng cái ác, cái xấu…Và, không chỉ là ước mơ, những câu chuyện cổ tích cũng mang đến cho cuộc sống hiện thực của chúng ta những phép nhiệm màu, để khi đối mặt với khó khăn, đau khổ, chúng ta biết thôi thúc mình cố gắng vượt qua.

Còn tại Hàn Quốc thì mới đây thành phố Seoul đã biên soạn và vừa cho ra mắt sách thiếu nhi song ngữ có tên gọi “Lời thì thầm của mẹ”(엄마의 속삭임) dành cho các bà mẹ và con em thuộc gia đình đa văn hóa. Những truyện cổ tích thiếu nhi nổi tiếng ở Hàn Quốc như “Chị em Khongjuy Patjuy”(콩쥐팥쥐), ‘Anh trai Mặt trời và em gái Mặt trăng’(해와 달이 된 오누이), ‘Ngưu lang Chức nữ’(견우와 직녀) được các em nhỏ ưa thích, cũng được đưa vào trong sách.

Như đã giới thiệu, để mẹ và các bé cùng có thể đọc được những câu chuyện này thì sách được in song ngữ là tiếng Hàn và 10 thứ tiếng khác là tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Mông Cổ, tiếng Philipine, tiếng Nhật, tiếng Nga… Đối với những phụ nữ nhập cư kết hôn với người Hàn, những cuốn sách này cũng có thể coi là sách học tiếng Hàn, còn con em của họ thì có thể sử dụng cuốn sách như giáo trình học song ngữ. “Lời thì thầm của mẹ” dành cho gia đình đa văn hóa được phân phát miễn phí cho các cơ quan và trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở khu vực Seoul nên chị có thể đến đó đọc hoặc mượn về nhà đọc. Hy vọng hai mẹ con chị sẽ có những khoảng thời gian thú vị khi cùng nhau đọc chuyện cổ tích của hai nước bằng cả hai thứ tiếng.

Lựa chọn của ban biên tập