Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Chương trình Giáo dục đa văn hoá dành cho thanh thiếu niên Hàn Quốc và hiện tượng “꽃샘추위”(Kot-sem-chu-uy) của Hàn Quốc

2012-03-25

1. Chương trình Giáo dục đa văn hoá dành cho thanh thiếu niên Hàn Quốc

Câu hỏi 1Mình hiện mới bước vào năm thứ 2 của chương trình thạc sĩ chuyên ngành giáo dục tiếng Hàn ở Hàn Quốc. Mình sống ở ký túc xá của trường và bạn cùng phòng với mình là người Philippines. Mình học bằng tiếng Hàn, còn bạn ấy học chuyên ngành khác bằng tiếng Anh. Tiếng Anh của mình thì hạn chế, còn tiếng Hàn của bạn ấy thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ xã giao đơn giản nhất. Từ cách đây hơn 1 tháng bạn ấy bắt đầu tham gia vào chương trình giáo dục đa văn hoá do thành phố Seoul tổ chức. Nghe giải thích thì mình hiểu đại khái là bạn ấy tham gia chương trình với tư cách là một giáo viên lưu động. Bạn ấy sẽ có những buổi đến các trường học để giới thiệu về Philippines. Có vẻ như rất thú vị, hơn nữa mình vốn thích làm giáo viên và cũng muốn có trải nghiệm như vậy. Tuy nhiên mình chưa hiểu rõ về chương trình này lắm. Xin giới thiệu giúp mình và nếu muốn tham gia thì mình cần có những điều kiện gì?

Trả lời 1
Có một người bạn cùng phòng đang thực hiện đúng công việc mà bạn muốn tìm hiểu nhưng hai bên lại không thực sự chia sẻ hết được với nhau vì vấn đề ngôn ngữ thì qủa là đáng tiếc đúng không ạ?. Nhưng không sao, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn ngay đây. Tên chính xác của chương trình mà bạn nói đến là “Multi-cultural Education for Children and Youth”, tức là chương trình giáo dục đa văn hóa dành cho thanh thiếu niên Hàn Quốc do thành phố Seoul tổ chức bạn ạ. Cụ thể, người nước ngoài sẽ đến các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Seoul để giới thiệu, giảng dạy cho các học sinh ở đó về đất nước, con người, và nền văn hóa, lịch sử của nước mình

Trong khi xã hội Hàn Quốc đang hướng tới xu thế đa văn hoá thì hoạt động này quả là rất cần thiết để giúp các em học sinh hiểu biết về các quốc gia trên thế giới thông qua chính người bản địa với những trải nghiệm vô cùng thú vị. Thành phố Seoul đã giao cho Ban hỗ trợ sinh hoạt cho người nước ngoài thực hiện chương trình này từ năm 2009 trên tinh thần tự nguyện của các tình nguyện viên người nước ngoài. Sau một năm hoạt động hiệu quả và nhận thức được mức độ cần thiết của việc giáo dục đa văn hoá cho các em học sinh bậc phổ thông nên chương trình mở rộng quy mô, cải tiến phương pháp và không dừng lại ở hoạt động tình nguyện nữa.

Người nước ngoài tham gia vào chương trình được hưởng thù lao tương xứng với công sức mà mình bỏ ra. Thông thường mỗi người sẽ dạy 2~3 buổi trong 1 tháng. Nếu thời gian dạy khoảng 1 giờ đồng hồ thì sẽ được nhận 80.000won và nếu trên 1 tiếng thì sẽ được nhận 130.000won.

Tính cho tới thời điểm cuối năm 2011 thì đã có 16 quốc gia có người tham gia vào chương trình này như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Mông Cổ, Philippines, Indonesia, Nhật Bản ...Thông thường đại diện mỗi nước sẽ có khoảng 1~2 người. Hầu hết những giáo viên tham gia giảng dạy đều là các du học sinh đang học các chương trình thạc sĩ hay tiến sĩ tại Hàn Quốc. Tất cả đều được giới thiệu thông qua đại sứ quán của các nước tại Hàn Quốc. Trước đó, chỉ có 1 số trường thực hiện việc giáo dục đa văn hoá này như một hoạt động ngoại khóa mang tính thí điểm và có sự lựa chọn nhưng bước vào năm 2012 toàn bộ các trường học bậc tiểu học và phổ thông trên địa bàn Seoul đều bắt buộc phải tham gia nên số lượng giáo viên và các quốc gia tham dự tăng lên đáng kể.

Như chúng tôi đã đề cập thì trước đây các thành viên tham gia vào chương trình đều phải qua giới thiệu của đại sứ quán của nước mình tại hàn Quốc nhưng giờ các bạn có thể trực tiếp đăng ký. Vẫn theo trình tự là trước hết bạn phải nộp đơn theo mẫu kèm bản sơ yếu lý lịch có dán ảnh và chứng minh thư người nước ngoài. Trong đó bạn phải nói rõ bạn sẽ nói bằng tiếng Hàn hay tiếng Anh, khẳng định việc bạn có đủ khả năng ngoại ngữ cũng như kiến thức chuyên môn để giảng dạy về vấn đề này.

Nếu bạn có khả năng giảng bằng tiếng Hàn thì đương nhiên là rất tốt rồi. Nhưng nếu bạn chỉ có thể giảng bằng tiếng Anh thì khi lên lớp sẽ có phiên dịch viên giúp bạn. Phiên dịch viên này thực chất là giáo viên ở chính trường mà bạn sẽ đến dạy.

Sau khi xét duyệt hồ sơ, người phụ trách sẽ gọi điện cho bạn để phỏng vấn. Nội dung phỏng vấn thực chất là để một lần nữa kiểm tra lại các thông tin bạn đã đăng ký. Chủ yếu họ muốn kiểm tra khả năng nói tiếng Anh hay tiếng Hàn của bạn xem có đủ điều kiện để giảng dạy hay không. Sau khi đã được chấp nhận thì bạn cần gửi một bản kế hoạch lên lớp tương đối cụ thể.

Địa điểm và đối tượng nghe bạn giảng mỗi lần lại khác nhau trong địa bàn khu vực thành phố Seoul. Vì người phụ trách chương trình sẽ đăng tải thông tin cơ bản về bạn, thời gian mà bạn đăng ký số buổi dạy trong tháng và giáo viên ở mỗi trường cũng sẽ nhìn vào đó để đăng ký.

Trước khi chính thức tham gia vào chương trình thì bạn sẽ có buổi gặp gỡ với người phụ trách tại văn phòng để nghe giới thiệu và hướng dẫn cụ thể. Chương trình cũng khuyến khích việc bạn dùng các đạo cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy. Chẳng hạn, bạn có thể chuẩn bị bộ áo dài, nón truyền thống mang đến giới thiệu cho các em học sinh được nhìn hay mặc thử. Bạn cũng nên đưa ra các tình huống thực hành với học sinh như đặt câu hỏi để các em trả lời. Nếu trả lời tốt và làm tốt những yêu cầu bạn đặt ra thì bạn có thể có những món quà để tặng thưởng các em như bánh kẹo, bưu thiệp hoặc quà kỷ niệm nho nhỏ của Việt Nam.

Mặc dù chương trình giảng dạy về cơ bản không có gì thay đổi so với nội dung bạn lên kế hoạch trước về đất nước, con người, văn hoá Việt Nam nhưng tuỳ thuộc vào đối tượng nghe khác nhau mà bạn phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn cách bạn truyền đạt thông tin cho các em học sinh tiểu học phải khác với trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài những thông tin căn bản cần giới thiệu thì để buổi học phong phú, sinh động, hấp dẫn học sinh bạn còn cần phải đưa thêm tranh ảnh và video minh hoạ. Hoặc có thể cho chơi trò chơi truyền thống, vẽ quốc kỳ, đố vui... để tạo không khí thoải mái và hiệu quả.

Chúng tôi muốn lưu ý với bạn một việc rất quan trọng là tuy công việc có vẻ đơn giản nhưng bạn nên nhớ nếu đã tham gia vào chương trình nay thì mặc nhiên ở mức độ nhất định bạn như một đại diện cho hình ảnh Việt Nam trước mắt các em học sinh phổ thông Hàn Quốc vậy. Trước khi đến dạy ở trường nào đó bạn cần liên lạc trước với giáo viên phụ trách để xác nhận lại thời gian, địa điểm, tuyệt đối tránh trường hợp đi lạc đường hay bị muộn giờ. Bạn cần duy trì thái độ, tác phong sao cho chuẩn mực để mang lại những ấn tượng tốt nhất về Việt Nam. Nếu tự tin và yêu thích công việc này thì chúng tôi tin rằng bạn sẽ hoàn thành tốt. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết thêm về chương trình này tại Ban hỗ trợ sinh hoạt cho người nước ngoài của thành phố Seoul qua số điện thoại: (02)2171 2850/2447 hoặc qua địa chỉ trang web www.seoul.go.kr.

2. Giải đáp về hiện tượng “꽃샘추위”(Kot-sem-chu-uy)

Câu hỏi 2 Xin tự giới thiệu, em hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa tiếng Hàn ở một trường Đại học tại Việt Nam. Tuần trước em có được học từ vựng “꽃샘추위”(Kot-sem-chu-uy). Cô giáo người Hàn Quốc cũng đã giải thích về ý nghĩa của từ này và theo em hiểu thì đó là hiện tượng rét muộn vào cuối đông đầu xuân. Em liên tưởng đến cụm từ “rét nàng Bân” của Việt Nam, thấy có vẻ cũng đúng và trùng hợp. Nhưng em không hiểu nghĩa gốc của từ này, và tại sao lại có hiện tượng này cũng như tại sao việc rét muộn lại liên quan đến hoa. Chắc còn ẩn ý gì chăng? Em rất mong được chương trình giải đáp giúp ạ.

Trả lời 2
Rét nàng Bân là cách gọi theo dân gian về đợt rét đậm cuối cùng của mùa đông thường xảy ra vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam. Đây là đợt rét đậm, kéo dài vài ngày, thường kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn do đặc trưng của khối không khí lạnh cuối mùa không phải chỉ từ Bắc xuống Nam mà hơi lệch về phía Đông qua vịnh Bắc Bộ, đưa hơi nước từ biển vào, và chúng di chuyển cũng có khi khá mạnh.. Rét nàng Bân có liên quan đến một câu chuyện rất thú vị không biết các bạn đã từng nghe chưa?
Chuyện kể rằng, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân, cũng là một người ở thế giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một chiếc áo ngự hàn.
Nhưng nàng vụng về quá, khi trời mới chớm rét, nàng đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, đến nỗi trời đã sắp sang xuân mà chỉ mới may được đôi cổ tay. Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân. Tục ngữ có câu: "Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng Ba là rét nàng Bân" là vì thế.
Còn ở Hàn Quốc thì người ta gọi hiện tượng rét muộn vào đầu xuân này là 꽃샘추위”(Kot-sem-chu-uy) như bạn đã biết. “Kot” có nghĩa là “hoa”, “sem” là từ rút gọn của “si-sem” tức là “ghen tị” hoặc “ghen ghét”, và “chu-uy” có nghĩa là “lạnh”. Dịch nôm na cụm từ này thì sẽ là “Cái lạnh xuất hiện do ghen tị với thời kỳ hoa nở”. Là một cách nói bóng gió để nói về hiện tượng trời bỗng nhiên trở lạnh vào đầu mùa xuân khi hoa bắt đầu nở chứ không có ẩn ý gì đặc biệt đâu bạn ạ. Thực chất về mặt khí tượng thì cụm từ này nói đến việc luồng không khí lạnh từ vùng Siberia thổi tới Hàn Quốc vào thời gian tưởng chừng như mùa đông đã hoàn toàn đi qua.
Khi mùa xuân đến thì sức mạnh của luồng không khí lạnh từ vùng Siberia vốn thổi vào Hàn Quốc trong suốt mùa đông sẽ bị yếu đi và nhiệt độ tăng lên. Nhưng rồi bỗng nhiên lại mạnh trở lại và tạo nên hiện tượng nhiệt độ thấp bất thường. Thông thường, hiện tượng này xảy ra vào khoảng từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4 dương lịch. Năm nào cũng vậy nên dường như người Hàn Quốc đã quá quen với hiện tượng “꽃샘추위”(Kot-sem-chu-uy) nhưng không phải ai cũng biết tại sao lại sinh ra hiện tượng này đâu bạn ạ.
Theo các nhà nghiên cứu khí tượng thuỷ văn học thì khi mùa xuân đến, áp suất không khí cao của vùng Siberia vốn hoạt động dữ dội trong suốt mùa đông sẽ yếu đi. Áp suất không khí thấp mang tính ôn đới phát sinh ở lục địa Trung Quốc và áp suất không khí cao của vùng khí lạnh ở Siberia bị phân tán sẽ giao nhau và đi qua Hàn Quốc. Khi áp suất không khí cao đi qua thì thời tiết trong lành, nhiệt độ cao lên còn khi áp suất không khí thấp đi qua thì có mưa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái... Đó đều là những hiện tượng báo hiệu mùa xuân đã về. Nhưng có lúc, áp suất không khí thấp đi qua, khí lạnh ở vùng Siberia sẽ hồi phục ở mức độ nhất định và tạo nên đợt giá lạnh trong khoảng vài ngày.
Hiện tượng lạnh như vậy hầu như đều đến bất ngờ, không được chuẩn bị trước nên cũng gây ra những thiệt hại không nhỏ cho sức khoẻ con người và nông sản. Hàng năm, đợt lạnh “꽃샘추위”(Kot-sem-chu-uy) đều diễn ra nhưng thời điểm và thời gian lại khác nhau. Thông thường, tổng số ngày lạnh từ khoảng 7~9 ngày, chia làm 1~2 đợt. Những nơi vĩ độ càng cao thì số ngày rét càng nhiều. Những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của không khí từ Siberia thuộc khu bờ biển phía Tây Hàn Quốc như Incheon, Gunsan, Mokpo... thường phát sinh nhiều hơn các khu vực dọc bờ biển phía Đông. Các khu đô thị lớn thì do ảnh hưởng của đô thị hoá mà chịu ảnh hưởng tương đối ít hơn.

Lựa chọn của ban biên tập