Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thời tiết và các khúc hát truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-11-16

Âm điệu ngàn xưa

Thời tiết và các khúc hát truyền thống Hàn Quốc
Tâm tình người Hàn Quốc trong tiết gió heo may
Tiết lập đông năm nay đã đến từ tuần trước, tuần sau sẽ là tiết tiểu tuyết, nhưng chưa biết sẽ có tuyết rơi hay không. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa đông ngày càng ngắn đi nhưng vẫn lạnh khiến ta càng thấy nhớ những ngày ấm áp. Nhạc phẩm “Songnime” (Rừng thông xanh) có đoạn:

Tuyết rơi trên rừng thông xanh, mỗi cành thông tựa mỗi đóa hoa
Bẻ một cành, muốn gửi người nơi xa vắng
Chưa tới tay người tuyết đã tan

Hẳn ai cũng liên tưởng tới người mình yêu thương mỗi khi thấy điều hay của lạ. Cứ mỗi độ đông về đa phần người Hàn Quốc thường nhớ tới một món ăn nào đó gắn liền với kỷ niệm một thời. Xưa kia, các ngõ nhỏ trên lối phố thường văng vẳng tiếng rao bán bánh nếp Chapssaltteok hay món thạch kiều mạch Memilmuk nhưng giờ thật hiếm gặp. Đâu rồi cái thời vừa đứng ăn những xiên chả cá Eomuk vừa húp xùm xụp cốc nước dùng nóng hôi hổi phía trước các quán ăn di động Pojangmacha ven đường, những lần tay vàng hoe vì bóc quýt ăn, hay túi bánh cá vàng nướng Bungeobbang thơm phức bố mẹ mua về trên đường tan tầm, khoai nướng và cả hạt dẻ nướng nữa… Những ngày đông lạnh giá được cùng nhau quây quần bên bếp sưởi, cùng đắp chăn, cùng trò chuyện và nhấm nháp hương vị của đồ ăn vặt, ai ai cũng thấy ấm áp hạnh phúc một cách lạ thường. 

Tình tiết các khúc hát truyền thống có chủ đề “gió”
Ca khúc “Barami Bunda” (Gió thổi) được biến tấu lại từ “Gunbamtaryeong” (Khúc hát hạt dẻ nướng) có đoạn:

Gió thổi ~ gió thổi
Gió thổi trước biển Yeonpyeong, gió tiền thổi, hạt dẻ nướng

Biển Yeonpyeong trong ca khúc chỉ vùng biển gần đảo Yeonpyeong, ngư trường đánh bắt cá đù Jogi ở mé biển phía Tây Hàn Quốc. Người đời truyền nhau rằng hàng năm cứ đến vụ cá đù Jogi là vùng biển nơi đây lại nhung nhúc cá. Cứ ra khơi là đảm bảo “bội thu” đầy ắp thuyền cá quay về. Thế nên người ta mới ví gió đông thổi là “gió tiền” thổi. 

Tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc có đoạn Tào Tháo của nhà Ngụy huy động triệu quân để tấn công nhà Ngô. Khi đó, Tào Tháo ở phía Bắc của con sông Xích Bích, còn Tôn Quyền của nhà Ngô và quân lính lại ở phía Nam của con sông. Nếu lúc đó phía quân nhà Ngô bắn mũi tên có mồi lửa về phía quân Tào Tháo thì sẽ đánh dẹp được nhà Ngụy nhưng thời điểm diễn ra cuộc chiến là mùa đông thường có gió Tây Bắc thổi về phía Nam, rất có thể làm thương vong cho chính đội quân của mình. Giữa lúc tình thế rối ren, Khổng Minh, tức Gia Cát Lượng (phò tá Lưu Bị) khi đó đang đứng về phía Tôn Quyền đã cho lập thất linh đàn trên núi Nam Bình để cầu gió Đông Nam. Khi bài khấn vừa kết thúc thì quả nhiên, hướng gió thực sự đã xoay chuyển từ Tây Bắc sang Đông Nam. Chu Du, một danh tướng của Tôn Quyền, từ lâu đã biết Khổng Minh là bậc "thiên hạ kỳ tài", nếu để người như vậy sống về sau sẽ là họa cho nước, nên Chu Du đã sai người ra tay sát hại Khổng Minh. 
Đoán biết được lòng dạ hiểm ác của Chu Du, Khổng Minh đã cho gọi Triệu Tử Long để phòng bị từ trước. Khi Triệu Tử Long dùng thuyền đưa Khổng Minh đến chỗ Lưu Bị, thuyền của quân sĩ nhà Ngô vội vã đuổi theo sau nhưng đã bị Triệu Tử Long giương cung bắn gãy đôi cột buồm, giúp con thuyền chở Khổng Minh Gia Cát Lượng an toàn thoát khỏi địa phận của Tôn Quyền. 

* Khúc thơ cổ phổ nhạc Pyeongsijo “Songnime” (Rừng thông xanh) / Yang Jeong-won
* Khúc hát “Barami Bunda” (Gió thổi) / nhóm nhạc thính phòng đàn nhị Haegeum EeHyeon-eui-Nong
* Trích đoạn “Cầu gió Đông Nam” trong trường ca Jeokbyeokga (Xích Bích ca) / Yoon Jin-cheol

Lựa chọn của ban biên tập