Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc phẩm Nanbongga cùng nỗi nhớ người thương

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-11-02

Âm điệu ngàn xưa

Nhạc phẩm Nanbongga cùng nỗi nhớ người thương
Nỗi nhớ người thương của người phụ nữ trong câu hát truyền thống Nanbongga
Nanbongga là giai điệu dân ca tiêu biểu của vùng Hwanghae (phía Tây bán đảo Hàn Quốc, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên). Theo tốc độ và lời ca thì Nanbongga nhịp điệu chậm gọi là Gin Nanbongga, nhịp điệu nhanh là Jajin Nanbongga, rồi có cả Saseol Nanbongga. Xét theo vùng miền, còn có Nanbongga vùng Yeonpyeong hay vùng Gaeseong đều rất nổi tiếng. Tuy không phải là dân ca của vùng Hwanghae nhưng Nanbongga vùng Jinju (thuộc tỉnh Nam Gyeongsang) cũng được nhiều người biết tới. Nói tới Nanbongga, người ta thường liên tưởng ngay tới những người lãng tử lãng du Nanbong-ggun. Nhưng trong ca từ của khúc hát Nanbongga không hề xuất hiện ca từ nào miêu tả về những thói lãng tử, mà chủ giãi bày về tình yêu không thành. Người ta đoán rằng, trong tên khúc hát Nanbongga có chữ “Nan”, âm Hán cũng là “nan”, nghĩa là “khó”, và chữ “Bong”, âm Hán là “phùng”, nghĩa là “gặp gỡ”, nên “Nanbong” có thể hiểu theo là “Khó gặp”. 

Đảo Yeonpyeong nằm ở vùng duyên hải phía Tây Hàn Quốc thuộc huyện Ungjin, thành phố Incheon, cách cảng Incheon 145 km, từ đất liền phải mất 2 giờ đi thuyền mới đến được Yeonpyeong nhưng khoảng cách từ đây đến bán đảo Garyeong của tỉnh Hwanghae chỉ có 13 km, còn gần hơn đường vào đất liền ở Hàn Quốc nên đây cũng là nơi có nhiều người Bắc Triều Tiên bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hiện đang sinh sống. Khúc Nanbongga của đảo Yeonpyeong có đoạn:

Sóng triều lên theo giờ
Nỗi nhớ chàng dạt dào không giờ giấc
Tiếng trống Buk vang vọng phía trước Jangsangot
Hai ba ngày sau thuyền cập bến này!

Câu hát miêu tả nỗi mong nhớ người chồng ra khơi đánh cá của những người vợ lưu lại chốn quê nhà. Khúc hát còn có câu điệp khúc “Nanana! Là núi! Không chơi làm gì” nên còn được gọi là khúc hát “Nanana Taryeong”. Khúc hát có ca từ:

Anh chồng mới nhà tôi thật tài ba
Đi thuyền bằng mai cua ra biển câu cá này!

Câu ca hóm hỉnh như thể vừa biểu hiện sự tin tưởng của người phụ nữ đối với người đàn ông “đứng mũi chịu sào” làm chỗ dựa cho gia đình, vừa thể hiện nỗi niềm xót xa của người vợ trước cuộc sống nhọc nhằn nguy hiểm của người chồng phải kiếm kế sinh nhai nuôi sống gia đình. 

Nanbongga mang hơi thở thời đại
Dân ca Minyo là dòng âm nhạc dân gian mà bất cứ ai cũng có thể hát vào bất cứ lúc nào như lúc chơi đùa, lúc làm việc, ngay cả lúc khóc nữa. Đó là dòng âm nhạc đời sống, thấm đượm những nét văn hóa, phong tục và tình cảm của người dân Hàn Quốc tự bao đời. Gần đây khó thấy ai vui buồn cùng câu hát dân ca Minyo. Thế nên làm thế nào và bằng cách nào để những giai điệu trân quý này len lỏi vào đời sống tinh thần của người dân trong xã hội hiện đại là nỗi trăn trở của những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Và để thực hiện sứ mệnh này, họ đã không ngừng tìm tòi những chiều hướng phát triển mới cho âm nhạc truyền thống. Ví như biến tấu giai điệu dân ca Gin Nanbongga (Nanbongga nhịp điệu chậm) thành khúc hát đại chúng Sin Nanbongga (Nanbongga nhịp điệu mới) với ca từ:

Thành núi Jeongbang cỏ cây xanh mướt
Gà không gáy đêm lại gáy ngày
Cơ gối tứ chi ê ẩm lạnh buốt
Chỉ tại người ta mới ra nông nỗi này

* Khúc hát Nanbongga theo nhịp điệu chậm Gin Nanbongga và nhịp điệu nhanh Jajin Nanbongga / nhóm nhạc truyền thống Akdangwangchil
* Giai điệu dân ca “Nanbongga” đảo Yeonpyeong / Koh Geum-seong và Kim Bo-yeon 
* Khúc hát Sin Nanbongga (Nanbongga nhịp điệu mới) / Kim Ju-hong 

Lựa chọn của ban biên tập