Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm tình của những mảnh đời gian truân trong câu ca tiếng hát xưa ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-10-19

Âm điệu ngàn xưa

Tâm tình của những mảnh đời gian truân trong câu ca tiếng hát xưa ở Hàn Quốc
Chiếc gùi gánh nặng cuộc đời của những người tiều phu xưa ở Hàn Quốc
Trong kho tàng truyện cổ tích của Hàn Quốc có câu chuyện kể về chàng tiều phu lên rừng đốn củi gặp tiên nữ, hay ông bụt xuất hiện trước mặt người tiều phu với hai cây rìu vàng, rìu bạc. Xưa kia ở Hàn Quốc, khi nhà nhà đều dùng bếp củi để sưởi ấm và nấu nướng thì việc chuẩn bị đầy đủ củi đốt là việc vô cùng quan trọng. Có khi cả làng cùng nhau đi đốn cây kiếm củi, khiến cho cây cối ở xóm núi quanh làng trở nên khan hiếm, hơn nữa đa phần núi đều có chủ sở hữu nên càng khó khăn hơn. Cũng vì lý do này mà tiều phu trở thành một nghề kiếm kế sinh nhai. Các khu rừng xưa ở Hàn Quốc còn có nhiều hổ, chúng thường xuyên lần mò xuống nhà dân, đi vào sâu trong rừng một chút nếu không gặp hổ cũng gặp phải các loài mãnh thú như lợn rừng, chó sói. Thế mà người tiều phu xưa phải một thân một mình cặm cụi ở chốn “rừng sâu nước độc” suốt cả ngày. Và “Eosayong” là từ để chỉ những khúc hát mà những người tiều phu xưa ở Hàn Quốc thường ngân nga trong lúc đi đốn củi trong rừng để xua tan nỗi cô độc cũng như đánh tiếng xua đuổi thú rừng. Ca từ của khúc hát là lời than thân trách phận của những người lấy nghề đốn củi làm kế sinh nhai, rằng “Người ta may mắn được sinh ra trong gia đình nền nếp, giàu sang, có của ăn của để, được ăn sung mặc sướng, còn mình thì thân phận hẩm hiu nghèo đói, một mình cực nhọc giữa núi sâu rừng thẳm không một bóng người”.

Người Hàn Quốc gọi “cái gùi” là “Jige”. Khác với cái gùi của Việt Nam được đan bằng mây hay nan tre, cái gùi Jige của Hàn Quốc có khung được làm bằng cành cây cứng và chắc để có thể dễ dàng vận chuyển đồ đạc. Một người đàn ông khỏe mạnh có thể dùng chiếc gùi Jige để địu đồ vật có trọng lượng lên tới khoảng 50-70 kg. Do địu rất nặng, nên khi nhấc địu đứng lên, người dùng gùi Jige thường phải dùng cây gậy chống được gọi là Jigemokbal. Lúc hát khúc “Jige Eosayong”, người tiều phu thường lấy gậy Jigemokbal để gõ nhịp nên khúc hát này còn có tên gọi là “Khúc hát gậy chống Jigemokbal - Jigemokbal Sori”. Có phỏng đoán cho rằng “Eosayong” là từ có liên quan tới âm nhạc Beompae trong nghi thức Phật giáo vì từ “Beompae” còn được gọi là “Eosan”. Và cả hai thể loại Eosayong và Beompae đều có lối hát ngân dài, trầm bổng cùng ca từ thuần túy mà tha thiết, một âm sắc đặc trưng của vùng núi tỉnh Gyeongsang và tỉnh Gangwon. Trong  âm nhạc Eosayong cũng có khúc “Galgamagu Sori”, tức “Tiếng kêu của quạ gáy xám”. Thông thường thì người ta sẽ hát khúc “Sinsetaryeong” (Khúc hát than thở về thân phận đời người) là “Quạ! Quạ! Quạ! Quạ gáy xám núi Jiri ơi!”. Giờ đây, loài quạ trở thành biểu tượng của sự chết chóc nhưng xưa kia chúng đã từng được coi là một loài chim linh thiêng và được dùng để dự đoán tương lai. Có lẽ là vì những điều này nên không ít người phỏng đoán rằng khúc hát được hát trong nghi lễ múa hát lên đồng khi nghênh đón thần linh đã trở thành bài hát của các tiều phu mang hơi hướng Phật giáo. 

Những bước thăng trầm của đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến ở Hàn Quốc
“Bongdeoki Taryeong” là khúc hát kể về chuyện một quả phụ trẻ đi tìm đứa con gái bỏ nhà ra đi tên là Bong-deok. Điều đặc biệt ở đây là tuổi của cô con gái Bong-deok nhiều hơn tuổi của bà mẹ góa. Trong câu hát chúng ta vừa nghe thì bà quả phụ 39 tuổi và cô con gái 29 tuổi nhưng vốn dĩ trong các câu hát gốc, tuổi của bà mẹ góa chỉ là 19 còn cô con gái Bong-deok thì 29 tuổi. Sự trái ngược về độ tuổi của hai mẹ con khiến người nghe thêm tò mò và chú tâm hơn vào câu hát, đồng cảm với những nỗi thống khổ, những bước thăng trầm của người mẹ góa chồng trên đường đi tìm con gái. Ca từ của khúc hát như lời oán thán một xã hội mà người bần hàn có đầu tắt mặt tối lao công khổ tướng đến mấy thì vẫn không thoát được cái nghèo trong khi đó thì giới quý tộc chỉ ăn trắng mặc trơn mà vẫn cứ giàu “nứt đố đổ vách”

* Nhạc phẩm “Jige Eosayong” (Khúc hát cái gùi) / bô lão Shin Eui-geun
* Khúc hát “Bongdeoki Taryeong” của tỉnh Bắc Chungcheong / bô lão Lee Gwang-yeong 
* Khúc hát “Bongdeoki Chatgi” (Đi tìm Bong-deok) / Kim Dong-geun

Lựa chọn của ban biên tập