Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khả năng kết hợp linh hoạt của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-10-12

Âm điệu ngàn xưa

Khả năng kết hợp linh hoạt của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc
Khả năng kết hợp linh hoạt của chính nhạc Jeongak
Thu về khiến lòng ta xao xuyến. Không ít người còn rơi vào trạng thái bâng khuâng thổn thức. Chả thế mà người Hàn Quốc có câu “Gaeul Tada” khi thấy ai trầm tư suy nghĩ trong tiết thu. Sang thu, lượng ánh nắng giảm hơn so với mùa hè, hóc môn hạnh phúc Serotonin cũng ít được chuyển hóa. Để cơ thể giữ được trạng thái cân bằng và tâm hồn thư thái khi giao mùa chúng ta nên dành thời gian hóng nắng lúc ban ngày, nghỉ ngơi và thưởng thức âm nhạc. Sangryeongsan là một trong 9 nhạc phẩm thuộc dòng nhạc Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương). “Sangryeongsan” có thể được dùng để độc tấu hoặc hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ và được bắt đầu bằng nhịp điệu chậm, sau đó nhanh dần lên, tạo cảm hứng cho người nghe. Nhạc phẩm “Sangryeongsan” (Thượng linh sơn) thường được độc tấu, đặc biệt là bằng sáo trúc dọc Piri vì âm thanh trong trẻo và vang vọng của cây sáo mang lại cảm giác tĩnh mà uyển chuyển. 

Âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có thể chia thành hai thể loại là chính nhạc Jeongak và nhạc dân gian Minsokak. Nếu như nhạc dân gian Minsokak là thể loại âm nhạc dành cho bách tính, thì chính nhạc Jeongak là âm nhạc được tấu trong các nghi lễ cung đình và là thể loại âm nhạc dành cho giới quý tộc có cuộc sống vương giả nhàn hạ. Do đó, nhịp điệu tiết tấu của chính nhạc Jeongak chậm hơn nhạc dân gian Minsokak, giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân. Ngược lại, nhạc dân gian Minsokak dành cho dân thường luôn bận rộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền nên có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. “Sangryeongsan” (Thượng linh sơn) trong dòng nhạc Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) là nhạc phẩm thuộc dòng chính nhạc Jeongak. Xưa kia, ở Hàn Quốc, những người ưa thích dòng âm nhạc này thường cùng tụ họp ở khán phòng quy mô nhỏ có tên gọi là Pungryubang (Phòng phong lưu) để cùng nhau thưởng thức nhạc. Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) là âm nhạc được thưởng thức các tỉnh thành trên toàn quốc ở Hàn Quốc và cả giới âm nhạc dân gian cũng ưa thích. Do đó, mỗi địa phương mỗi nhạc gia đều có cách diễn tấu riêng của mình thành các phiên bản khác nhau. Vốn dĩ ngoài 9 nhạc phẩm cấu thành, phần cuối của Yeongsanhoesang còn có nhạc phẩm “Cheonnyeonmanse” (Thiên niên vạn tuế) gồm ba đoạn. Những người trong giới âm nhạc dân gian sau khi diễn tấu “Cheonnyeonmanse” còn tấu cả khúc nhạc lên đồng của tỉnh Nam Jeolla mang tên “Namdo Gutgeori”. 

Khả năng kết hợp của nhạc khí khèn bầu Saenghwang
Trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có nhạc phẩm “Suryongeum” (Thủy long âm), có nghĩa là “tiếng ngâm thơ của loài rồng sống dưới nước”. Đây là nhạc phẩm thường được tấu bằng sáo trúc ngắn Danso và khèn bầu Saenghwang, thể hiện những âm thanh mà người trần không nghe thấy được. Khèn bầu Saenghwang góp vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác kỳ bí cho nhạc phẩm “Thủy long âm”. Trong các nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc, khèn bầu Saenghwang là nhạc khí duy nhất có thể cùng một lúc tạo ra nhiều âm thanh giao hòa với nhau. Chiếc khèn bầu Saenghwang được làm từ một quả bầu, bên trong có cắm nhiều ống trúc có độ dài ngắn khác nhau, trông giống như diện mạo của chú chim phượng hoàng đang xếp cánh đậu nghỉ ngơi. Trong mỗi ống trúc của khèn bầu Saenghwang đều có một miếng màng rung mỏng bằng kim loại gọi là Cheong. Màng kim loại này sẽ rung lên và có tác dụng tạo âm khí hơi thổi chạy ngang qua. Âm thanh do màng kim loại Cheong này tạo ra mang tới cho người nghe một cảm giác gì đó huyền bí tới khó tả, và vì thế mà nó được ví với âm thanh của loài linh vật phượng hoàng. Tiếng khèn bầu Saenghwang cao vút rất hợp với âm thanh trong trẻo của tiếng sáo trúc ngắn Danso, thế nên khi hai nhạc khí này cùng hòa tấu người ta gọi đó là tiết mục “Saengsobyeongju”, trong đó từ “Saeng” là khèn bầu Saenghwang và “So” là sáo trúc ngắn Danso. 

* Nhạc phẩm “Sangryeongsan” (Thượng linh sơn) dành cho sáo trúc dọc Piri / Jeong Jae-guk (sáo trúc dọc Piri)
* Khúc nhạc lên đồng “Namdo Gutgeori” của tỉnh Nam Jeolla / Park Se-yeon (đàn tranh 12 dây Gayageum)
* Nhạc phẩm “Suryongeum” (Thủy long âm) / Kim Gye-hee (khèn bầu Saenghwang), Lee Woong (đàn tranh 12 dây Gayageum), Kim Sang-jun (sáo trúc ngắn Danso)

Lựa chọn của ban biên tập