Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thể loại âm nhạc thi xướng truyền thống ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-10-05

Âm điệu ngàn xưa

Thể loại âm nhạc thi xướng truyền thống ở Hàn Quốc
Thể loại âm nhạc Songseo (Tụng thư)
Có ba thứ âm thanh được dân tộc Hàn yêu thích từ thời xa xưa. Đó là tiếng khóc chào đời của trẻ, tiếng người phụ nữ hai tay dùng hai chiếc chày gỗ đập cho quần áo phẳng phiu và tiếng đọc sách. Giờ thì chẳng mấy người đọc sách thành tiếng nhưng trên thực tế việc đọc sách thành tiếng sẽ cải thiện và nâng cao khả năng tập trung. Giới học giả xưa kia ở Hàn Quốc luôn đọc sách với âm giọng to dõng dạc và trong quá trình này họ ngẫu hứng thành lời bài ca. Tiêu biểu cho thể loại này có thể kể đến Songseo (Tụng thư), có nghĩa là “đọc và hát to theo sách”. 
Tụng thư là dòng âm nhạc có lẽ đã từng được giới học giả xưa kia ở Hàn Quốc yêu thích. Truyền rằng, xưa kia kỹ nữ ở mỗi vùng đều theo đuổi những dòng tụng thư riêng biệt, ví như ở Andong (tỉnh Bắc Gyeongsang) ưa đọc kinh điển Nho giáo “Đại học”, kỹ nữ ở Yeongheung (tỉnh Gyeonggi) ưa khúc hát ca ngợi thành tựu của các tiên đế thời Joseon mang tên “Yongbieocheonga” (Long phi ngự thiên ca), kỹ nữ vùng Hamheung (tỉnh Nam Hamgyong, nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên) lại thích “Xuất sư biểu” của Khổng Minh Gia Cát Lượng.
 
“Chupunggambyeolgok” (Khúc hát cảm kích gió thu) vốn là áng thơ có trong tiểu thuyết “Chaebonggambyeolgok” (Chae-bong cảm biệt khúc), kể về câu chuyện tình yêu giữa nàng Chae-bong, con gái của một gia đình tầng lớp trung lưu và chàng công tử Kang Pil-seong. Hai người đã làm lễ đính hôn nhưng sau bao biến cố của cuộc đời, cuối cùng Chae-bong đã trở thành kỹ nữ. Và vào một đêm trăng sáng, nàng đã hát khúc ca “Chupunggambyeolgok” trong nỗi nhớ nhung công tử Kang. 

Khúc thi xướng “Gwansanyungma” (Quan Sơn nhung mã)
Khúc thi xướng “Gwansanyungma” (Quan Sơn nhung mã) có nhịp điệu êm dịu, gợi cảm giác thu man mác buồn được bắt đầu bằng câu:

Sông thu phẳng lặng, cá lạnh băng
Người hóng gió Tây trên lầu gác Jungseon

Tiếng sáo trúc Danso và tiếng hát đều trong trẻo như bầu trời thu xanh cao. Có lẽ chính vì cảm giác này nên bài thơ “Gwansanyungma” của văn sĩ Shin Kwang-su ngay lập tức được các kỹ nữ chuyển thành bài hát và được lan truyền rộng rãi. Trong chuyến vãng cảnh tới Bình Nhưỡng, khi nghe kỹ nữ Moran ngâm bài thơ của mình, văn sĩ Shin Kwang-su đã để lại dòng lưu bút rằng “Khi Moran ngâm bài thơ “Quan Sơn nhung mã”, mây như ngừng trôi để cố nán lại lắng nghe nàng hát”. Có vẻ Moran là kỹ nữ ngâm bài thơ “Quan Sơn nhung mã” thời bấy giờ, thế nên lúc đã luống tuổi bạc đầu, nàng vẫn được mời vào cung điện để hát khúc thi xướng này, và ai nấy đều ngỡ ngàng khi nghe nàng cất giọng.

* Khúc tụng thư “Chupunggambyeolgok” (Khúc hát cảm kích gió thu) / Oh Bok-nyeo 
* Khúc thi xướng “Gwansanyungma” (Quan Sơn nhung mã) / Lee Hyeon-ah (hát), Park Ji-seon (sáo trúc ngắn Danso)
* Khúc “Chugangi” (Sông thu) theo phong cách hiện đại / Choi Yun-yeong (hát), Shin Hee-jun (đàn ghita)

Lựa chọn của ban biên tập