Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tiếng hát ru trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-09-14

Âm điệu ngàn xưa

Tiếng hát ru trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc
Tiếng hát ru và chiếc nôi nựng trẻ
Tiếng ru ngọt ngào thời thơ bé dường như đã đi vào tiềm thức của mỗi con người. Thế nên lúc trưởng thành, khi nghe lại câu hát ru, dường như ai cũng cảm thấy ấm lòng và thiu thiu muốn chìm vào giấc ngủ như thuở còn thơ được vỗ về cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khi em bé được nghe hát ru, nhịp tim dần chậm lại, cảm giác đau được giảm đi, bớt khóc, bớt nhăn nhó và lật mình vì khó chịu, và dễ tăng cân hơn so với những trẻ không được nghe hát ru. Không ít người nghĩ rằng do mình hát không hay nên cho trẻ nghe bài hát ru của các ca sĩ tài năng, nhưng trên thực tế, trực tiếp hát cho bé nghe sẽ có hiệu quả cao hơn. Vì đối với trẻ nhỏ, hát ru không chỉ đơn thuần là câu hát mà còn chứa đựng “tình yêu thương”. 
Khúc hát ru của vùng Josil thuộc huyện Gwangyang, tỉnh Nam Jeolla. Thiết nghĩ các bé lớn lên cùng câu hát như :

“Gà đừng cục tác, chó đừng sủa vang
Bé ngủ hoa nở bốn bề
Trung với nước, hiếu với mẹ cha
Hòa thuận với anh chị em nghe bé”

Vậy thì làm sao có thể hư hỏng được cơ chứ. Người dân đảo Jeju sử dụng chiếc nôi Aegigudeok để nựng và nuôi trẻ. Chiếc nôi Aegigudeok được đan bằng nan tre, ở phần giữa của chiếc nôi, người ta buộc một chiếc dây treo và bện dây thừng nhỏ căng thành lưới, phía dưới trải rơm rạ lúa mạch Boritdae rồi phủ miếng vải lên trên. Do đó, dù có để nôi trên mặt đất cũng không lo bé bị côn trùng cắn. Nôi Aegigudeok dùng trong mùa hè thì thoáng mát, mùa đông thì tránh được hơi lạnh từ mặt đất nên các mẹ cũng thường đặt bé vào nôi và đưa đi theo khi ra ruộng làm việc, thi thoảng dùng tay hoặc chân đung đưa nhẹ chiếc nôi, vừa hát ru đưa bé vào giấc ngủ. 
Giờ đây chúng ta chỉ còn có thể thấy chiếc nôi tre Aegigudeok được bảo quản như di vật ở bảo tàng dân tộc. Còn các bà mẹ trẻ thời nay lại ưa chuộng nôi làm bằng kim loại, vì có thể vừa xem TV vừa đọc sách vừa đung đưa nhẹ chiếc nôi để ru con ngủ. 

Giấc ngủ của con trong vòng tay người cha
Còn gì bình an hơn giây phút ngắm con mình ngủ đúng không ạ. Nhạc phẩm cuối của chuyên mục phát thanh hôm nay là khúc hát ru con trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Simcheongga” với trích đoạn ông Sim mù lòa bồng con gái Sim Cheong đi xin sữa thiên hạ do danh ca Seong Chang-sun thể hiện. Truyện kể rằng, vợ ông Sim là bà Gwak đã từ giã cõi đời sau khi sinh hạ Sim Cheong. Chôn vợ xong, ông Sim cũng muốn đi theo vợ nhưng không đành lòng vì đứa con gái đỏ hỏn mới chào đời khóc nằng nặc suốt đêm vì khát sữa mẹ. Trời mới tờ mờ sáng, ông đã mò mẫm bồng Sim Cheong tới giếng làng, nơi các bà mẹ thường lui tới. Họ nói với ông Sim mù rằng “Chúng tôi có bỏ đói con em mình thì cũng sẽ cho Sim Cheong bú nhờ nên đừng ngại, cứ bồng con tới đây nhé”. Ở đây có đoạn ông Sim mỉm cười lúc con gái Sim Cheong bé bỏng ngủ ngon trong vòng tay sau khi được các mẹ cho bú no.

* Khúc hát ru của vùng Josil thuộc xã Bonggang, huyện Gwangyang, tỉnh Nam Jeolla / bô lão Kim Deok-nam
* Khúc hát ru “Đung đưa nôi Aegigudeok” / bô lão Gang Deung-ja
* Trích đoạn ông Sim mù lòa bồng con gái Sim Cheong đi xin sữa thiên hạ / Seong Chang-sun

Lựa chọn của ban biên tập