Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Thơ phổ nhạc Sijo truyền thống của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2015-07-01

Âm điệu ngàn xưa

Thơ phổ nhạc Sijo truyền thống của Hàn Quốc
[Bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo ở Hàn Quốc]
Thơ cổ Sijo là thể thơ truyền thống bằng tiếng Hàn của dân tộc Hàn. Một bài thơ này thường có bố cục ba dòng. Dòng đầu là Chojang, dòng thứ hai là Jungjang và dòng thứ ba là Jongjang. Mỗi dòng có hai nhịp, mỗi nhịp có từ ba đến bốn âm tiết. Vậy nên thơ cổ Sijo còn được gọi là thể thơ ba dòng sáu nhịp. Và đây là thể loại thơ cổ phổ biến còn được gọi là Pyeongsijo. Sau này bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo dần biến đổi thành thể loại có số âm tiết nhiều hơn được gọi là Saseolsijo. Thơ cổ Sijo vừa là tác phẩm văn học vừa có thể trở thành lời của bài hát, và nếu khớp với âm thanh của nhạc khí ống và nhạc khí dây thì nó sẽ thành chính nhạc Gagok. Lời của ca khúc Pyeongrong (Bình Lộng) theo thể loại thơ phổ nhạc Gagok dành cho giọng nữ có đoạn:

Sao Bắc Đẩu một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy vì sao
Ngượng ngùng trải lòng này ai thấu
Thoáng gặp gỡ chưa cạn lời ngày đã hết
Đừng để cho đêm dài và ngày mai đến


Bài hát là tâm tình lưu luyến da diết của những người yêu nhau lâu ngày mới gặp mặt mà đã phải chia tay ngay.

Thơ cổ Sijo xuất hiện ở Hàn Quốc từ cuối triều đại Goryeo (khoảng thế kỷ XIV), chịu ảnh hưởng từ lối hát Hyangga thời Silla và lối hát Gayo thời Goryeo, ngắn gọn nhưng lại rất hàm súc. Vào thời kỳ đầu của triều đại Joseon tức khoảng thế kỷ XIV và XV, các học giả thường làm thơ mang tính giáo dục răn dạy. Nhưng từ thời giữa triều đại Joseon, tức vào thế kỷ XVI và XVII thì các kỹ nữ cũng được phép làm thơ và có nhiều bài thơ mang nội dung về tình yêu đôi lứa. Sau này các bài thơ cổ Saseolsijo do người dân thường sáng tác theo lối hài hước diễn tả niềm vui và nỗi buồn của họ. Cũng có thể loại thơ cổ phổ nhạc Sijochang nghe đỡ cứng nhắc hơn thể loại chính nhạc Gagok.

[Một số thể loại âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc được phổ nhạc từ thơ cổ Sijo]
Đôi khi lối thơ cổ Sijo còn được lồng vào âm nhạc dân ca Minyo. Một đoạn thơ của kỹ nữ Hwang Jin-yi viết rằng:

Nước suối trong, núi thẳm dưới trời xanh đừng tự tin rằng sẽ dễ về
Khi dòng chảy ra biển rồi, ắt khó lòng quay lại
Núi vắng tràn ngập ánh trăng trong, nán lại nghỉ ngơi mà tận hưởng


Đây là những câu thơ cổ Sijo do Hwang Jin-yi, một phụ nữ cầm kỳ thi họa xuất chúng của vùng Songdo, sáng tác khi chia tay với một học sĩ có hiệu là Byeokgyesu (âm Hán là “Bích khê thủy” tức là “Nước suối trong”). Từ Myeongwol (Minh nguyệt, có nghĩa là “Trăng sáng”) trong bài thơ cũng là bút danh của kỹ nữ Hwang Jin-yi.

Xưa kia ở Hàn Quốc nói đến bài hát Norae thì người ta mường tượng ngay đến loại nghệ thuật trọng thị, uy nghiêm như thơ phổ nhạc Gagok, Gasa hay thơ cổ Sijo. Còn những khúc hát mà người dân thường ưa thích như hát kể chuyện Pansori hoặc các giai điệu dân ca Minyo được gọi là Sori. Do đó, Noraegarak là giai điệu trên lời thơ cổ Sijo, được hát theo âm điệu với bất kể chủ đề nào. Đặc thù ở đây là các câu hát cứ nối tiếp nhau. Thơ cổ Sijo lời ngắn nhưng nội dung súc tích nên vẫn được ưa chuộng trong thời kỳ này. Sau đây, Thanh Hương xin giới thiệu một áng thơ cổ Sijo do học giả Song Si-yeol, hiệu là Uam (Vưu Am), viết:

Non tự xanh nước tự biếc
Ta tự tại giữa non xanh nước biếc
Vạn vật trưởng sanh rồi khắc tự già


Nhà trí thức Song Si-yeol được gọi là Songja (một từ ghép từ họ “Song” và “Tử” như Khổng Tử) vì ông là một học sĩ Nho giáo nổi tiếng của Hàn Quốc giống như Khổng Tử hay Mạnh Tử của Trung Quốc. Trong thơ ông, thiên nhiên được cảm nhận như một người bạn, thể hiện nỗi niềm khao khát của tác giả được sống cuộc đời tự do, tự tại.

* Ca khúc Pyeongrong (Bình Lộng) theo thể loại thơ phổ nhạc Gagok dành cho giọng nữ/ Jo Sun-ja
* Dân ca “Noraegarak” của vùng tỉnh Gyeonggi/ Lee Ho-yeon
* Nhạc phẩm Cheongsando Jeolro Jeolro (nhạc phổ thơ Sijo của học giả Song Si-yeol) / Lee Yun-jin

Lựa chọn của ban biên tập