Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bước đường phát triển của đàn tranh 6 dây Geomungo ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-08-31

Âm điệu ngàn xưa

Bước đường phát triển của đàn tranh 6 dây Geomungo ở Hàn Quốc
Baekakjijang, nhạc cụ hàng đầu trong các nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc
Thuở xưa, người Hàn Quốc còn gọi đàn tranh 6 dây Geomungo là Baekakjijang, âm Hán là “Bách nhạc chi trượng”, có nghĩa là nhạc cụ hàng đầu trong tất cả các nhạc cụ. Có lẽ có người sẽ thắc mắc rằng vì sao nhạc cụ hàng đầu là đàn tranh Geomungo chứ không phải là loại đàn nào khác. Truyền rằng cây đàn tranh 6 dây Geomungo được du nhập vào Hàn Quốc từ thời Goguryeo (năm 37 TCN-thế kỷ VII) và được Tể tướng Wang San-ak cải tiến thành đàn Geomungo như ngày nay. Theo sử ký, cây đàn được du nhập thời đó là đàn thất huyền cầm mà không có ai biết cách diễn tấu. Thấy vậy, Wang San-ak bèn cải tiến cây đàn này thành đàn tranh Geomungo và còn sáng tác những khúc nhạc dành riêng cho đàn tranh này. Tương truyền khi Wang San-ak tấu đàn tranh 6 dây Geomungo, một chú hạc đen đã bay tới và nhảy múa theo điệu nhạc. Xưa kia, màu đen được coi là một trong 5 màu sắc cơ bản tượng trưng cho một phương trong vũ trụ và là màu thể hiện sự tôn quý quyền lực. Theo quan niệm của người xưa, hạc cũng là một linh vật luôn đi cùng với hình ảnh của các vị thần tiên. Thế nên truyền thuyết hạc đen bay tới nhảy múa khi nghe tiếng đàn tranh 6 dây Geomungo có hàm ý rằng đây là một loại nhạc cụ huyền bí linh thiêng. Còn có truyền thuyết rằng danh nhân đàn tranh 6 dây Geomungo Ok Bo-go của thời Silla thống nhất (từ thế kỷ VII-X) cuối cùng đã trở thành thần tiên. Rồi sau này, giới học giả Hàn Quốc đã coi đàn Geomungo là loại nhạc cụ giúp xoa dịu tâm hồn, khiến con người cảm thấy nhẹ nhàng, thanh tịnh. Có lẽ vì những điển tích này nên đàn tranh 6 dây Geomungo được coi là nhạc cụ Baekakjijang (Bách nhạc chi trượng). Cuối thời Joseon vào thế kỷ XVIII, khi dòng nhạc nhịp điệu nhanh, ngẫu hứng Sanjo xuất hiện, một số học giả còn than rằng chắc thế gian đã đến ngày tận số. Giới nghệ sĩ trẻ ngày nay cũng không ngừng cải tiến và tìm hướng đi mới cho đàn tranh 6 dây Geomungo.

Ứng xử với cây đàn tranh 6 dây Geomungo của các nghệ sĩ xưa và nay
Xưa kia, người học giả yêu thích đàn tranh 6 dây còn khắc thơ trên thân đàn và gọi đây là Gyeummyeong (Cầm minh). Bài thơ mà nho sĩ Jang Yoo khi đó viết và khắc trên đàn tranh Geomungo như sau:

Âm thanh trong trẻo, thanh cao, âm thanh tĩnh lặng, âm thanh sâu kín!
Tôi kém tấu đàn nhưng tấm lòng hòa hợp
Đừng cấm đoán hãy nuôi dưỡng tư duy để tấm lòng rộng mở
Núi cao, biển sâu, không có thời xưa cũng chẳng có bây giờ

Có lẽ vị học giả này ước nguyện đạt tới một nơi cao thật cao thông qua cây đàn tranh 6 dây Geomungo. Các nghệ sĩ trẻ trong làng đàn tranh 6 dây Geomungo thời nay, thay vì khắc thơ lên đàn, họ viết những lời giới thiệu về nhạc phẩm mới sáng tác của mình. Ví như nghệ sĩ trẻ Park Da-wool coi cây đàn tranh 6 dây Geomungo như một món đồ chơi nên đã sáng tác nhạc phẩm “Geomun Jangnanggam” (Đồ chơi đàn tranh 6 dây Geomungo), và giới thiệu khúc nhạc như sau.

Trước thấy hay nhưng giờ không chỉ thấy hay
Trước chẳng nghĩ gì, giờ lại nghĩ thật nhiều
Muốn chơi, muốn làm tốt, muốn cái này cái nọ
Thế nên cứ thế này thế kia

Nhạc phẩm này được sử dụng làm nhạc nền trong quảng cáo xe ô tô nên đã trở nên khá quen thuộc. Nhạc phẩm “Geomeun sup” (Rừng đen) có phần giới thiệu, rằng: 

“Cô gái trẻ như bị một điều gì đó lôi cuốn tới khu rừng đen. Không rõ là điều gì đã gọi cô tới đây nhưng cô đã bắt đầu đi vào trong rừng. Cô bước từng bước, càng đi thì cây lá và rêu phong phủ dày trên những phiến đá như cản đường cô. Càng vào sâu trong rừng cô càng muốn khóc nhưng giờ thì cô không thể quay trở lại vì con đường quay về đã biến mất. Cô gái không ngừng dấn bước”.

Đây là lời giải thích về nhạc phẩm. Hơi tối một chút, hơi sợ một chút, nhưng không thể dừng bước… cũng chính là những bước dấn thân vào thử thách của các nghệ sĩ đàn tranh 6 dây Geomungo trẻ tuổi thời nay. 

* Nhạc phẩm “Kwae” được biến tấu phỏng theo dòng âm nhạc Sanjo dành cho đàn tranh 6 dây Geomungo lối Shin Kwae-dong / nhóm nhạc Sinnoi 
* Nhạc phẩm “Geomun Jangnangam” (Đồ chơi đàn tranh 6 dây Geomungo) / Park Da-wool (đàn tranh 6 dây Geomungo)
* Nhạc phẩm “Geomeun Sup” (Rừng đen) / Hwang Gi-na (đàn tranh 6 dây Geomungo)

Lựa chọn của ban biên tập