Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Luồng gió mới trong âm nhạc múa hát lên đồng của đảo Jeju

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-08-10

Âm điệu ngàn xưa

Luồng gió mới trong âm nhạc múa hát lên đồng của đảo Jeju
Lên đồng Musok là tín ngưỡng truyền thống của Hàn Quốc
Nhiều người Hàn Quốc coi tín ngưỡng truyền thống lên đồng Musok của Hàn Quốc là mê tín dị đoan nhưng một số học giả cho đây là một trong những tôn giáo và gọi tín ngưỡng lên đồng Musok là Mugyo, âm Hán là “Vô giáo”. Gut là nghi thức tế thần trong tín ngưỡng lên đồng, có thể ví như nghi thức lễ Phật trong Phật giáo và lễ cầu nguyện trong Cơ đốc giáo. Gần đây khi nói tới Mudang, người ta thường nghĩ tới cảnh ông đồng bà đồng nhập đồng rồi gọi hồn hay xem bói cho người khác. Vốn dĩ ông đồng bà đồng Mudang là người được đào tạo chuyên môn để có thể làm chủ lễ trong các nghi lễ lên đồng Gut. Ở các vùng phía Bắc sông Hàn, những người được thần nhập Sinnaerim sẽ học nghi thức Gut và trở thành ông đồng bà đồng. Họ được gọi là Gangsinmu (Giăng thần vu). Còn ở phía Nam sông Hàn và vùng duyên hải phía Đông, ông đồng bà đồng là người theo nghiệp cha truyền con nối. Những người sinh ra và lớn lên trong gia đình lên đồng, họ nghiễm nhiên trở thành ông đồng bà đồng. Trên chiếu đồng Gut, ông đồng bà đồng mua vui cho các vị thần bằng những câu hát cùng vũ điệu, và cho rằng các vị thần có vui, những người tham gia chiếu đồng có vui thì chiếu đồng mới thiêng và có hiệu quả. Thế nên các chiếu đồng thường náo nhiệt, ông đồng bà đồng thường nhảy múa ca hát cùng người dân tham gia chiếu đồng. 

Các khúc hát có gốc gác từ múa hát lên đồng ở đảo Jeju
Dân ca “Seouje Sori” vốn là khúc hát được hát trên chiếu đồng Yeongdeunggut do các nữ thợ lặn Haenyeo (Hải nữ) dâng cúng thần gió Yeongdeung vào tháng 2 âm lịch. Người đời truyền nhau rằng thần gió Yeongdeung bay quanh các đảo, gieo xuống biển “hạt giống” của những loại hải sản mà các nữ thợ lặn Haenyeo thường hay mò lặn như tảo biển, bào ngư, ốc xà cừ. Chắc hẳn các Haenyeo đã hát theo câu hát của ông đồng bà đồng, và từ đó thuộc lòng câu hát “Seouje Sori”. Câu hát có ca từ hứng khởi nên được người dân trên đảo Jeju hát cả khi ra khơi mò lặn hải sản lẫn lúc làm việc ngoài ruộng. Dần dà, “Seouje Sori” đã trở thành khúc dân ca của người dân trên đảo. Trong số các khúc hát được hát trên chiếu đồng Gut ở đảo Jeju có khúc “Bonpuri”, giới thiệu chi tiết về quá trình xuất thân và trải nghiệm của các vị thần và thuở khai thiên lập địa định cư của con người. Rồi hàng loạt các câu chuyện về các vị thần lý thú không kém chuỗi kho truyện thần thoại Hy Lạp, La Mã. Ở đảo Jeju, người ta gọi ông đồng bà đồng là Simbang. “Bonpuri” được ông đồng bà đồng Simbang hát một mình từ đầu đến cuối. Vào khoảng giữa thời gian của nghi lễ lên đồng Gut, có khá nhiều các bài hát có tiết tấu vui nhộn. Trong đó có thể kể tới khúc hát xua đuổi tạp quỷ Pudasi. Sau khi kể tên các vị thần cao thượng như Ngọc Hoàng Thượng đế, chư Phật Tây Thiên, thần núi, mười vị Vua âm giới Thập Điện Diêm vương, rồi câu hát kể về câu chuyện của các tạp quỷ phiêu bạt tới đảo. Chắc hẳn những ai có một cuộc đời hạnh phúc ở trần gian thì không bị trở thành tạp quỷ phải phiêu bạt nay đây mai đó. Trong các tạp quỷ này còn có những người hy sinh trong Thế chiến thứ II. Có thể nói, chiếu đồng Gut đã thực hiện vai trò đồng cam cộng khổ với người dân Hàn Quốc qua bao thế hệ và thời đại. 

Gần đây khá nhiều nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc quan tâm tới dòng âm nhạc múa hát lên đồng ở đảo Jeju, trong số này có thể kể đến khúc hát “Saneun Sae” (tên tiếng Anh là “Soul Birds”, tức “Chim thiêng”) do ban nhạc Chadahye Chagis trình diễn, được biến tấu từ khúc hát lên đồng “Saedorim” (Đuổi chim) của đảo Jeju. Ở đây, Saedorim có nghĩa là “đuổi chim”. Trong tín ngưỡng lên đồng ở Hàn Quốc, chim được coi là loài vật có thể kết nối con người với bầu trời và sẽ bay tới cảnh báo trước khi có hiểm họa tai ương lớn ập xuống thế giới loài người. Nhưng con người lại coi chim là loài vật mang tới điềm gở vì hiểm họa tái diễn mỗi khi chim muông nháo nhác. Vì thế nên người ta còn coi từ chim (Sae) bắt nguồn từ từ “Sa”, âm Hán là “Tà” mang nghĩa là “không ngay thẳng, những điều quái dị”. Khi tổ chức chiếu đồng, “Saedorim” (Đuổi chim) là khúc hát được hát để xua đuổi mọi điềm gở điềm xấu trước nghi thức nghênh đón thần linh. Khúc hát có đoạn:

Chim đói bụng cho gạo đuổi đi
Chim khát nước cho nước đuổi đi

Ca từ của câu hát mang hàm ý “lá lành đùm lá rách”, khuyên răn con người cùng chia sẻ và nâng đỡ nhau. Đây vừa là tinh thần cốt lõi của tín ngưỡng lên đồng Musok của Hàn Quốc vừa là tâm nguyện của dân chúng. 

*Khúc dân ca “Seouje Sori” của đảo Jeju / nhóm nhạc Aengbi 
* Khúc hát lên đồng Pudasi của đảo Jeju / Gang Sun-seon 
* Khúc hát “Saneun Sae” (Soul Birds), phỏng theo mô-típ bài hát “đuổi chim” trong nghi lễ múa hát lên đồng ở đảo Jeju / ban nhạc Chudahye Chajis

Lựa chọn của ban biên tập