Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tiếng tăm của các kỹ nữ tài cán ở Hàn Quốc thời xưa

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-02-17

Âm điệu ngàn xưa

Tiếng tăm của các kỹ nữ tài cán ở Hàn Quốc thời xưa

Kỹ nữ Hanwu

Văn sĩ Im Je, hiệu Baekho (Bạch Hồ) sống ở thời trung kỳ triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) nổi tiếng là người văn hay chữ tốt, lãng mạn và phóng khoáng. Do bất mãn với cảnh rối ren đảng phái trong triều chính lúc đương thời, ông thường đi ngao du thiên hạ và để lại cho đời khá nhiều câu chuyện liên quan tới các kỹ nữ. Có một lần, sau khi gặp kỹ nữ Hanwu (Hàn Vũ), văn sĩ Im Je đã lấy tên nàng gồm chữ “han”, âm Hán là “hàn”, nghĩa là “lạnh”, chữ “wu”, âm Hán là “vũ”, tức “mưa”, để sáng tác một áng thơ, rằng:

Trời phương Bắc trong xanh, ta lên đường không áo tơi mũ mão

Lên núi gặp tuyết, qua ruộng lại gặp mưa

Ướt mưa cóng lạnh, có khi đêm nay phải ngủ co quắp mà thôi


Với tài cầm kỳ thi họa hơn người, kỹ nữ Hanwu (Hàn Vũ) đã đáp lại văn sĩ Im Je bằng một áng thơ, rằng:

Cóng lạnh, lạnh cóng, sao lạnh cóng

Gối uyên ương, chăn lụa ấm chờ chàng

Chi bằng lưu lại sưởi ấm cơn mưa lạnh


Kỹ nữ Hwang Jin-yi

Trong thời đại Joseon, kỹ nữ là những người có thân phận thấp hèn nhất trong xã hội, nhưng luôn phải tiếp xúc và phục vụ giới quý tộc thượng lưu và giới học giả nên họ được đào tạo trở thành những người văn hay chữ tốt, có khả năng tấu nhạc, ca hát và nhảy múa. Trong số các kỹ nữ lừng danh thời xưa ở Hàn Quốc, có thể kể đến Hwang Jin-yi không chỉ xinh đẹp mà tài cầm kỳ thi họa còn vượt xa nhiều danh sĩ lúc đương thời. Truyền rằng, kỹ nữ Hwang Jin-yi rất kiêu sa, dù có tới hầu rượu các quan nha thì nàng cũng chỉ chải đầu vấn tóc chứ không ăn vận sặc sỡ hay tô điểm gì. Và nàng chỉ gặp những người muốn gặp, sẵn sàng chăm lo cho văn nhân mà nàng đem lòng ngưỡng mộ dẫu có phải đi ăn mày, nhưng cũng khẳng khái đoạn tình nếu thấy hết duyên. Kỹ nữ Hwang Jin-yi để lại cho đời rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị, trong đó có áng thơ cổ Sijo với nhan đề Dongjitdal (Trăng đêm đông chí). Áng thơ có đoạn:

Quấn quanh eo đêm đông chí dài thật dài

Ủ ấm đêm trong chăn gió xuân,

Khuya chàng đến ta trải ra từng mảnh


Qua áng thơ, Hwang Jin-yi thể hiện nỗi đau đáu nhớ người thương trong đêm đông cô quạnh dài dằng dặc. Nàng những mong cắt nhỏ đêm dài rồi ủ ấm dưới chăn bông để dành khi xuân sang, băng trên sông tan chảy, người thương đến sẽ chắp nối cho đêm trường thêm dài dài mãi. Không biết chàng trai nào lại có diễm phúc được một người con gái xinh đẹp tài ba như nàng Hwang Jin-yi trao trọn tâm tình cháy bỏng tới vậy. 


Văn sĩ Im Je không chỉ có duyên với kỹ nữ Hanwu. Lúc đương thời, trên đường tới nơi nhậm chức, khi đi qua nấm mồ thấp bé của nàng Hwang Jin-yi bên vệ đường, văn sĩ Im Je đã rưới lên mộ nàng chén rượu và làm áng thơ than cho thân phận một kiếp má hồng. Nhưng rồi chuyện này tới tai triều chính và văn sĩ Im Je đã bị phế truất khi còn chưa kịp về đến phủ. 


Kỹ nữ Maechang

Ở vùng Buan thuộc tỉnh Bắc Jeolla cũng có một kỹ nữ xinh đẹp và tài ba không kém cạnh Hwang Jin-yi, tên nàng là Maechang (Mai Song). Thời đó, Maechang đem lòng yêu say đắm một thi sĩ có xuất thân từ tầng lớp hạ đẳng nhất trong xã hội có tên là Yoo Hee-gyeong nhưng mối tình dang dở. Truyền rằng Ihwau (Mưa hoa lê) là áng thơ nàng viết khi tơ tưởng, nhung nhớ tới người thi sĩ này. Áng thơ có đoạn: 

Hoa lê lã chã, lệ tuôn trào, dứt lòng ly biệt

Lá thu vàng xào xạc, chàng có nhớ thiếp chăng

Chốn xa xôi giấc sầu bâng quơ đơn lẻ


* Khúc hát “Bukcheoni Makdakeoneul” (Trời phương Bắc trong xanh) / nhóm nhạc Brown Eyed Soul 

* Khúc hát Dongjitdal (Trăng đêm đông chí) / nhóm nhạc truyền thống Souljigi, Kim Jun-yeong (đàn tranh 6 dây Geomungo)

* Nhạc phẩm “Ihwau Heutppuril Je” (Hoa lê lã chã, lệ tuôn trào) / nhóm nhạc truyền thống Arayeon 

Lựa chọn của ban biên tập