Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Phong tục tập quán truyền thống ngày Rằm tháng Giêng của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-02-10

Âm điệu ngàn xưa

Phong tục tập quán truyền thống ngày Rằm tháng Giêng của Hàn Quốc

Các trò chơi truyền thống ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc

Năm nay, Tết Nguyên đán rơi vào đúng ngày mùng 1/2 dương lịch. Thứ Ba tuần sau (15/2) sẽ là ngày Rằm tháng Giêng. Ở Hàn Quốc, hai tuần đầu tiên của tháng Giêng là khoảng thời gian nhiều phong tục tập quán truyền thống được thực hiện nhất trong năm, như cầu nguyện một năm mới mùa màng bội thu và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Các trò chơi trong dịp Rằm tháng Giêng cũng rất phong phú, ví như trò thả diều Yeonnalligi. Trong Samguksagi (Tam quốc sử ký) có ghi chép rằng, tướng quân Kim Yu-shin của vương triều Silla (năm 57 TCN-thế kỷ X) đã thả diều có mồi lửa lên bầu trời đêm, khơi dậy nhuệ khí chiến đấu cho quân sĩ. Ngoài ra, cũng có khá nhiều sử sách viết về việc thả diều cho mục đích quân sự. Trên thực tế, ở Hàn Quốc xưa kia, thả diều là một trong những trò chơi của trẻ em vào mùa đông. Có những đứa trẻ hiếu thắng còn ngâm dây diều vào cháo để cắt đứt dây diều của đối phương khi đấu diều trên không trung. Thường thì người Hàn Quốc chỉ chơi trò thả diều tới ngày Rằm tháng Giêng, vào ngày thả diều cuối cùng, người ta sẽ cắt đứt dây diều với ý nghĩa cánh diều sẽ mang đi mọi rủi ro bệnh tật của một năm. Trong đêm Rằm tháng Giêng, người Hàn Quốc chơi trò Jwibulnori, một trò chơi dân gian đốt rơm trên bờ ruộng để tiêu diệt côn trùng và chuột bọ. Thời đó, người ta quan niệm rằng lửa trong trò chơi Jwibulnori cháy càng lớn thì năm đó mùa màng càng bội thu. Trước đây, người ta còn buộc dây vào ống bơ rỗng, đục lỗ ở đáy, cho mồi lửa vào bên trong rồi quăng dây xoay tròn. Những đốm lửa bay trên cánh đồng lúc trời tối mịt đã từng là trò chơi dân gian tiêu khiển khá lý thú một thời ở Hàn Quốc. 

Múa mặt nạ Talchum dưới ánh lửa bập bùng cũng là một trong những màn diễn lý thú nhất đêm Rằm tháng Giêng. Trên bán đảo Hàn Quốc có khá nhiều loại hình múa mặt nạ Talchum. Các loại hình múa mặt nạ Talchum được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở vùng Seoul gồm có Songpa Sandaenori, Yangju Byeolsandaenori. Còn ở Bắc Triều Tiên có Bongsan Talchum, Gangnyeong Talchum, Eunyul Talchum, Bukcheong Sajanori. Khu vực tỉnh Nam Gyeongsang và Busan có Tongyeong Ogwangdae, Goseong Ogwangdae, Suyeong Yaryu, Dongnae Yaryu. Tỉnh Gangwon có màn kịch mặt nạ của những người nô bộc mang tên “Gangneung Gwanno Gamyeongeuk”. Cục Di sản văn hóa của Hàn Quốc đã nộp đơn lên Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để được công nhận múa mặt nạ Talchum là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ thời cổ đại, múa mặt nạ Talchum đã là nghi thức mang tính bùa phép cầu nguyện thành công cho hoạt động săn bắn. Theo sử ký thì dưới thời kỳ ba vương quốc Goguryeo, Baekje và Silla, nghệ sĩ Mi Ma-ji của Baekje đã sang Nhật Bản và truyền đạt cho đất nước này nghệ thuật múa mặt nạ Talchum. Vũ điệu múa mặt nạ Cheoyongmu của thời đại Silla thống nhất (thế kỷ VII-X) vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay ở Hàn Quốc. Múa mặt nạ Talchum là màn hài kịch dân gian. Mặt nạ và nhạc đệm cho vũ điệu này ở mỗi địa phương đều có đôi nét khác nhau nhưng về cơ bản là tương tự nhau. Trong các loại hình múa mặt nạ Talchum có hình tượng sư tử xua đuổi tà ma quỷ dữ, có màn trào phúng chê cười bêu rếu giới quý tộc, giới quý tộc dù biết là người ăn kẻ ở trong nhà chê cười bêu rếu mình thì cũng nhắm mắt làm ngơ, nhiều khi còn hỗ trợ cho người ăn kẻ ở trong nhà chơi cho thỏa để hóa giải mọi ấm ức trong lòng. 


Ý nghĩa âm thực truyền thống ngày Rằm tháng Giêng của Hàn Quốc

Trong ngày Rằm tháng Giêng, người Hàn Quốc còn có phong tục Bureomggaegi, hiểu nôm na là “Cắn vỡ hạt khô”. Vào ngày này, người ta ăn các loại hạt khô như hạt óc chó, ngân hạnh hay hạt thông với niềm tin rằng nếu làm như vậy thì cả năm sẽ mạnh khỏe và không bị cả mụn nhọt nữa. Nghe có vẻ như là mê tín nhưng ở thời đồ ăn thức uống thiếu thốn, thì việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng các loại hạt cũng giúp con người bớt nổi mụn nhọt hơn. Ogokbap (Cơm ngũ cốc) là món ăn tiêu biểu trong ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc. Ngoài ra, người ta cũng chế biến nhiều món rau được thu gom phơi khô và bảo quản cẩn thận từ mùa xuân, mùa hạ, mùa thu năm trước. Tương truyền rằng sẽ gặp vận may trong năm mới nếu được ăn cơm ngũ cốc của ba nhà trở lên nên người Hàn có phong tục chia nhau món cơm này trong ngày Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, xưa kia, bọn trẻ con còn túm năm tụm ba, mang theo cái sàng gọi là Che, đi tới các nhà trong xóm để xin cơm ngũ cốc, cơm xin được được gọi là Chetbap, và chúng ăn luôn ngoài đường chứ không mang về nhà. Dân làng tin rằng bọn trẻ con ăn Chetbap sẽ mạnh khỏe và hay ăn chóng lớn. 


* Nhạc phẩm Jwibulnori / nhóm nhạc truyền thống Beolmaru 

* Nhạc phẩm “Mask Dance”(Múa mặt nạ) / nhóm nhạc truyền thống Deulsori 

* Trích đoạn âm nhạc Sajachum (Múa sư tử) và Payeongok (Khúc bãi yến) trong nhạc phẩm “Bukcheong Sajanoreum” / Yeo Jae-seong (trống Buk), Dong Seon-bon và Koh Jang-wook (sáo trúc dọc Tungso)

Lựa chọn của ban biên tập