Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hoa mai trên nền giai điệu âm nhạc Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-02-03

Âm điệu ngàn xưa

Hoa mai trên nền giai điệu âm nhạc Hàn Quốc

Ý nghĩa của hoa mai trong tâm tưởng người dân Hàn Quốc xưa và nay

Học giả Yi Gok (1298-1351) sống dưới thời hậu Goryeo ở Hàn Quốc đã để lại một áng thơ về hoa mai, rằng:

Hé nở trước xuân lung linh sắc

Dáng dấp mảnh mai giữa tiết đông

Phẩm chất trong trắng tựa băng tuyết

Bén rễ vươn cành chốn tĩnh mịch


Trong tâm niệm của người Hàn Quốc xưa, cho dù cái lạnh thấu xương có thấm vào mọi ngóc ngách trên thân mai mảnh dẻ, thì chúng vẫn vươn mình hé nở những cánh hoa ngào ngạt hương thơm trong gió lạnh tuyết rơi. Bởi thế nên mai luôn được xem là biểu tượng thể hiện ý chí, lòng trung thành của giới học giả xưa kia ở Hàn Quốc. Khúc hát Maehwaga (Hoa mai ca) có đoạn:

Xuân trở lại trên nhành mai ngày ấy

Hé nụ trên cành nở lúc xưa

Tuyết xuân bay bay, bông chúm chím,

Vì trăn trở nên nở hay chăng?

Đây vốn là áng thơ cổ Sijo của một kỹ nữ tên là Maehwa (Mai Hoa). Bà đã mượn hình ảnh nhành mai, thể hiện nỗi niềm lưu luyến với chuỗi ngày đã qua và thân phận con người lúc về già.


Người đời trân quý cả hương mai và dáng mai, đáng tiếc là hoa mai lại chóng tàn. Thế nên xưa kia, một văn sĩ tên là Yi Deok-mu (1741-1793) sống dưới thời hậu Joseon của Hàn Quốc tuy nghèo nhưng chí thú dùi mài kinh sử, ông nổi tiếng với tài làm hoa mai bằng sáp ong. Ông đặt tên mai sáp ong này là “yunhoemae” (mai luân hồi), ám chỉ hoa mai trở thành mật và sáp ong, rồi mật và sáp ong lại trở thành hoa mai. Lưu bút của người này có đoạn: “Khi nở, mai nào biết mình sẽ trở thành mật ong và sáp ong. Mật ong và sáp ong cũng đâu biết rằng mình sẽ trở lại thành hoa mai. Giá như sống ở đời, không bị o ép trở thành một hình mẫu nào đó định sẵn, mà có thể thay đổi thuận theo dòng chảy của thời gian thì tốt biết mấy.” Có lẽ khi ngồi làm hoa mai bằng sáp ong trong gian phòng tăm tối, như luật luân hồi, văn sĩ Yi Deok-mu những mong rằng giờ đây mình làm những nhành hoa mai đẹp lung linh bằng sáp ong thì rồi sẽ tới ngày cuộc đời mình cũng sẽ được lung linh như hoa. Nhạc phẩm “Hoa mai không lời chỉ bung nụ” dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum do nhạc sĩ Cho Eun-yeong sáng tác dựa theo áng thơ Jochun (Tảo xuân) của thi sĩ Han Yong-un có đoạn:

Hoa mai ơi cho hỏi xuân mới liệu có tới

Nghẽn đường gió tuyết tới làm sao

Hoa mai không lời chỉ bung nụ


Các loài hoa mai ở Hàn Quốc

Học giả Yi Hwang, hiệu Toegye (Thôi Khê; 1501-1570) là một vị đại học sĩ tiêu biểu dưới triều đại Joseon ở Hàn Quốc. Trên tờ tiền mệnh giá 1.000 won của Hàn Quốc có in chân dung đại học sĩ Yi Hwang và một nhành hoa mai đang rộ nở. Người đời truyền nhau rằng đại học giả Yi Hwang quý trọng hoa mai đến nỗi lời trăng trối cuối cùng của ông là: “Hãy tưới nước cho cây hoa mai”. Cho đến giờ, Hàn Quốc vẫn còn bảo tồn nhiều gốc mai được trồng trong Dosan Seowon (Thư viện Đào Sơn), nơi đại học sĩ Yi Hwang dạy học lúc sinh thời. Ở Hàn Quốc, hoa mai có khá nhiều tên gọi tùy theo thời gian và địa điểm mai nở. 

Nói đến hoa mai, không thể không nhắc tới làng mai nổi tiếng ở vùng Gwangyang (tỉnh Nam Jeolla). Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống phía dưới dòng sông Seomjin (Thiềm Tân) uốn lượn, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng sắc màu trắng muốt của thảm hoa mai trải khắp trên vùng đất rộng 330.000 m2. Hay giống mai hồng ở chùa Geumdun (Kim Đồn) thuộc vùng Suncheon (tỉnh Nam Jeolla) nở đúng vào tháng Chạp nên có tên gọi là Napwolmae (Mai tháng Chạp). Còn ở chùa Hwaeom (Hoa Nghiêm) thuộc vùng Gurye (tỉnh Nam Jeolla), lại có loài hoa mai đỏ đậm có tên gọi là Heukmae (Mai đen). 


* Khúc hát Maehwaga (Hoa mai ca) / dàn chính nhạc thiếu niên Ari 

* Giai điệu dân ca “Maehwa Taryeong” (Khúc hát hoa mai) / Song So-hee và nhóm nhạc truyền thống Mặt trăng thứ hai 

* Nhạc phẩm “Hoa mai không lời chỉ bung nụ” dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum / Cho Eun-yeong (sáng tác dựa theo áng thơ Jochun (Tảo xuân) của thi sĩ Han Yong-un), nhóm nhạc truyền thống đành tranh Gayageum Chunhogahee

Lựa chọn của ban biên tập