Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Khoa học

Hàn Quốc phóng vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên trong dự án cụm 11 vệ tinh

Write: 2024-04-24 10:48:43Update: 2024-04-24 15:07:39

Hàn Quốc phóng vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên trong dự án cụm 11 vệ tinh

Photo : YONHAP News

Vào lúc 7 giờ 32 phút sáng ngày 24/4, Hàn Quốc đã phóng vệ tinh quan trắc Trái đất siêu nhỏ số 1 (NEONSAT-1), từ sân bay vũ trụ Mahia ở đảo Bắc của New Zealand. Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc cho biết tới 8 giờ 22 phút, 50 phút sau khi phóng, vệ tinh đã tách ra khỏi tên lửa đẩy một cách bình thường. 

Theo kết quả phân tích thông tin vệ tinh nhận được qua trạm mặt đất của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (thành phố Daejeon) vào lúc 11 giờ 57 phút trưa cùng ngày, xác định đươc vệ tinh đang trong tình trạng tốt, các tấm pin Mặt trời hoạt động bình thường và tạo ra năng lượng ổn định. 

Vệ tinh nano số 1 mà Hàn Quốc phóng lần này do Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) phát triển, có trọng lượng khoảng 100 kg, sẽ bay ở quỹ đạo đồng bộ Mặt trời cách Trái đất 500 km, quan trắc Trái đất bằng camera quang học điện tử có độ phân giải 4m màu và 1m trắng đen.

Đây là vệ tinh đầu tiên trong dự án phóng cụm 11 vệ tinh "NEONSAT", cụm vệ tinh quan trắc Trái đất không gian mới vì an ninh quốc gia.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ phóng thêm 10 vệ tinh siêu nhỏ khác cho tới năm 2027, trong đó 5 vệ tinh được phóng vào tháng 6/2026 và 5 vệ tinh nữa vào tháng 9/2027 bằng tên lửa đẩy Nuri tự phát triển.

Với cụm 11 vệ tinh cùng hoạt động, ngoài việc quan trắc khu vực bán đảo Hàn Quốc trên ba lần một ngày, Hàn Quốc sẽ còn có thể ghi hình lại một địa điểm trong vòng 24 giờ, khắc phục được hạn chế của vệ tinh quan trắc Trái đất đơn nhất cỡ trung bình và lớn như hiện nay.

Dự án này còn có sự tham gia của Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc và công ty vệ tinh tư nhân Satrec Initiative, được triển khai từ tháng 5/2020 tới tháng 12/2027 với tổng kinh phí dự án là 231,5 tỷ won (169 triệu USD).

Bộ Khoa học kỳ vọng khi cụm 11 vệ tinh đi vào hoạt động, Hàn Quốc sẽ có thể đối phó một cách nhanh chóng với thiên tai, sự cố và khủng hoảng an ninh quốc gia; đồng thời đóng góp vào việc sở hữu những công nghệ mới ở khối tư nhân như phát triển vệ tinh siêu nhỏ, camera phân giải cao dùng cho vệ tinh nano, công nghệ điều khiển cụm vệ tinh và phát triển trạm mặt đất vận hành vệ tinh. Ngoài ra, dự án này sẽ có thể đáp ứng phần lớn yêu cầu về video vệ tinh chủ yếu ở lĩnh vực công, giảm thiểu vượt bậc chi phí mua video từ nước ngoài một cách không cần thiết.

Lựa chọn của ban biên tập