Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Dự thảo sửa đổi Luật quản lý ngũ cốc được trình thẳng lên phiên họp toàn thể Quốc hội Hàn Quốc

Write: 2024-04-18 13:45:04Update: 2024-04-18 16:00:06

Dự thảo sửa đổi Luật quản lý ngũ cốc được trình thẳng lên phiên họp toàn thể Quốc hội Hàn Quốc

Photo : YONHAP News

Ủy ban Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi, lương thực, hải dương và thủy sản thuộc Quốc hội Hàn Quốc sáng ngày 18/4 đã mở phiên họp toàn thể, quyết định trình thẳng dự thảo sửa đổi một phần Luật quản lý ngũ cốc lên phiên họp toàn thể Quốc hội.  

Đây là dự luật thứ hai được đảng đối lập Dân chủ đồng hành đề xuất, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol dùng quyền phủ quyết Luật quản lý ngũ cốc sửa đổi được thông qua tại Quốc hội vào năm ngoái.

Đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân đã không tham dự cuộc họp để phản đối việc trình dự thảo này lên phiên họp toàn thể Quốc hội, nên chỉ có các nghị sĩ đảng đối lập tham gia bỏ phiếu biểu quyết không ghi danh. Trong số 19 ủy viên của Ủy ban, có 12 ủy viên tham gia bỏ phiếu, gồm 11 ủy viên thuộc đảng Dân chủ đồng hành và 1 nghị sĩ độc lập. Tất cả đều bỏ phiếu tán thành.

Dự thảo sửa đổi Luật quản lý ngũ cốc từng được đảng đối lập trình lên Ủy ban Pháp chế và tư pháp vào tháng 2 năm nay. Theo Điều 86 Luật Quốc hội, một dự luật bị bảo lưu trên 60 ngày tại Ủy ban Pháp chế và tư pháp thì sẽ có thể đề nghị trình thẳng lên phiên họp toàn thể Quốc hội nếu có trên 3 phần 5 ủy viên của ủy ban thường trực phụ trách dự luật đó tán thành.

Dự thảo sửa đổi có nội dung khi giá cả một loại ngũ cốc tăng hoặc giảm mạnh đột ngột thì Chính phủ có nghĩa vụ phải lập và triển khai chính sách mua vào sản lượng vượt mức, hoặc bán ra từ kho dự trữ ngũ cốc để ổn định giá cả.

Đảng đối lập giải thích dự thảo sửa đổi lần này đã giảm nhẹ hơn so với dự thảo ban đầu, có nội dung là Chính phủ phải mua vào toàn bộ sản lượt vượt mức khi sản lượng gạo vượt quá từ 3-5% nhu cầu, hoặc giá gạo giảm 5-8% so với năm trước.

Tuy nhiên, Chính phủ và đảng cầm quyền phản đối việc thông qua dự luật này, cho rằng nội dung sửa đổi gây tốn kém quá nhiều ngân sách quốc gia, có thể kích động sản xuất gạo vượt quá nhu cầu thực tế, dẫn tới giá gạo bị sụt giảm quá mức.

Lựa chọn của ban biên tập