Vào ngày 22/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đã đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, giảm thuế đối ứng với hàng hóa Nhật Bản từ mức 25% xuống 15%.
Được biết, Washington đã gia tăng sức ép với Nhật Bản tới phút chót. Tokyo được đánh giá là đã nhượng bộ mặt hàng gạo để bảo vệ mặt hàng ô tô.
Dù Nhật Bản tuyên bố sẽ mở cửa mạnh thị trường gạo nhập khẩu từ Mỹ, nhưng nước này được cho là sẽ chỉ nâng tỷ trọng gạo nhập khẩu từ Mỹ trong tổng số 770.000 tấn hạn ngạch miễn thuế. Điều này là khả thi vì Nhật Bản có thể tự ý quyết định về tỷ trọng nhập khẩu gạo miễn thuế theo từng quốc gia. Ngược lại, Seoul ký kết hiệp định riêng với từng nước về tỷ trọng nhập khẩu gạo, nên rất khó linh hoạt được như Tokyo.
Ngoài mặt hàng gạo, Mỹ cũng đang gây áp lực với Hàn Quốc về việc cho phép nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi. Nhật Bản đã mở cửa mặt hàng thịt bò từ năm 2019, nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, nên vấn đề này không thuộc đối tượng đàm phán vừa rồi. Trong khi đó, Hàn Quốc lại coi đây là "lằn ranh đỏ", không thể đưa lên bàn đàm phán.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đã quyết định tham gia vào dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở bang Alaska, một dự án mà Hàn Quốc vẫn đang chần chừ do lo ngại về lợi nhuận, khiến các lựa chọn của Seoul đang càng trở nên hạn hẹp hơn.
Nhật Bản còn cam kết lập quỹ đầu tư quy mô 550 tỷ USD vào Mỹ, cao hơn ngân sách cả năm của Hàn Quốc. Mỹ được cho là đang kỳ vọng Hàn Quốc cũng sẽ công bố mức đầu tư tương tự như Nhật Bản.
Chính phủ Seoul cùng các doanh nghiệp trong nước đang lên một kế hoạch đầu tư quy mô lớn tại Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thuế quan với Washington, tuy nhiên con số cụ thể vẫn chưa được công bố.
Nếu Mỹ áp thuế với Hàn Quốc cao hơn Nhật Bản 10% thì việc duy trì năng lực cạnh tranh là điều bất khả thi do quy mô và lĩnh vực xuất khẩu của hai nước tương tự nhau.