Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về các trò chơi dân gian truyền thống của người dân Hàn Quốc vào dịp Tết Nguyên đán.

2013-02-10

Câu hỏi.Đây là cái tết thứ 2 mình xa nhà, đón Tết cùng bạn bè ở Hàn Quốc. Tuy có buồn nhưng mình lại có được những trải nghiệm vô cùng thú vị. Cũng giống như người Việt Nam, vào những ngày giáp Tết, người dân xứ sở kimchi đều đổ dồn về quê để sum vầy cùng gia đình. Họ tất bật chuẩn bị quà Tết, các món ăn ngon và đặc trưng của ngày Tết. Vào những ngày này, sau khi ăn uống cùng nhau xong, họ cùng nhau đi thăm hỏi, chúc tụng bà con thân thích. Đặc biệt, mặc dù tiết trời còn giá lạnh nhưng vẫn có nhiều người đổ dồn đến các địa điểm vui chơi giải trí ở công viên hay các cố cung... để tham gia lễ hội với nhiều trò chơi dân gian thú vị. Nhưng mình có một thắc mắc nhỏ là không biết ở mỗi gia đình người Hàn Quốc, mọi người chơi các trò chơi gì vào ngày Tết? Chẳng hạn như ở Việt Nam, thường chơi tú lơ khơ hoặc chơi tam cúc. Còn không biết ở Hàn Quốc mọi người thường làm gì và chơi gì cũng như ý nghĩa của nó như thế nào?

Trả lời.Cùng với Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán là ngày Tết lớn trong năm của người Hàn Quốc. Tết Nguyên đán còn được người dân nơi đây gọi là Seollal (설날), có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt chứ không chỉ đơn thuần là ngày đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới. Đây không chỉ là khoảng thời gian để mọi người tưởng nhớ và tỏ lòng kính trọng với tổ tiên mà còn là thời gian đoàn tụ cùng gia đình, một đại gia đình. Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn nhìn thấy mọi người đều mặc những bộ trang phục truyền thống Hanbok một cách trang trọng vào ngày đầu năm mới này.

Đúng thế, buổi sáng ngày mùng 1 Tết luôn được bắt đầu với nghi lễ tạ ơn tổ tiên. Các thành viên trong gia đình mặc trang phục truyền thống, đứng trước bàn thờ với các món ăn đã được sắp sẵn theo đúng nghi lễ. Nghi lễ được bắt đầu với việc lạy chào thật thành kính trước bàn thờ tổ tiên. Sau đó, mọi người sẽ cùng ăn đồ ăn vừa được dâng cúng tổ tiên. Tteokguk (canh bánh gạo) là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Sau bữa ăn, những người bề dưới trong gia đình sẽ thể hiện lòng kính trọng của mình với người lớn bằng cách lạy tạ và biếu quà.

Người lớn trong gia đình khi đó sẽ trao lại bằng lời chúc và dặn dò những điều hay lẽ phải với người bề dưới. Trẻ em cũng thường nhận được tiền lì xì trong ngày Tết giống như ở Việt Nam. Tết Nguyên đán cũng là dịp để gia đình dành thời gian cùng nhau tham gia nhiều hoạt động giải trí như xem phim hoặc xem các chương trình đặc biệt ngày Tết trên tivi. Người ta tin rằng mọi phiền muộn của năm cũ sẽ qua đi và một năm mới tràn đầy niềm vui sẽ được bắt đầu bằng một ngày với những lời chúc tụng nhau, những món ăn ngon và dĩ nhiên không thể thiếu những trò chơi truyền thống có ý nghĩa, làm phong phú tâm hồn con người.

Các phong tục dân gian làm giảm sự đơn diệu của cuộc sống, tìm được niềm vui và sức lực trước những khó khăn và bận rộn. Vì vậy, những trò chơi truyền thống ngay trong mỗi gia đình là điều không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới ở Hàn Quốc. Trò chơi dân gian là sản phẩm mang tính vận động, xuất phát từ lao động sản xuất, có tính tập thể, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong nhân dân, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền bằng miệng.

Trò chơi dân gian góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, sức dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng của từng dân tộc. Mặc dù xã hội có nhiều biến đổi, con người có thêm nhiều loại hình giải trí hấp dẫn và tiện lợi hơn nhưng trò chơi dân gian vẫn có vị trí quan trọng đời sống xã hội. Đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Tết Nguyên Đán là ngày lễ của cả dân tộc và cũng là ngày lễ của mỗi gia đình Hàn Quốc. Nhà nhà, người người đều háo hức, quên đi mọi điều không may để vui vẻ với nhau, hoà đồng với nhau và cùng nhau có những thời khắc hạnh phúc. Để gắn kết hơn giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng và cả những người xung quanh thì ở Hàn Quốc, người ta thường tổ chức các trò chơi truyền thống ở trong gia đình.

Trò chơi dân gian là một nét đẹp văn hóa, lưu giữ và duy trì các trò chơi dân gian cũng là giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc. Như chúng ta đều biết thì ngoài lao động ra, con người sẽ nghỉ ngơi và vui chơi. Nếu chỉ ngồi yên một chỗ thì sẽ thật chán ngắt và thậm chí còn gây ra sự mệt mỏi, chán chường hơn cả lao động.

Vì thế mà ngay từ xa xưa, con người đã nghĩ ra rất nhiều loại trò chơi, rồi dần dần phát triển và thay đổi, nâng thành nét văn hóa của từng vùng miền hay quốc gia. Các trò chơi đều mang lại giá trị tinh thần hoặc sức khoẻ nhất định nên được nhiều người ưa thích và giữ gìn. Mỗi trò chơi lại có nội dung và ý nghĩa khác nhau nên thường được chơi ở một thời điểm nhất định nào đó. Vậy vào ngày tết thì ở mỗi gia đình Hàn Quốc, người ta thường chơi trò gì nhỉ? Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một vài trò chơi truyền thống phổ biến nhé.

Đầu tiên phải kể đến việc cả nhà cùng quây quần chơi trò Yutnori (윳놀이). Yutnori là trò chơi gậy, chơi bằng cách di chuyển các quân cờ trên bàn cờ, và lấy gậy làm xúc xắc, cộng thêm tiếng cổ vũ khiến không khí của trò chơi thường trở nên rất náo nhiệt. Ưu điểm trước tiên của trò chơi này là dễ chơi và nhiều người có thể cùng tham gia. Đây là một trò chơi dân gian rất phổ biến ở Hàn Quốc, trong đó người chơi được chia thành hai hay nhiều đội.

Bất kể người Hàn Quốc nào từ già, trẻ, gái, trai... ai cũng biết và thích chơi trò này, nên Yutnori được biết đến rộng rãi là trò chơi có lịch sử lâu đời và tính tượng trưng cũng phong phú. Chúng ta không biết chính xác về thời gian xuất hiện Yutnori. Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu cho biết Yutnori được chơi từ thời Tam Quốc (năm 57TCN). Ở ý nghĩa rộng thì trò chơi tượng trưng cho sự vận động của hành tinh mặt trời, còn ý nghĩa hẹp hơn là cầu mong một năm mới đầy sung túc.

Dụng cụ chơi rất đơn giản và gọn nhẹ. Bao gồm 1 bàn chơi, có thể được làm bằng vải hoặc gỗ, hình vuông hoặc hình tròn và gậy yut. Gậy yut gồm 4 cây gỗ theo hình trăng khuyết, một mặt trên có khắc chữ được gọi là yut. Người chơi sẽ tung 4 gậy yut lên để xác định các bước đi trên bàn chơi. Nếu có 1 cây mặt ngửa gọi là ‘to’(도) thì được đi thêm 1 bước, 2 cây mặt ngửa gọi là ‘gae’(개) được đi 2 bước, 3 cây mặt ngửa gọi là ‘geol’(걸) được đi 3 bước, 4 cây mặt ngửa gọi là ‘yut’(윷) được đi 4 bước. Nếu không có cây nào ngửa thì gọi là ‘mo’(모) và được đi 5 bước, đặc biệt, nếu bắt được ngựa hay bò của đối phương sẽ được tung yut 2 lần. Cả 4 quân của người nào (đội nào) về đích trước thì sẽ thắng cuộc.

Tiếp theo là trò chơi thả diều. Nếu như ở Việt Nam mọi người thường chơi thả diều vào mùa hè và mùa thu khi trời lộng gió thì ở Hàn Quốc thả diều đặc biệt được ưa thích vào dịp đầu năm mới. Nếu như ở Việt Nam thường thì trên cánh diều ít khi được viết chữ mà chỉ đơn giản là một trò chơi dân gian được yêu thích, tuy nhiên, trò chơi này ở Hàn Quốc lại có đôi chút khác biệt. Ngoài ý nghĩa giải trí, thả diều còn chứa đựng đức tin của dân tộc Hàn.

Trên diều có ghi chữ “song aek” (송액) với nghĩa là “tống ách” hoặc “song aek young bok” (송액영복) với nghĩa là “tống ách nghênh phúc”, tức là xua đi mọi tai ương và những điều không may của năm cũ để chào đón những điều may mắn sẽ tới trong năm mới.

Thả diều vốn được khởi nguồn từ một nghi lễ cúng thần trong thời cổ đại và sau đó còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Ngày hội thả diều của Hàn Quốc bắt đầu từ giữa thế kỉ VII (năm 647 SCN) khi Bimdam và Jumjong nổi loạn lật đổ Nữ vương Jinteok, vị vua thứ 4 của vương triều Shilla. Tướng quân Kim Yoo Shin cầm quân dẹp loạn, sử dụng diều và tung tin đồn làm nhụt chí quân phản loạn. Diều được sử dụng cho mục đích quân sự ở triều đại Goryeo khi tướng quân tài ba Choi Young chinh phục Tamra.

Tướng quân Lee Sun Shin cũng đã dùng diều như một phương tiện giao tiếp giữa đất liền và đảo trong suốt cuộc chiến tranh với Nhật Bản. Bạn Ngân thân mến, thả diều cũng là một loại hình nghệ thuật ở Hàn Quốc đấy bạn ạ. Người ta coi việc làm diều, trang trí và điều khiển diều đòi hỏi tính nghệ thuật, sự khéo léo và tinh xảo. Có khoảng 100 loại diều ở Hàn Quốc với những thiết kế hình chữ nhật tương đối giống nhau nhưng khác nhau về màu sắc và chất liệu cũng như đường nét trang trí.

Diều được gắn tên gọi theo hình dáng, màu sắc, hình vẽ trên diều. Hình mẫu của một con diều Hàn Quốc xét về tổng thể tuy rất đơn giản nhưng về mặt cấu trúc khung hình lại được thiết kế với tính chính xác cao. Mong ước của con người sẽ được bay cao, bay xa như cánh diều trên bầu trời là ý nghĩa mà người chơi nó muốn thể hiện. Trò chơi thả diều được chơi vào nhiều dịp trong năm, là một trong các trò chơi dân tộc được ưa chuộng nhất đối với các em nhỏ.

Còn với người lớn thì mang lại, gợi nhớ về những ký ức thủa xưa, thường tự làm diều rồi mang ra một bãi đất trống nào đó hay trên sườn đồi lộng gió, thả cho cánh diều bay vút lên không trung và miệt mài đuổi theo chúng. Vì vậy mà vào ngày tết hiện nay vẫn có rất nhiều gia đình cùng nhau làm diều rồi thả theo những ước mơ về một năm mới an lành cho chính mình, cho gia đình và những người thân yêu, bạn bè.

Một trò chơi nữa cũng rất quen thuộc đó chính là đá cầu. Những tư liệu đầu tiên về đá cầu là vào thế kỷ thứ 5 TCN tại Trung Quốc. Sau đó trò chơi này đã được chơi lần lượt tại các nước châu Á. Đá cầu đòi hỏi những tố chất như nhanh nhẹn, khéo léo của thể chất, đồng thời cần sự tập trung của tinh thần khi tham gia. Chính vì những điều này, từ rất lâu, đá cầu được dùng như những bài học đầu tiên trong tập luyện quân sự ở Trung Quốc.

Giải đấu mang tính quốc gia đầu tiên của đá cầu được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 1933. Tại Nam Kinh, đá cầu, vật và một số môn thể thao khác đã được coi là môn thể thao chính thức của quốc gia. Từ năm 1984, đá cầu trở thành môn thể thao quốc gia chính thức tại Trung Quốc. Còn ở Hàn Quốc, đá cầu được gọi là “Jeigi – chagi” (제기차기). Không chỉ là một trò chơi dân gian mà đá cầu còn là một trong những môn thể thao được phổ biến và yêu thích. Người Hàn Quốc đã du nhập trò chơi này và chơi như một môn thể thao từ vài thế kỷ, trước cả người Nhật Bản.

Đá cầu là trò chơi thi đấu dùng chân để đá quả cầu tự chế hoặc mua, mà càng đá được nhiều lần không rơi xuống đất thì càng giỏi. Chơi đá cầu cũng có rất nhiều kiểu khác nhau. Có thể đá bằng chân trái, chân phải, cả hai chân hoặc đá bằng gót chân. Cũng có thể thực hiện theo cách, từng người đá hoặc nhiều người đứng quây tròn lại và cùng đá. Đây là cách thông thường và phổ biến. Còn ở mỗi vùng miền của Hàn Quốc hay tuỳ thuộc mỗi cuộc chơi lại có những kiểu chơi rất lạ và thú vị khác.

Chẳng hạn ngoài cách đá không được để cầu rơi xuống đất thì còn cách đá phải để cầu rơi xuống đất rồi mới lại đá và cứ thế đá 1 lần rồi lại để cầu rơi xuống đất 1 lần. Hoặc còn có kiểu phải đá để cầu rơi xuống đầu rồi lắc nhẹ cho rơi xuống và đá tiếp, cứ như thế….Như đã nói ở trên, thì đây là trò chơi rất quen thuộc với người Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc. Người chơi có thể tự làm quả cầu một cách rất đơn giản. Số lượng người tham gia không quan trọng chỉ cần từ 2 người trở lên là có thể thi thố với nhau rồi.

Hoặc thậm chí một mình chơi cũng vẫn có cái thú riêng của nó. Đơn giản, không tốn nhiều không gian mà lại có lợi cho sức khoẻ nên được nhiều người đặc biệt là nam giới yêu thích. Vào ngày Tết, cùng người thân trong gia đình ra sân vừa vui vẻ trò chuyện vừa đá cầu sẽ ý nghĩa hơn nhiều là 1 mình cắm cúi vào màn hình máy tính để chơi game đấy các bạn ạ.

Trong xã hội hiện đại khi mà ai cũng bận rộn và thường sống ở những nơi cách xa nhau về mặt địa lý thì lại càng thiếu thời gian để cả đại gia đình cùng gặp gỡ, trò chuyện, sum vầy, vì vậy Tết là dịp rất hiếm hoi, đáng trân trọng. Nó có ý nghĩa quan trọng với mỗi người, mỗi gia đình và việc bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống ấy luôn được lưu truyền.

Được ở bên cạnh những người thân yêu lâu ngày mới gặp hoặc thậm chí sống cùng một nhà với nhau nhưng có khi không có thời gian dành cho nhau, rồi cùng ăn uống, chuyện trò và cùng thực hiện những trò chơi dân gian bình dị ấy thì còn gì tuyệt hơn đúng không nào các bạn? Những điều rất đỗi bình dị ấy nhưng lại có giá trị tinh thần vô cùng lớn lao, dường như là nét chung của những người châu Á như Việt Nam hay Hàn Quốc mà mỗi chúng ta cần lưu giữ.

Lựa chọn của ban biên tập