Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về chương trình giáo dục Trung học phổ thông và việc người nước ngoài có thể tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Hàn Quốc hay không.

2013-01-13

1. Giải đáp thông tin về chương trình giáo dục Trung học phổ thông Hàn Quốc


Câu hỏi.Mình xin được hỏi một câu hỏi liên quan đến việc học tập của các bạn học sinh ở Hàn Quốc. Vì đang còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường nên mình rất quan tâm đến việc này. Mình nghĩ rằng, mỗi đất nước đều có một hệ thống giáo dục khác nhau và mình muốn biết hệ thông giáo dục của Việt Nam và Hàn Quốc khác nhau như thế nào. Ở Việt Nam, học sinh phải học rất nhiều môn học như toán, văn, anh, lý, hoá, sinh, sử, địa...Nói chung là chương trình học rất nặng, rất vất vả. Không biết ở Hàn Quốc, chương trình học của các bạn Hàn Quốc như thế nào và các bạn ấy phải học những môn gì ạ? Mong các anh chị trả lời giúp em thắc mắc này. Mình xin cảm ơn và một lần nữa chúc các anh chị một năm mới thật nhiều niềm vui!”.

Trả lời.Một lần nữa Chương trình tiếng Việt xin được cảm ơn bạn rất nhiều và thật vui được trả lời câu hỏi của bạn. Câu hỏi của Thành Luân thuộc một lĩnh vực khá rộng nên trong khuôn khổ có hạn của chương trình, chúng tôi rất tiếc không thể trả lời chi tiết hết được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bạn hiểu được một cách tổng quát nhất về vấn đề này. Trước hết, xin được giới thiệu sơ qua về hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc để bạn có được sự hình dung nhất định nhé.

Giống như hầu hết các nước trên thế giới, hệ thống giáo dục của Hàn Quốc được chia thành các cấp là: Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Cao đẳng, Đại học và cuối cùng là sau Đại học. Tuy ở mỗi nước sẽ lại có các chương trình đào tạo và mục tiêu đào tạo khác nhau nhưng về cơ bản đều hướng tới chất lượng giáo dục tốt nhất cả về tri thức lẫn tinh thần cho học sinh, sinh viên.

Khác với Việt Nam, ngày khai giảng đầu năm học mới là vào tháng Chín hàng năm, còn ở Hàn Quốc năm học mới lại được bắt đầu từ tháng Ba. Vì thế mà tuổi tới trường của học sinh Tiểu học bắt đầu từ 7 tuổi, chậm hơn so với học sinh Việt Nam 6 tháng. Và có lẽ do thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông nên nếu học sinh Việt Nam chỉ có một kỳ nghỉ hè thì học sinh Hàn Quốc còn có thêm kỳ nghỉ đông. Kỳ nghỉ hè diễn ra vào tháng 7, tháng 8. Học kì 2 bắt đầu vào tháng 9 và kéo dài cho đến hết tháng 12.

Và kỳ nghỉ đông kéo dài bắt đầu từ tháng 1 đến gần hết tháng 2 của năm. Mặc dù nói là nghỉ hè, nghỉ đông giống như ở Việt Nam, thế nhưng vào các kỳ nghỉ như thế, thông thường các bạn học sinh Hàn Quốc vẫn có bài tập ở nhà và tham gia các hoạt động mang tính xã hội bắt buộc. Năm 1991, cùng với việc thi hành chế độ tự trị ở các địa phương, Hàn Quốc ban hành chế độ tự trị giáo dục địa phương. Do đó, tùy theo việc thi hành và tùy theo từng khu vực mà có sự khác biệt đôi chút trong việc điều hành trường học.

Tuy nhiên, nếu chính phủ thông báo về các chỉ tiêu và tiêu chuẩn của các chương trình dạy học thì cơ sở giáo dục ở các tỉnh-thành phố và các trường học phải lấy tiêu chuẩn của chương trình dạy mà chính phủ đặt ra làm cơ sở để giảng dạy, và phải làm sao để có thể soạn ra được giáo trình giảng dạy tùy theo từng trường, làm kim chỉ nam chi tiết, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng trường và từng khu vực, đồng thời đảm bảo cơ hội bình đẳng giữa các trường, duy trì trình độ chất lượng nhất định.

Giáo dục bậc Tiểu học và Trung học cơ sở là bắt buộc và miễn phí. Vì vậy tỷ lệ đi học tiểu học ở Hàn Quốc đạt mức gần như tuyệt đối là 99.9%. Thời gian học ở trường tiểu học là 6 năm và đại đa số là trường công lập, tất nhiên cũng có một vài trường dân lập. Chương trình dạy học của trường công lập và trường dân lập không có sự khác biệt lắm, phải đảm bảo chất lượng học tập của học sinh và sự đồng đều về kiến thức để các em còn bước vào bậc học tiếp theo.

Đối với trường trung học cơ sở, việc tuyển sinh của các trường trung học cơ sở đuợc thực hiện theo chế độ không thi tuyển và vì thế tất cả học sinh có nguyện vọng học ở trường Trung học cơ sở sẽ được phân vào các trường gần nơi mình cư trú dựa theo sự bốc thăm của máy vi tính. Tất nhiên cũng có một số trường giống như trường học mà học sinh có thể phát huy được năng khiếu, môn học thế mạnh của mình như ngoại ngữ chẳng hạn thì phải thi đầu vào. Thời gian học ở trường Trung học cơ sở là 3 năm và đây cũng là nghĩa vụ giáo dục cao nhất.

So với bậc tiểu học thì ở bậc Trung học cơ sở, số trường dân lập nhiều hơn, song các chương trình giảng dạy cũng không có nhiều sự khác biệt. Còn liên quan đến bậc Trung học phổ thông ở Hàn Quốc, bậc học này được chia thành trường Trung học phổ thông thông thường và trường Trung học hướng nghiệp và các trường trung học khác. Mục đích của trường Trung học phổ thông là giáo dục trung học và giáo dục chuyên môn cơ bản cao hơn mức giáo dục mà học sinh đã được học ở trường Trung học cơ sở. Thời gian học là 3 năm và học phí học sinh phải tự chi trả.

Còn trường Trung học hướng nghiệp và các trường trung học khác bản thân người học chọn trường nhưng chương trình chung cũng như trường Trung học cơ sở là được phân vào trường gần nơi cư trú dựa theo sự bốc thăm của máy vi tính. Thời gian học cũng là 3 năm và học sinh phải tự trả học phí.

Ở tất cả các cấp học thì học sinh đều sẽ học ở trường gần nơi cư trú dựa theo sự bốc thăm của máy vi tính. Cũng giống như Thành Luân, chương trình học của các bạn học sinh cấp 3 của Hàn Quốc khá căng thẳng. Vì ngoài giờ học chính khoá các bạn ấy còn phải tham gia các hoạt động ngoại khóa và đặc biệt là miệt mài ôn luyện, học thêm để tham gia kỳ thi tuyển sinh Đại học vô cùng gắt gao.

Ở Hàn Quốc, mục tiêu của bậc Trung học phổ thông là nhằm khuyến khích học sinh có những kỹ năng khác nhau cần thiết cho tương lai và với tính cách của một công dân toàn cầu. Chương trình bao gồm chương trình cơ bản chung của quốc gia và chương trình tự chọn. Chương trình cơ bản chung của quốc gia bao gồm các môn học, các hoạt động tự chọn và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cụ thể có các môn như: Tiếng Hàn, giáo dục đạo đức, Nghiên cứu xã hội, Toán, Khoa học, Thực hành nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Nghệ thuật, Tiếng Anh, Hoạt động tự chọn, Hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Như vậy là cũng không có gì khác biệt lắm so với các bạn học sinh cấp 3 ở Việt Nam đúng không nào? Lên đến lớp 11 và 12 thì các bạn còn được chọn các môn học tự chọn chia thành hai loại: tự chọn cơ bản và tự chọn chuyên sâu. Ví dụ trong môn Tiếng Hàn thì tự chọn cơ bản là học về đời sống ngôn ngữ Hàn; còn tự chọn chuyên sâu là: nói, đọc hiểu, viết luận, ngữ pháp và văn học. Với môn Toán, tự chọn cơ bản là thực hành toán, còn tự chọn chuyên sâu bao gồm: Toán I, Toán II, tích phân và vi phân, xác xuất-thống kê.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ở Hàn Quốc gồm các môn: tiếng Hàn, tiếng Anh, toán, nghiên cứu xã hội, khoa học, tin học, kỹ thuật và lịch sử. Nhưng hệ thống giáo dục của Hàn Quốc có một điểm rất khác biệt là học sinh có thể tự học mà không cần đến trường. Chỉ cần tham gia và thi đỗ các kỳ thi tốt nghiệp do nhà nước tổ chức thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp không chỉ với bậc Trung học phổ thông mà cả Tiểu học và Trung học cơ sở. Có được điều này là nhờ qua nhiều lần cải cách, chương trình giáo dục của Hàn Quốc đã chuyển từ cứng nhắc, gò bó đến linh hoạt, uyển chuyển và hướng tới người học.


2. Giải đáp thông tin về việc người nước ngoài có thể tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Hàn Quốc hay không.


Câu hỏi.Từ khi còn nhỏ mình đã có ý định sau này lớn lên sẽ đi bộ đội. Nếu học giỏi mình sẽ thi vào một trường sĩ quan chuyên nghiệp, còn không, ít ra mình cũng sẽ xung phong đi nghĩa vụ quân sự. Và hiện nay mình đã tốt nghiệp phổ thông trung học, mình muốn thực hiện mong ước này nhưng gia đình mình lại muốn mình sang Hàn Quốc. Vì bố mẹ mình đã ly hôn, mẹ mình tái giá với một người đàn ông Hàn Quốc. Mẹ muốn bảo lãnh cho mình qua Hàn Quốc để học tập và sinh sống cùng mẹ. Mình đã đồng ý và đang chuẩn bị hành trang lên đường. Vậy mình muốn hỏi, khi qua Hàn Quốc nếu mình muốn xin nhập ngũ vào quân đội Hàn Quốc thì có được không? Thời gian phục vụ trong quân ngũ là bao lâu và khi xuất ngũ thì có được hưởng tiền trợ cấp hoặc ưu đãi như ở Việt Nam không?

Trả lời.Đọc thư bạn, chúng tôi hình dung bạn là một chàng trai vô cùng mạnh mẽ và rắn rỏi. Thật hiếm có những bạn trẻ ngày nay có suy nghĩ như bạn. Vì nếu không được trở thành sĩ quan thì ít ai lại muốn mất vài năm trời tuổi trẻ thanh xuân của mình tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Thậm chí, còn có rất nhiều thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Ngoài việc bị cho là lãng phí về mặt thời gian thì việc rèn luyện vất vả trong quân ngũ cũng là một thử thách lớn với các bạn trẻ vốn chỉ quen ăn học, sống trong sự bao bọc nuông chiều của cha mẹ.

Về bản chất, nghĩa vụ quân sự hay còn được gọi là quân dịch, theo định nghĩa đơn giản nhất là nghĩa vụ mà một cá nhân hay một nhóm người thực hiện trong quân đội hoặc lực lượng dân quân, cho dù họ phải thực hiện một công việc đã được sắp xếp trước và không được lựa chọn. Một vài quốc gia trong đó có Hàn Quốc đòi hỏi mọi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trừ các trường hợp đặc biệt như người bị rối loạn tâm thần hoặc bị thương tật hoặc vì đức tin tôn giáo không thể thực hiện quân dịch. Một quốc gia với chế độ tòng quân tình nguyện thường sẽ không yêu cầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc với công dân của mình, trừ khi quốc gia đó có chiến tranh và thiếu quân số.

Với người Hàn Quốc, đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ đồng thời cũng là niềm tự hào. Thực hiện nghĩa vụ này với đất nước còn được coi là cách để rèn luyện bản thân trước khi bước vào đời. Nhưng trên thực tế nghĩa vụ quân sự là một vấn đề xã hội nhạy cảm ở Hàn Quốc. Các ngôi sao truyền hình từng bị mất việc và không ít các chính trị gia thất cử khi bị phát hiện chính họ hoặc con cháu họ tìm cách trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự. Luật cũng quy định hình phạt rất nặng với tội trốn nghĩa vụ như 18 tháng tù và những khoản tiền phạt lớn, cơ hội thăng tiến trong xã hội không có và bị người đời chỉ trích.

Theo quy định của hiến pháp Hàn Quốc, việc tôn trọng lệnh nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc đối với các nam thanh niên Hàn Quốc khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 trở lên, bất kể thành phần, tôn giáo, nghề nghiệp... Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc hiện nay là 21 tháng. Nếu so với 3 năm phục vụ quân ngũ vào năm 1971 thì hiện nay thời gian này đã giảm đi đáng kể qua nhiều lần sửa đổi.

Chính vì đây là nghĩa vụ bắt buộc nên không có chế độ ưu đãi hay trợ cấp gì đặc biệt với quân nhân xuất ngũ cả bạn ạ. Trước khi vào quân ngũ thì hầu hết họ đều đang học đại học hoặc có nghề nghiệp nhất định. Sau khi giải ngũ họ trở về thực hiện tiếp công việc của mình. Các cơ quan, công ty và trường học có trách nhiệm tiếp nhận và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như trở về với cuộc sống trước đó.

Một đặc điểm đáng chú ý khác đối với chế độ quân dịch ở Hàn Quốc là ý thức xã hội. Ý thức của thanh niên Hàn Quốc đối với việc phục vụ trong quân đội rất cao. Họ luôn coi đó là niềm vinh dự và trách nhiệm công dân không thể thoái thác. Rất nhiều diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng đang trong thời gian đỉnh cao của sự nghiệp nhưng vẫn sẵn sàng gác lại sự nghiệp để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Điều đó không hề làm giảm đi sự ngưỡng mộ của khán giả đối với họ, ngược lại Hàn Quốc đánh giá rất cao những nghệ sĩ tuân thủ luật nhập ngũ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp nghệ sĩ đặc biệt được hưởng chế độ đặc cách miễn - giảm nghĩa vụ quân sự như một số ngôi sao nổi tiếng đang hoạt động văn hoá nghệ thuật hoặc thể thao. Lý do được nêu ra là họ đã có những đóng góp to lớn trong việc đưa văn hóa Hàn Quốc đến với thế giới, qua đó giúp đất nước thu lại không ít lợi nhuận về mặt kinh tế và nhiều thứ hữu hình khác. Vì thế, việc miễn nghĩa vụ quân sự cho các ngôi sao đặc biệt, ưu tiên là các nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng ở tầm quốc tế, sẽ góp phần tạo điều kiện cho các ngôi sao hoạt động nghệ thuật, cống hiến tài năng cho khán giả trong và ngoài nước.

Bạn là người nước ngoài thì không thể tham gia vào quân đội Hàn Quốc được. Tuy nhiên, vì mẹ bạn đã tái hôn với người Hàn Quốc nên mẹ bạn và bạn có thể gia nhập quốc tịch Hàn Quốc. Thời gian cũng mất khá lâu đấy. Bạn có thể tham khảo các nội dung liên quan đến việc gia nhập quốc tịch mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập. Có như vậy bạn mới có thể có cơ hội tham gia quân ngũ. Trước đây, luật nhập ngũ của Hàn Quốc quy định rất rõ về màu da, chủng tộc của tân binh. Những thanh niên công dân Hàn Quốc nhưng là con lai Hàn Quốc với người nước ngoài hoặc chủng tộc khác được miễn gọi nhập ngũ. Nhưng do thiếu nguồn tuyển quân, nay Hàn Quốc gọi cả thanh niên con lai nhập ngũ.

Do tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm, dân số già hóa nên các chuyên gia nước này dự đoán, Hàn Quốc sẽ ngày càng thiếu các chỉ tiêu gọi nhập ngũ. Trước tình hình đó, quân đội nước này không thể không tuyển những thanh niên con lai Hàn Quốc với người nước ngoài. Bắt đầu từ năm ngoái, Hàn Quốc phải bỏ điều khoản này và bắt đầu gọi nhập ngũ các thanh niên con lai Hàn Quốc với người nước ngoài. Tháng 4 vừa qua, lời tuyên thệ nhập ngũ của thanh niên Hàn Quốc cũng được chỉnh sửa từ “vì quốc gia và dân tộc” thành “vì quốc gia và nhân dân”.

Tính đến tháng 1 năm 2011, có 211.458 cặp vợ chồng Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài, thế hệ con lai do họ sinh ra lên tới 151.154 người. Một chuyên gia xã hội học nhận định, phục vụ quân ngũ là nghĩa vụ và quyền lợi cốt lõi của công dân, những thanh niên con lai Hàn Quốc với người nước ngoài cũng là một bộ phận của xã hội Hàn Quốc nên cần nhập ngũ bình đẳng như những thanh niên khác.

Lựa chọn của ban biên tập