Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các bài ca lao động của xóm chài ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-08-03

Âm điệu ngàn xưa

Các bài ca lao động của xóm chài ở Hàn Quốc
Những khúc hát được hát trong lễ cầu ngư Pungeoje
Trong thời trung kỳ của triều đại Joseon ở Hàn Quốc, có một vị tướng tên là Im Gyeong-eop đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với nhà Thanh Trung Quốc để bảo vệ Joseon. Truyện kể rằng, thời đó, để đánh úp quân xâm lược, tướng Im Gyeong-eop đã đưa quân sang nhà Thanh Trung Quốc, trên đường tiến quân do hết lương thực, ông đã cho quân lính ghé tạm vào đảo Yeonpyeong, sai quân lính chặt cây bụi gai rồi đem cắm san sát ở bãi bùn ven biển. Khi thủy triều rút, cá đù Jogi bị mắc vào bụi gai nhiều vô kể. Và cũng từ đó, vùng duyên hải phía Tây Hàn Quốc tôn tướng quân Im Gyeong-eop là thần bắt cá đù Jogi. Vào đầu tháng Giêng hàng năm, để cầu nguyện cho một năm an lành và đánh bắt bội thu, ngư dân làng chài thường tổ chức cúng tướng quân Im Gyeong-eop và các vị thần trong lễ tế phong ngư Pungeoje. “Eheori Ssunggeoya” là khúc hát được người dân chài vùng duyên hải phía Tây Hàn Quốc thường hát trong nghi lễ cúng tế cầu ngư Pungeoje.

Lễ cầu ngư Pungeoje là lễ hội của làng chài ven biển. Tới dịp này cả làng cùng thành tâm chuẩn bị tổ chức chiếu đồng Gut. Trên chiếu đồng Gut, không chỉ có ông đồng bà đồng Mudang nhảy đồng mà dân làng cũng tham gia hát các bài ca lao động được họ ngân nga khi ra khơi đánh bắt cá. Trong các bài ca lao động của người làng chài có khúc hát “Bunggi Pungeosori”. Ở đây “Bunggi” còn được gọi là “Bonggi” hoặc “Bongjuk”, vốn là chiếc gậy tre dùng để chọc vào khoang chứa cá nhằm ước chừng sản lượng cá đánh bắt được. “Bongjuk” âm Hán là “Phượng trúc”, có ý nghĩa là chim phượng hoàng đậu trên ngọn tre. Chiếc gậy tre Bongjuk dài khoảng 2-3m, đầu trên được chẻ thành nhiều nhánh, mỗi nhánh được cắm và trang trí bằng hoa giả. Chim phượng hoàng là biểu tượng của thái bình, thành đại. Có lẽ đối với người làng chài, hình ảnh gậy Bongjuk được cắm trên những con thuyền đầy ắp cá tôm được đưa về bến cũng mang ý nghĩa thái bình, bội thu. Khi người dân làng chài tổ chức lễ cầu ngư Pungeoje, họ cũng cắm cờ Bongjuk, nhảy múa và hát các khúc hát như “Nojeotneun Sori” (Bài ca chèo thuyền), “Gogipuneun Sori” (Bài ca xúc cá). Những hoạt động này còn được gọi là trò chơi “Bongjuk Nori”. Khi đưa thuyền cá cập bến, lúc dùng cái sảo để xúc cá đưa lên bờ, người dân chài thường hát khúc “Gogipuneun Sori” để phối hợp nhịp nhàng với nhau. 

Nỗi gian nan và niềm vui bất tận của người dân làng chài
Người ta vẫn nói câu “Công việc mình đang làm bây giờ là công việc nhọc nhằn nhất trên thế gian”. Xưa kia, thuyền cá đâu được to lớn, hiện đại như thuyền cá ngày nay Chỉ là những con thuyền gỗ nhỏ xíu, lại không có hệ thống dự báo thời thiết và bắt sóng gọi cứu hộ cứu nạn trên biển như ngày nay. Dẫu biết rằng giây phút tạm biệt ngắn ngủi rất có thể sẽ trở thành lời chào vĩnh biệt, dù có sợ hãi, run rẩy trước ngàn trùng đại dương thì ngư dân làng chài vẫn phải rứt ruột ra khơi. Thế nên các làng chài ven biển thường có rất nhiều điều cấm kỵ. Những người phụ nữ phải thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói và thành tâm thờ cúng tế lễ nhiều vị thần thông qua các nghi thức trên chiếu đồng Gut, cầu mong sức mạnh siêu nhiên phù hộ độ trì cho những người chồng và người con trai của họ được bình an quay trở về với gia đình. Chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được hết niềm vui phấn khởi khi người ở lại chào đón những thuyền cá đầy ắp cập bến. Người trên thuyền gõ trống, khua chiêng, nhảy múa tưng bừng để báo hiệu cho người trên bờ rằng mình sắp cập bến bình an với sản lượng đánh bắt bội thu. Lúc này “Baechigi Sori” (Chơi nhạc cụ gõ truyền thống trên thuyền) là giai điệu dân ca hay được họ hát nhất. Khúc hát có câu: 

Đánh hết cá ở đảo Eoyeong và Chilsan
Hướng thuyền ra biển Yeonpyeoeng chở tiền nào

Đảo Eoyeong và Chilsan ở vùng biển thuộc tỉnh Bắc Jeolla là những vùng đánh bắt cá đù Jogi nổi tiếng từ xưa ở Hàn Quốc. Khúc hát còn có câu “Hãy bắt tất cả cá đù Jogi trên biển chỉ trừ cá vợ cá chồng” để khuyên răn ngư dân để lại nguồn tài nguyên cá cho con cháu đời sau. 

* Khúc hát “Eheori Ssunggeoya” / ban nhạc Chudahye Chagis 
* Khúc hát “Gogipuneun Sori” (Bài ca xúc cá) / Kim Yong-wu
* Giai điệu dân ca “Baechigi” (Chơi nhạc cụ gõ truyền thống trên thuyền) / nhóm nhạc Taal

Lựa chọn của ban biên tập