[Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của thi hào Thôi Hiệu]Nhà thơ Lý Bạch, tự Thái Bạch, thời nhà Đường (Trung Quốc) còn được mệnh danh là “Tửu tiên” vì ông thích uống rượu. Lý Bạch cũng nổi tiếng là người yêu thích ánh trăng khuya. Thậm chí một giai điệu dân ca truyền thống của Hàn Quốc còn có câu “Trăng ơi! Hỡi trăng sáng, ánh trăng vui cùng Lý Thái Bạch”. Lý Bạch có tài văn thơ xuất chúng. Người đời truyền nhau rằng mọi lời nói của ông đều thành thơ, và chính vì vậy mà người ta còn gọi ông là “Thi tiên”. Một lần Lý Bạch tới lầu gác nổi tiếng có tên gọi là “Hoàng Hạc”, định bụng sẽ sáng tác một áng thơ và treo ở nơi đây. Nhưng khi tới nơi, Lý Thái Bạch phát hiện ra rằng trên lầu Hoàng Hạc đã treo bài thơ của một vị thi sĩ có tên là Thôi Hiệu. Áng thơ được mở đầu với nội dung:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Chúng ta tạm dịch là :
Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi mất
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng nghìn năm vẩn vơ trôi
Lý Bạch đã tự nhủ rằng nếu không làm được thơ hay hơn áng thơ này thì sẽ gác bút bỏ đi.
[Bài thơ “Lên đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng” của thi hào Lý Bạch]Sau khi rời Hoàng Hạc Lâu, Lý Bạch tìm đến Kim Lăng, nay là đài Phượng Hoàng ở Nam Kinh. Ở đây, vị thi sĩ đã sáng tác một bài thơ nổi tiếng có nhan đề “Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng đài” (Lên đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng). Bài thơ này như sau:
Đài Phượng Hoàng xưa, phượng ghé chơi
Phượng đi, lầu vắng, nước sông trôi
Hoa cỏ cung Ngô giăng khắp lối
Đông Tấn triều xưa mộ hoang vùi
Xa xa xanh thẳm ba ngọn núi
Sông Tần Hoài, đảo Bạch Lộ chia đôi
Mây mờ che khuất ánh dương
Tràng An không thấy, lòng bao u sầu
Trong số các câu thơ trên, hai câu: “Xa xa xanh thẳm ba ngọn núi. Sông Tần Hoài, đảo Bạch Lộ chia đôi” hay: “Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại, Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu” thường xuất hiện trong các ca khúc cổ của Hàn Quốc như làn điệu dân ca “Yukjabaegi” của tỉnh Bắc và Nam Jeolla. Dân ca Yukjabaegi có thể hát riêng hoặc hát nối cùng với các làn điệu dân ca khác như “Samsanneun Banrak”, “Gaegori Taryeong”, “Seoul Samgaksana”… theo nhịp điệu nhanh, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng. Trong số này, đúng như tên gọi, làn điệu dân ca “Samsanneun Banrak” bắt đầu bằng câu thơ “Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại” do nhà thơ Lý Bạch sáng tác mà chúng tôi vừa giới thiệu trên. Hoàng Hạc Lâu và Đài Phượng Hoàng là những lầu gác đẹp nổi tiếng ở Trung Quốc. Những ngày nắng nóng như bây giờ mà được ngồi trên lầu gác ở những chốn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách và lời thì thầm của gió thì thật tuyệt.
* Nhạc phẩm thơ phổ nhạc “Seokiniseung” (Tích nhân dĩ thừa) / Kim Byeong-oh
* Làn điệu dân ca “Yukjabaegi” của tỉnh Bắc và Nam Jeolla / Ahn Suk-seon
* Nhạc phẩm Suryongeum (Thủy long âm) / Son Byeong-ju (khèn bầu Saenghwang), Gwak Tae-gyu (sáo trúc ngắn Danso)