Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hơn 30% doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định không có sự thay đổi về tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2025

Write: 2025-07-22 15:14:52Update: 2025-07-22 16:30:26

Hơn 30% doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định không có sự thay đổi về tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2025

Photo : YONHAP News

Hiệp hội các nhà kinh doanh Hàn Quốc (FKI) ngày 22/7 công bố kết quả khảo sát về điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp nửa cuối năm 2025, được ủy thác cho công ty khảo sát "Mono Research" tiến hành với 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu về doanh thu. 

Kết quả cho thấy 53,3% doanh nghiệp dự đoán điều kiện kinh doanh trong 6 tháng cuối năm sẽ không thay đổi nhiều so với nửa đầu năm 2025. 30,2% doanh nghiệp nhận định điều kiện kinh doanh sẽ được cải thiện, trong khi 16,5% dự đoán tình hình sẽ xấu đi. Trong số các doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh sẽ xấu đi trong nửa cuối năm, 40% công ty cho biết tình hình sẽ được cải thiện lại vào quý I/2026. Câu trả lời cho rằng là sau quý III/2026 và quý II/2026 lần lượt chiếm 24% và 16%. 

Ngoài ra, 25,7% doanh nghiệp chỉ ra tình trạng nhu cầu trong nước giảm và trì trệ kinh tế kéo dài là rủi ro kinh doanh lớn nhất trong 6 tháng cuối năm. Các rủi ro khác gồm suy giảm nhu cầu trên thế giới và xuất khẩu trì trệ, bất ổn trong môi trường thương mại toàn cầu, cũng như rủi ro về nguồn cung, giá nguyên vật liệu (đều chiếm 14,1%).

Về chiến lược kinh doanh trong nửa cuối năm 2025 để ứng phó với rủi ro trong và ngoài nước, 28% doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Các chiến lược khác là tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chủ lực vốn có (19,1%), mở rộng thị trường nước ngoài (16,4%), quản lý rủi ro (13,5%) và phát triển kinh doanh chiến lược tương lai (10,9%).

Mặt khác, 20,1% doanh nghiệp nhấn mạnh cần phải ổn định chuỗi cung ứng, bao gồm cải thiện điều kiện cung ứng nguyên vật liệu. Đây là biện pháp cấp thiết nhất để cải thiện môi trường kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và giảm bất ổn thương mại chiếm 16,4%, nới lỏng quy chế đối với hoạt động kinh doanh 14,5%, lập chính sách kích thích tiêu dùng trong nước 13,2%, mở rộng hỗ trợ về thuế và tài chính là 11,2%.

Cuối cùng, 24,7% doanh nghiệp nhận định cần ưu tiên tìm động lực tăng trưởng trong tương lai và nâng cao cấu trúc cơ cấu ngành công nghiệp, để tăng cường nền tảng tăng trưởng trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế Hàn Quốc. 20,7% cho rằng phải tăng cường chiến lược thương mại toàn cầu, 12,5% trả lời là cần ứng phó với vấn đề cơ cấu dân số như tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, còn 12,2% cho biết nên đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển cân bằng giữa các khu vực.

Lựa chọn của ban biên tập