Không quá lời khi đánh giá rằng tháng đầu tiên sau khi nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung là một chuỗi những bước đi thần tốc, vượt xa các chính quyền tiền nhiệm.
Không chỉ có màn ra mắt ấn tượng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), ông Lee còn liên tục có những bước đi ổn định tình hình trong nước và khôi phục kinh tế.
Dù một số vị trí Bộ trưởng vẫn ở giai đoạn ứng cử viên, song tính đến ngày 2/7, một ngày trước thời điểm tròn 30 ngày nhậm chức, 90% bộ máy Nội các về cơ bản đã được kiện toàn.
Ngay trong ngày nhậm chức 4/6, Tổng thống đã chỉ định ông Kim Min-seok làm ứng cử viên Thủ tướng. Tiếp đó vào ngày 23/6, ông Lee công bố danh sách đề cử 10 Bộ trưởng và giữ nguyên một Bộ trưởng từ Chính phủ tiền nhiệm. Ngày 29/6, Tổng thống tiếp tục công bố thêm danh sách đề cử Bộ trưởng 6 Bộ còn lại, qua đó hoàn tất việc lựa chọn Nội các đầu tiên, trừ hai vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Bộ Địa chính và giao thông.
Trước đó, cựu Tổng thống Moon Jae-in, người cũng nhậm chức mà không có Ủy ban chuyển giao chính quyền, đã mất 54 ngày để hoàn thiện Nội các.
Những bước đi nhanh chóng này của Tổng thống Lee được phân tích là xuất phát từ nhận định rằng cần sớm lấp đầy khoảng trống lãnh đạo kéo dài sau vụ thiết quân luật ngày 3/12 năm ngoái, ổn định tình hình quốc gia.
Tổng thống đã tiến cử 8 nghị sĩ vào Nội các, trong đó có vị trí Thủ tướng, cùng nhiều nhân vật xuất thân từ giới doanh nghiệp, đặc biệt là giữ lại cả Bộ trưởng được bổ nhiệm từ chính quyền tiền nhiệm. Đây là minh chứng rõ nét cho quan điểm thực dụng của ông Lee, miễn là có năng lực thì sẽ được trọng dụng.
Tân lãnh đạo Hàn Quốc cũng đẩy nhanh tốc độ trong các chính sách liên quan đến dân sinh và kinh tế. Ngay trong ngày đắc cử, ông đã lập ra Nhóm chuyên trách rà soát kinh tế khẩn cấp, và chủ trì cuộc họp đầu tiên diễn ra vào buổi tối cùng ngày.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống, Chính phủ đã lập tức bắt tay lập dự thảo ngân sách bổ sung đợt hai năm 2025, và chỉ sau hai tuần, vào ngày 19/6, dự thảo ngân sách bổ sung quy mô 30.500 tỷ won (1,17 tỷ USD) đã được thông qua tại cuộc họp Nội các.
Gói ngân sách này được xem là “liều thuốc khẩn cấp” nhằm đối phó với tình trạng nhu cầu nội địa suy yếu do hệ quả từ vụ thiết quân luật, cộng thêm những bất ổn từ bên ngoài như cú sốc thuế quan từ Mỹ, khiến kinh tế Hàn Quốc được nhận định đang bước vào thời kỳ khủng hoảng.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội ngày 26/6, Tổng thống Lee nhấn mạnh trong kinh tế, thời điểm là yếu tố quyết định, giờ là lúc Chính phủ cần hành động để vực dậy nền kinh tế.
Nếu như tháng đầu tiên sau khi nhậm chức của Tổng thống Lee có thể ví như một cuộc “chạy nước rút toàn lực”, thì cả nội bộ lẫn ngoài Văn phòng Tổng thống hiện đều cho rằng giờ là lúc cần chuyển sang giai đoạn “quản trị rủi ro” và tạo ra thành quả.
Thách thức đầu tiên được dự báo sẽ đến từ chuỗi phiên điều trần kiểm tra tư cách đạo đức và năng lực của Quốc hội với các ứng cử viên Bộ trưởng trong thời gian tới. Đảng đối lập Sức mạnh quốc dân đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình thẩm tra năng lực và đạo đức của các ứng viên Bộ trưởng, nhằm giữ vững thế chủ động tại Quốc hội.
Với Tổng thống Lee, việc hạn chế tối đa “tổn thất chính trị” trong quá trình điều trần tại Quốc hội là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy động lực điều hành đất nước, thực thi các bài toán cải cách trong thời gian tới.
Một nhiệm vụ then chốt khác là biến xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán, với việc chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) cán mốc 3.000 điểm gần đây, thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt, vấn đề quản lý thị trường bất động sản, vốn luôn bị coi là “gót chân Achilles” (ám chỉ điểm yếu hoặc rủi ro) của các đời Chính phủ tiến bộ, đang nổi lên như một nhiệm vụ trọng yếu. Việc kiểm soát ổn định thị trường bất động sản sẽ quyết định về mức độ tín nhiệm của người dân với chính sách kinh tế giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Chính phủ Tổng thống Lee Jae Myung.