Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Điểm lại hoạt động ngoại giao của Tổng thống Lee Jae Myung trong tháng đầu cầm quyền

Write: 2025-07-02 10:05:54Update: 2025-07-02 10:58:47

Điểm lại hoạt động ngoại giao của Tổng thống Lee Jae Myung trong tháng đầu cầm quyền

Photo : YONHAP News

Ngày 3/7 đánh dấu tròn một tháng Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung nhậm chức. Trong tháng đầu cầm quyền, ông Lee đã có các hoạt động ngoại giao dày đặc với nguyên tắc cơ bản là ưu tiên đồng minh Hàn-Mỹ, tăng cường hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. 
 
Thứ tự điện đàm với nguyên thủ các nước ngay sau khi Tổng thống Lee nhậm chức được cho là đã thể hiện đường lối ngoại giao này. Ba ngày sau khi nhậm chức, tân lãnh đạo Hàn Quốc đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 6/6. Tiếp đó lần lượt là các cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 9 và 10/6.

So với cựu Tổng thống Moon Jae-in, người đã điện đàm lần lượt với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, việc ông Lee ưu tiên điện đàm với lãnh đạo Nhật Bản trước Trung Quốc đã trở thành điểm đáng chú ý.
 
Một quan chức Văn phòng Tổng thống trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo giới vào ngày 2/7 cho biết không thể gán quá nhiều ý nghĩa vào thứ tự các cuộc điện đàm, vì điều này phụ thuộc vào lịch trình của các nhà lãnh đạo. Quan chức này khẳng định Chính phủ sẽ không thay đổi nguyên tắc củng cố hợp tác ba bên Hàn-Mỹ-Nhật dựa trên quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc.

Sau 12 ngày kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Lee đã quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), được tổ chức tại Canada vào ngày 16/6 (giờ địa phương). Tại sự kiện, Tổng thống đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản và đạt được sự đồng thuận về việc khôi phục “ngoại giao con thoi”, thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương. 
 
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Hàn Quốc còn tích cực thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7. Cuộc gặp này dự kiến diễn ra vào ngày 17/6 nhưng đã không thành do ông Trump phải khẩn cấp trở về Mỹ vì tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông, bao gồm cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Iran.

Theo đó, Chính phủ đương nhiệm hiện vẫn đang phải đối mặt với bài toán lớn là tìm cách tháo gỡ "nút thắt" cho cuộc tham vấn thuế quan Hàn-Mỹ. Thời hạn đàm phán là đến ngày 8/7, và chính quyền Hàn Quốc đang nỗ lực để có được điều kiện thuận lợi hơn hoặc tìm kiếm sự linh hoạt trong đàm phán thông qua các cuộc đối thoại cấp chuyên viên. 
 
Tổng thống Lee trong buổi gặp gỡ báo giới trên chuyến bay đến dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 16/6 từng nhấn mạnh điều quan trọng là không để Seoul rơi vào tình thế bất lợi so với các nước khác.
 
Chiến lược của Văn phòng Tổng thống là tạo động lực thúc đẩy tham vấn với Washington bằng cách tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ. Nhiều ý kiến dự đoán khả năng là Tổng thống Lee sẽ thăm Mỹ để hội đàm với lãnh đạo Nhà Trắng vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống vẫn giữ thái độ thận trọng, cho biết vẫn đang điều chỉnh lịch trình và chưa có quyết định cụ thể nào.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio dự kiến sẽ đến thăm Hàn Quốc vào khoảng ngày 8/7. Ông Marco Rubio có thể sẽ gặp Tổng thống Lee hoặc Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Wi Sung-lac để nhanh chóng điều chỉnh lịch trình cho Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ. 
 
Mặt khác, chính quyền Tổng thống Lee Jae Myung cũng đang thể hiện rõ lập trường giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên như hạn chế rải truyền đơn và ngừng phát loa phóng thanh sang miền Bắc. Về phần mình, Bắc Triều Tiên ngày 12/6 cũng đã ngừng phát loa hướng về phía miền Nam, cho thấy phản ứng tích cực của miền Bắc đối với Chính phủ Tổng thống Lee Jae Myung.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Tuyên bố chung liên Triều 15/6, Tổng thống Lee đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc khôi phục quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc. Ông Lee tuyên bố Chính phủ đương nhiệm sẽ chấm dứt các hành động thù địch, nối lại đối thoại và hợp tác, nhanh chóng phục hồi kênh đối thoại liên Triều đã bị gián đoạn, cũng như khôi phục hệ thống quản lý khủng hoảng nhằm giảm căng thẳng quân sự và tạo bầu không khí hòa bình.

Lựa chọn của ban biên tập