Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính phủ đánh giá kinh tế Hàn Quốc tiếp tục xu hướng đình trệ

Write: 2023-03-17 14:24:47Update: 2023-03-21 11:19:07

Chính phủ đánh giá kinh tế Hàn Quốc tiếp tục xu hướng đình trệ

Photo : YONHAP News

Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc ngày 17/3 đã công bố Sách xanh về xu hướng kinh tế gần đây, trong đó có dự đoán rằng tình hình kinh tế Hàn Quốc vẫn tiếp tục trì trệ, trong bối cảnh xu hướng leo thang của giá tiêu dùng dần chững lại, tốc độ hồi phục nhu cầu nội địa chậm chạp, xuất khẩu giậm chân tại chỗ và tâm lý doanh nghiệp thu hẹp.

Chính phủ đã lần đầu đưa ra nhận định "kinh tế trì trệ" vào tháng 2, và lại tiếp tục dự đoán này trong tháng 3, tức sự đình trệ kinh tế không có cải thiện và vẫn đang tiếp diễn.

Xuất khẩu Hàn Quốc trong tháng 2 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu thế giảm. Thâm hụt cán cân thương mại tháng này là 5,27 tỷ USD.

Cán cân vãng lai tháng 1 cũng ghi nhận thâm hụt 4,52 tỷ USD. Đặc biệt, thâm hụt cán cân thương mại tăng dần, cán cân hàng hóa, du lịch, dịch vụ cũng ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và tài chính dự đoán cán cân vãng lai tháng 2 có thể sẽ được cải thiện so với tháng 1 do thâm hụt cán cân thương mại giảm.

Tiêu dùng tư nhân trong quý IV năm 2022 giảm 0,6% so với quý trước, cho thấy tình hình tiêu dùng cũng bị thu hẹp nhiều. Bán lẻ tháng 1 trong tất cả các mặt hàng giảm 2,1% so với tháng 12 năm ngoái.

Theo phân tích của Bộ Kế hoạch và tài chính về bán lẻ trong tháng 2, có nhiều yếu tố tích cực như sự leo thang của doanh số bán xe ô tô hàng nội địa trong nước và doanh thu cửa hàng bách hóa tổng hợp, song vẫn có nhiều yếu tố tiêu cực như chỉ số tâm lý tiêu dùng giảm.

Mặt khác, quy mô leo thang của giá tiêu dùng đang chững lại. Giá tiêu dùng tháng 2 tăng 4,8%, mức tăng đã thu hẹp lại, được giải thích là do giá xăng dầu giảm, giá thành nông lâm thủy sản ổn định nhờ nhiều sự kiện giảm giá sản phẩm chăn nuôi.

Chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp (BSI), phản ánh nhận thức của doanh nghiệp về tình hình nền kinh tế, đạt 69 điểm, bằng với tháng trước. Chỉ số này dưới 100 điểm có nghĩa là số doanh nghiệp có cái nhìn bi quan về nền kinh tế nhiều hơn số doanh nghiệp có nhận định lạc quan.

Bộ Kế hoạch và tài chính nhận xét có nhiều nguy cơ đã khiến tình hình kinh tế bất ổn kéo dài, bao gồm những bất ổn tài chính do kỳ vọng về việc Trung Quốc nối lại hoạt động đối ngoại và sự thắt chặt tiền tệ, những lo ngại về sự kéo dài của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Do đó, Chính phủ sẽ củng cố nền tảng bình ổn giá tiêu dùng và dân sinh, nỗ lực quản lý nguy cơ trong và ngoài nước; có biện pháp đối phó để cải thiện tình hình kinh tế thông qua nâng cao xuất khẩu và đầu tư, cải cách lao động, trợ cấp, giáo dục, phát triển hiệu suất năng lượng.

Lựa chọn của ban biên tập