Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Báo Mỹ phân tích Hàn Quốc sẽ gặp sức ép lớn về việc viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine

Write: 2023-02-03 14:33:32Update: 2023-02-03 14:33:50

Báo Mỹ phân tích Hàn Quốc sẽ gặp sức ép lớn về việc viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine

Photo : YONHAP News

Tờ Thời báo phố Wall (WSJ) của Mỹ ngày 2/2 (giờ địa phương) đưa tin các nước viện trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga đang hướng sự chú ý tới Hàn Quốc để bổ sung vật tư, trong khi Seoul lại đang đẩy nhanh xuất khẩu vũ khí. Giờ đây, Hàn Quốc sẽ đối mặt với sức ép lớn hơn về việc viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine. 

Tờ báo cho biết trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc mới gửi mặt nạ phòng độc, áo chống đạn, dược phẩm cho Ukraine, nhưng từ chối viện trợ trực tiếp vũ khí sát thương do luật pháp trong nước không cho phép. Gần đây, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới thăm Hàn Quốc và yêu cầu Seoul viện trợ vũ khí.

Thời báo phố Wall chỉ ra rằng Hàn Quốc đang đặt mục tiêu trở thành cường quốc thứ 4 thế giới về xuất khẩu vũ khí. Với một vị thế đặc biệt trên thị trường vũ khí quốc tế, Seoul đang được chú ý trong cục diện chiến tranh Nga-Ukraine hiện tại.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm của Thụy Điển, trong vòng 5 năm từ 2017-2021, Hàn Quốc chiếm 2,8% thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới, đứng thứ 8, đạt sự tăng trưởng nhanh chóng từ vị trí thứ 13 (1%) trong giai đoạn 2012-2016.

Nhu cầu vũ khí Hàn Quốc đang tăng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Năm ngoái, Hàn Quốc ký hợp đồng xuất khẩu 5,76 tỷ USD pháo tự hành K-9 và xe tăng K-2 cho Ba Lan, nước đang hỗ trợ vật tư quân sự cho Ukraine. Hợp đồng này kéo tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Seoul tới cuối tháng 11 năm ngoái thành 17 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với một năm trước đó.

Kể từ sau chiến tranh lạnh, các cường quốc quân sự truyền thống ở châu Âu như Anh, Pháp đã cắt giảm năng lực sản xuất vũ khí thông thường, thì Hàn Quốc lại đang tiếp tục đẩy cao năng lực công nghiệp quốc phòng nhằm đối phó với mối uy hiếp từ Bắc Triều Tiên, nên có khả năng sản xuất hàng loạt vũ khí một cách nhanh chóng, với giá thành tương đối rẻ. Seoul cũng liên tục bổ sung cho kho vũ khí của chính nước mình.

Tuy nhiên, tờ Thời báo phố Wall phân tích rằng Hàn Quốc vẫn đang dè chừng để tránh tạo ra mối quan hệ thù địch với Nga, nước mà Hàn Quốc nhập khẩu dầu thô, vừa là nước có tầm ảnh hưởng lớn với miền Bắc.

Tờ Economist của Anh thì chỉ ra rằng việc xuất khẩu vũ khí nếu không phải "mục đích hòa bình" gặp khó khăn do bị hạn chế bởi quy định trong nước như Luật thương mại quốc tế. Trong khi đó, đảng đối lập Dân chủ đồng hành lại đang chiếm đa số ghế tại Quốc hội, nên việc sửa đổi luật nhằm viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ không hề dễ dàng.

Thêm vào đó, dư luận trong nước không mấy ủng hộ việc viện trợ vũ khí. Theo kết quả thăm dò ý kiến do Viện Gallup của Hàn Quốc tiến hành vào tháng 6 năm ngoái, chỉ có 15% người dân tán thành viện trợ quân sự cho Ukraine.

Lựa chọn của ban biên tập