Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Những bài thuốc dân gian tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-05-31

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Khi cảm thấy cơ thể không khỏe, mọi người thường nghĩ đến các bài thuốc dân gian trước khi đến bệnh viện khám hoặc uống thuốc. Chẳng hạn, người dân Hàn Quốc uống trà làm từ rễ hoa cát cánh để trị ho, dùng dầu thầu dầu trị táo bón và trà quả mơ để hỗ trợ tiêu hóa. Từ xa xưa, loài người đã biết sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để chữa bệnh. Điển hình là aspirin, một trong ba loại thuốc tiêu biểu nhất được con người phát hiện ra. Đây là một loại thuốc được lấy từ vỏ cây liễu, bắt nguồn từ một bài thuốc dân gian của người xưa. Cùng với sự tiến bộ của y học, những vị thuốc dân gian lâu đời đã dần bị lu mờ. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên là một trường hợp ngoại lệ. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các bài thuốc dân gian ở miền Bắc cùng bà Hyun In-ae, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện nghiên cứu thống nhất học thuộc Đại học nữ Ewha.

 

Sau khi đến Hàn Quốc, tôi thấy các bài thuốc dân gian không còn cần thiết nữa, bởi miền Nam có trình độ y học tiên tiến, các loại thuốc đa dạng và hệ thống điều trị hiện đại có thể trị được hầu hết bệnh tật. Tuy nhiên, ở Bắc Triều Tiên, thuốc men rất khan hiếm và nhiều bệnh không thể chữa khỏi. Đây là lý do các bài thuốc dân gian được sử dụng rộng rãi.

 

Không giống như ở miền Nam, các bài thuốc dân gian chiếm một phần đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của người dân miền Bắc.

 

Đa số các bà mẹ Bắc Triều Tiên đều nuôi con bằng sữa mẹ. Để có nhiều sữa cho con, họ thường ăn chân giò lợn ninh nhừ. Cây ích mẫu thì được sử dụng để chữa hiếm muộn hoặc làm kẹo mạch nha Yeot. Bên cạnh đó, ung thư gan là một bệnh không thể chữa khỏi ở miền Bắc do thiếu các trang thiết bị hiện đại cần thiết để phẫu thuật hoặc cấy ghép gan. Bài thuốc dân gian để điều trị bệnh này tại Bắc Triều Tiên là trà gạo lứt, được chế biến bằng cách rang gạo lứt trong nồi rồi nấu với nước, hoặc trà làm từ cây ngưu bàng. Ngoài ra, để chữa cảm lạnh, người dân cũng có thể khoét lõi quả lê, đổ mật ong vào và hấp lên để ăn.

 

Tương tự Bắc Triều Tiên, lê hấp cách thủy với mật ong cũng là một cách chữa cảm lạnh thường thấy tại Hàn Quốc. Đối với người dân miền Bắc, thuốc dân gian là thứ không thể thiếu khi chữa bệnh. Họ ăn rễ hành lá rán với dầu ăn để chữa ho, và ăn trứng gà sống để chữa viêm họng. Khi bị ngộ độc thực phẩm, người dân nước này ăn bột đậu xanh, bột sồi hoặc bột khoai tây sống. Bên cạnh các bệnh nhẹ có thể trị tại nhà, thuốc dân gian còn được sử dụng để chữa ung thư. Các phương tiện truyền thông nước này cũng thường xuyên giới thiệu các loại thuốc này. Tiêm vắc-xin mới là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm cúm, vốn là một loại bệnh do virus influenza gây ra. Tuy nhiên, vào mùa đông năm 2022, KCTV lại cảnh báo người dân về dịch cúm và gợi ý một số bài thuốc dân gian được cho là có tác dụng phòng và chữa bệnh cúm. Khi COVID-19 lan rộng, truyền thông trong nước cũng đưa ra các biện pháp khắc phục tương tự.

 

Truyền hình và báo chí Bắc Triều Tiên đã sử dụng lý luận để tuyên truyền rằng người bị nhiễm COVID-19 nên đun sôi 3-4g hoa kim ngân trong nước để uống. Đây vốn là một loại thuốc tốt dùng để chữa bệnh viêm phế quản nên được tận dụng để chữa COVID-19. Ngoài ra, cây liễu cũng được khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, thay vì mỗi lần đều đun sôi vỏ cây, miền Bắc khuyến khích người dân đun và uống 4-5g lá liễu, do lo ngại rằng những cây liễu, một loại cây thường thấy ở hai bên đường Bình Nhưỡng, sẽ bị tàn phá quá mức.

 

Tháng 5/2023, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, cũng giới thiệu hoa kim ngân là thảo mộc Đông y có tác dụng giảm ho và đờm, và khuyên người dân đun lá liễu để uống nhằm điều trị COVID-19. Những loại thuốc dân gian này cũng không phải không có hiệu quả. Cụ thể, hoa kim ngân có thể hỗ trợ tiêu viêm. Ngoài ra, cây liễu có chứa axit salicylic, vốn là nguyên liệu để sản xuất aspirin, nên có tác dụng điều trị viêm, sốt và giảm đau. Tuy nhiên, những phương pháp này không thể trở thành giải pháp thiết thực để đối phó với COVID-19.

 

Bắc Triều Tiên thực hiện chính sách đóng cửa biên giới vào tháng 1/2020, hai tháng sau khi các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), giữa bối cảnh nước này thiếu thuốc men do khó khăn kinh tế và các lệnh trừng phạt quốc tế. Sau đó, miền Bắc khẳng định trong nước không có ca mắc COVID-19 nào và tuyên truyền về sự ưu việt của hệ thống y tế nội địa. Tuy nhiên, tình hình nội bộ khác xa với những gì chính quyền tuyên bố.

 

Khác với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên không thể nhập khẩu vắc-xin phòng chống COVID-19 từ Mỹ và thậm chí còn từ chối lời đề nghị cung cấp vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. Tình trạng phong tỏa biên giới thậm chí còn khiến cho việc mua các loại thuốc thông thường, bao gồm cả thuốc hạ sốt và aspirin, trở nên khó khăn do hết hàng. Kết quả là những người nhiễm COVID-19 phải chịu đựng bệnh mà không có thuốc. Ở miền Bắc, nhiều người vốn đã có thể chất yếu do thiếu lương thực. Cộng thêm việc không có thuốc điều trị, những người dân này đã bỏ mạng khi nhiễm bệnh.

 

Tình trạng thiếu thuốc kéo dài đã trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong quá trình phòng ngừa COVID-19 của Bắc Triều Tiên. Nước này đã từ chối đề nghị hợp tác của quốc tế và tự mình đối phó với đại dịch trên nền tảng tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp.

 

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên có thể tự sản xuất thuốc với số lượng nhỏ. Trước đại dịch, các nhà máy dược phẩm của nước này từng có thể tự sản xuất penicillin và aspirin. Tuy nhiên, một lượng đáng kể nguyên liệu của thuốc vốn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau khi miền Bắc ngừng nhập khẩu, các nhà máy trong nước phải giảm sản xuất thuốc, kể cả những loại thuốc thông dụng.

 

Bắc Triều Tiên vận hành khoảng 10 nhà máy dược phẩm trung ương. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc nhập khẩu nguyên liệu và thuốc men bị gián đoạn do lệnh trừng phạt quốc tế, động thái đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch COVID-19 của nước này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thuốc trong nước. Phương án đối phó thay thế của miền Bắc là khuyến khích sử dụng các bài thuốc dân gian, nhưng người dân vẫn phải chịu nỗi thống khổ lớn vì không được tiêm vắc-xin và uống thuốc điều trị COVID-19. Tháng 5/2022, Bắc Triều Tiên cuối cùng đã xác nhận về sự bùng phát của COVID-19 tại nước này. Do cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn, miền Bắc ghi nhận hàng trăm nghìn ca sốt mỗi ngày. Tuy nhiên, nước này lại từ chối đề nghị viện trợ từ Hàn Quốc và Liên hợp quốc, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc tuyên truyền các loại thuốc dân gian. Quan chức y tế Bắc Triều Tiên xuất hiện trên truyền hình và tuyên truyền các bài thuốc dân gian giúp điều trị hậu chứng của COVID-19. Những người đã khỏi bệnh cũng xuất hiện để chứng minh các biện pháp này có hiệu quả. Bên cạnh đó, truyền thông Bắc Triều Tiên giới thiệu các loại thuốc Đông y được làm từ nhiều loại dược liệu khác nhau như một phương thuốc chữa bách bệnh, đồng thời khuyến khích người dân thu thập các loại thảo mộc.

 

Ở Bắc Triều Tiên, mỗi năm các bác sĩ, y tá và sinh viên y khoa có nhiệm vụ phải thu thập một lượng nhất định các loại thảo mộc, chẳng hạn như hoa chuông, thương truật, cây đẳng sâm Deodeok. Sinh viên y khoa sẽ phải ra đồng hoặc núi trong một tháng để thu thập thảo dược, ví dụ mùa đông sẽ đi thu hoạch quả sồi. Tương tự, các bác sĩ cũng được giao một khoảng thời gian để làm việc này. Thay vì đến bệnh viện làm việc trong thời gian đó, họ phải nộp đủ chỉ tiêu là khoảng 8kg thảo dược.

 

Không chỉ các nhân viên y tế mà cả người dân cũng tập trung tại các ngọn núi để hái thảo dược vào tháng 4, tháng 5, tháng 9 và tháng 10. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên đã triển khai hệ thống y tế miễn phí từ những năm 1960. KCTV từng phát sóng một bộ phim tài liệu nói lên sự biết ơn của người dân khi được nhà lãnh đạo kính yêu xây dựng cho những bệnh viên hoa lệ như cung điện và chữa bệnh mà không cần tốn một đồng nào. Bắc Triều Tiên ca ngợi hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình là hệ thống y tế xã hội chủ nghĩa tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống y tế miễn phí của nước này bắt đầu sụp đổ vào những năm 1990, khi đất nước trải qua giai đoạn khó khăn kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ”. Chế độ y tế xã hội chủ nghĩa từng chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, kê đơn, phẫu thuật và thuốc men giờ đây đã sụp đổ, người dân miền Bắc nay đã không còn được điều trị đúng lúc và đúng cách đã chuyển sang sử dụng các bài thuốc dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

Tất nhiên, các bài thuốc cổ truyền không phải là điều xấu. Tuy nhiên, người dân miền Bắc đang phải phụ thuộc quá nhiều vào chúng. Bắc Triều Tiên không thể chữa khỏi các căn bệnh vốn có thể được loại bỏ nhờ sự trợ giúp của các kỹ thuật y tế hiện đại. Nước này còn thiếu cả các loại thuốc dự phòng cần sử dụng thường ngày, nên người dân chỉ có thể quay trở lại với các vị thuốc dân gian. Để khám chữa bệnh cho người dân thật tốt thì y học phải phát triển. Bên cạnh sự tụt hậu về kỹ thuật thì Bắc Triều Tiên còn thiếu thốn cả về tài chính, vì các thiết bị y tế rất đắt đỏ. Vì vậy, miền Bắc nên giải quyết vấn đề kinh tế trước. Một quốc gia có nguồn tài chính dồi dào thì cũng sẽ có nền y học phát triển, nơi người dân có thể chữa khỏi bệnh và sống lâu mà không cần phải phụ thuộc vào các bài thuốc dân gian.

 

Bắc Triều Tiên đang phải đối diện với ba thử thách lớn là hệ thống y tế tiều tụy, các lệnh trừng phạt quốc tế và lệnh phong tỏa biên giới do đại dịch COVID-19. Nếu tình hình hiện tại không được cải thiện, người dân miền Bắc có khả năng cao sẽ phải tiếp tục sử dụng các bài thuốc dân gian để thay cho hệ thống y tế và thuốc men.

Lựa chọn của ban biên tập