Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngày của Mẹ tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-05-10

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 8/5 hàng năm là Ngày Cha mẹ tại Hàn Quốc. Vào ngày này, những người con sẽ cài những bông hoa cẩm chướng đỏ lên ngực áo cha mẹ, tặng quà và cùng họ trải qua khoảng thời gian hạnh phúc cùng nhau ăn những món ăn ngon. Thay vì Ngày Cha mẹ, miền Bắc đã chỉ định ngày 16/11 hàng năm là Ngày của Mẹ. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về Ngày của Mẹ tại miền Bắc cùng bà Hyun In-ae, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện nghiên cứu thống nhất học thuộc Đại học nữ Ewha.

 

Bắc Triều Tiên chỉ định Ngày của Mẹ vào năm 2012, cũng là ngày lễ đầu tiên mà Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un chỉ định sau khi lên nắm quyền. Khi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 1912-1994) xây dựng sự nghiệp chính trị, ông đã triệu tập Đại hội các bà mẹ lần đầu tiên tại miền Bắc vào ngày 16/11/1961, cũng là dịp ông có bài phát biểu mang tên "Nhiệm vụ của người mẹ trong văn hóa nuôi dạy con cái”. Khi Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện lần đầu tiên, Bắc Triều Tiên đã cố gắng kết nối hình ảnh của ông Kim Jong-un với ông nội Kim Nhật Thành. Vì vậy, đây có thể là lý do ngày 16/11 được chọn làm Ngày của Mẹ vào năm 2012.

 

Ngày 16/11/1961 là ngày cố Chủ tịch Kim Nhật Thành phát biểu tại Đại hội các bà mẹ đầu tiên tại miền Bắc, kêu gọi phụ nữ đã có gia đình tham gia các hoạt động bên ngoài để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 2012, sau khi chính thức được bổ nhiệm làm Tổng bí thư đảng Lao động và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, ông Kim Jong-un đã chỉ định ngày 16/11 là Ngày của Mẹ. Đây cũng là tên gọi ban đầu của Ngày Cha mẹ tại Hàn Quốc. Năm 1956, ngày 8/5 được công nhận là Ngày của Mẹ để vinh danh những người phụ nữ phải sống và nuôi dạy con cái một mình do chồng phải nhập ngũ tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Sau đó, vào năm 1973, ý nghĩa của ngày lễ này được Hàn Quốc mở rộng thành Ngày Cha mẹ, trong khi Bắc Triều Tiên vẫn sử dụng tên gọi Ngày của Mẹ.

 

Ở Bắc Triều Tiên, từ "cha mẹ" là một đại từ chỉ được dùng để chỉ nhà lãnh đạo. Đồng thời, miền Bắc luôn tuyên truyền rằng mẹ là thành viên quan trọng hơn cha trong gia đình. Vì vậy, nước này chỉ có Ngày của Mẹ thay vì Ngày Cha mẹ.

 

Ở Bắc Triều Tiên, cố Chủ tịch Kim Jong-il (1941-2011) được ví như cha còn cố Chủ tịch Kim Nhật Thành được coi như “phụ mẫu”. Nói cách khác, “cha mẹ” là từ dùng để thần tượng hóa nhà lãnh đạo tối cao. Việc Chủ tịch Kim Jong-un chọn ngày 16/11 làm Ngày của Mẹ cũng nhằm củng cố vị trí lãnh đạo tối cao bằng cách tô điểm các công lao của hai người tiềm nhiệm. Theo đó, Ngày của Mẹ đã trở thành một ngày lễ dành cho phụ nữ tại nước này.

 

Ngày của Mẹ là một ngày lễ quốc gia với nhiều sự kiện kỷ niệm và mọi người dân đều được nghỉ. Trong dịp này, miền Bắc tổ chức nhiều buổi diễn thuyết ca ngợi nhà lãnh đạo chăm sóc tốt cho người dân, các buổi biểu diễn bài hát về lòng trung thành và các buổi biểu diễn nghệ thuật. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cũng có những bài viết giới thiệu về những vai trò to lớn của phụ nữ. Tivi cũng phát các chương trình truyền hình về những người phụ nữ năng động và phim nghệ thuật liên quan đến phụ nữ.

 

Vào Ngày của Mẹ hàng năm, phương tiện truyền thông Nhà nước của Bắc Triều Tiên sẽ tập trung phát sóng các chương trình liên quan đến mẹ và phụ nữ và tổ chức nhiều buổi biểu diễn chào mừng. Cửa hàng hoa cũng trở nên phát đạt vào ngày này. Mỗi gia đình và nơi làm việc đều tặng một bó hoa để vinh danh công lao của những người mẹ và người phụ nữ, còn những người con miền Bắc thì thường chuẩn bị mỹ phẩm để tặng cho mẹ của mình. Bên cạnh mỹ phẩm, thiệp chúc mừng cũng là một món quà không thể thiếu trong Ngày của Mẹ.

 

Khác với Hàn Quốc, nơi có thể tự thiết kế thiệp bằng máy tính, vào ngày 16/11 hàng năm, chính quyền Bắc Triều Tiên sẽ phát hành bưu thiếp chúc mừng Ngày của Mẹ. Những tấm bưu thiếp này có dòng chữ "Chúc mừng Ngày của Mẹ” cùng những hình ảnh khác nhau và có màu sắc đa dạng, được tặng cho những người mẹ để kỷ niệm ngày này.

 

Những tấm thiệp chúc mừng được in với nhiều phông chữ đa dạng là thành quả của những nghệ nhân ưu tú hàng đầu ở Bắc Triều Tiên. Ngày của Mẹ là một ngày nghỉ lễ và là dịp tất cả người dân miền Bắc dốc công sức để chào mừng.

 

Lời kêu gọi quan trọng nhất của chính quyền Bắc Triều Tiên chính là những người mẹ hãy sinh nhiều con trai, con gái và đưa chúng nhập ngũ vào Quân đội nhân dân. Nước này khen ngợi những phụ nữ sinh nhiều con và trao tặng danh hiệu anh hùng cho họ. Cụ thể ba người đã được nhận danh hiệu “Anh hùng nỗ lực”, cũng là danh hiệu cao quý nhất tại miền Bắc bên cạnh danh hiệu “Anh hùng nước cộng hòa”. Bên cạnh đó, hàng ngàn người phụ nữ khác đã nhận được huy chương nhờ sinh nhiều con. Lý do là vì tương tự Hàn Quốc, dân số Bắc Triều Tiên đang giảm, gây ra vấn đề thiếu lao động và khó bổ sung năng lực quân sự. Vì nước này phải duy trì hơn 1 triệu quân nhân, nên vai trò lớn nhất mà Nhà nước yêu cầu phụ nữ chính là sinh nhiều con, nuôi dạy chúng tử tế và đưa chúng nhập ngũ.

 

Lý do đầu tiên của việc Bắc Triều Tiên chú trọng đến phụ nữ là chính sách khuyến khích sinh con. Khi nước này tiếp tục gặp phải khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt và các hoạt động xã hội của phụ nữ tăng lên, tỷ lệ sinh thấp đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Do thiếu lao động, Bắc Triều Tiên thậm chí còn trao danh hiệu "người mẹ anh hùng" cho những phụ nữ có từ 7 đến 8 người con. Trường hợp những bà mẹ sinh đôi, sinh ba trở lên cũng được tuyên truyền là điềm lành của đất nước và được Chủ tịch Kim Jong-un trực tiếp đến thăm. Nhằm nhấn mạnh khả năng sinh sản, miền Bắc đã cung cấp thuốc men và thức ăn miễn phí và thậm chí còn ưu tiên bố trí nhà ở cho các bậc cha mẹ sinh hai, sinh ba. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ không chỉ giới hạn ở việc sinh và nuôi dạy con cái.

 

Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh đến việc các bà mẹ cần bước ra xã hội, có nghĩa là họ cần đi làm. Thời điểm đó, miền Bắc cần nhiều lao động do đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhu cầu bổ sung lao động cần thiết bằng lao động nữ trở nên cấp thiết hơn nên hình mẫu phụ nữ đi làm và xuất sắc hoàn thành công việc được đề cao. Mặt khác, phụ nữ cũng có vai trò quán xuyến khu vực sinh sống, chẳng hạn như đi vận động nông thôn vào mùa đồng áng bận rộn hoặc đem thức ăn đến cho những người thợ tại các dự án xây dựng. Từ đó, có thể thấy chính quyền Bắc Triều Tiên nhấn mạnh nhiều vai trò xã hội khác nhau của phụ nữ.

 

Miền Bắc thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ dân chủ Bắc Triều Tiên vào năm 1945, gọi tắt là Hội Phụ nữ. Tại miền Bắc, các bà nội trợ từ 31 đến 55 tuổi bắt buộc phải tham gia Hội Phụ nữ. Đây là một tổ chức dành cho các phụ nữ đã có gia đình, với nhiệm vụ là thực hiện các chính sách của đảng tại nhà, cụ thể là buổi sáng dậy sớm chuẩn bị cơm nước, trên đường đi làm thì tuyên truyền, giúp đỡ chồng đang làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau và hỗ trợ những vật phẩm thiếu yếu. Chính quyền miền Bắc có các khẩu hiệu như giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới, nhưng mục đích thực tế vẫn là huy động lao động phụ nữ. Tất nhiên, kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên không chỉ dành nhiều sự quan tâm cho Ngày của Mẹ mà còn cả những ngày liên quan đến phụ nữ khác như Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Truyền thông nước này đề cao những người phụ nữ tích cực hoạt động trong xã hội và tuyên truyền rằng họ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ đất nước và đảng, nhưng liệu địa vị của phụ nữ Bắc Triều Tiên có được cải thiện như những lời tuyên truyền đó?

 

Tuy tuyên truyền về bình đẳng giới, Bắc Triều Tiên lại không có nửa câu nửa lời về việc đàn ông phải chia sẻ công việc với phụ nữ. Không những phải đảm nhiệm việc nhà, phụ nữ miền Bắc còn phải kiếm sống cho gia đình. Họ ra chợ kiếm tiền nuôi chồng con, là trụ cột trong gia đình, còn nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên lại im bặt về điều này. Ngay từ đầu, chính quyền hoàn toàn nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động của những phụ nữ kiếm tiền tại chợ, cho thấy vai trò của phụ nữ vẫn còn bị đánh giá thấp so với thực tế tại nước này.

 

Phụ nữ ở Bắc Triều Tiên đã thay đổi kể từ giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” vào giữa đến cuối những năm 1990, cũng là lúc nạn thiếu lương thực tồi tệ nhất xảy ra tại nước này. Họ không còn phụ thuộc vào nam giới để kiếm sống và tích cực hoạt động vì sinh kế của gia đình. Nhờ vậy, địa vị của phụ nữ cũng tăng lên tương đối khi chợ tư nhân xuất hiện và duy trì nền kinh tế miền Bắc. Nước này gọi phụ nữ là "Bông hoa của chủ nghĩa xã hội" và "Bông hoa của gia đình". Những người phụ nữ dám thử thách và dám nghĩ dám làm qua các hoạt động thị trường chính là những bông hoa đang chuẩn bị nở rộ. Phải chăng nếu có thêm môi trường phù hợp để họ phát triển, xã hội miền Bắc, vốn đã lấy phụ nữ làm trung tâm, sẽ có một diện mạo khác.

Lựa chọn của ban biên tập