Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa của hoa Jindallae tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-04-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Hoa Jindallae là một loài hoa đỗ quyên và được ví như sứ giả báo hiệu mùa xuân nhờ màu sắc và dáng vẻ tươi tắn. Jindallae còn được gọi là hoa Dugyeon hay Chamkkot. Ở tỉnh Bắc Hamgyong của miền Bắc, loài hoa này còn có tên là hoa Cheonji, không chỉ mọc ở những khu rừng quanh thành phố mà còn mọc ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển và có sức sống mãnh liệt. Vào đầu mùa xuân, hoa nở trước khi lá mọc, phủ lên những ngọn núi trên khắp đất nước những màu sắc đẹp đẽ. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của loài hoa này tại miền Bắc cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.


Hoa Jindallae là loài hoa phát triển tốt ngay cả ở những vùng đất rất cằn cỗi. Tương tự Hàn Quốc, tại Bắc Triều Tiên, loài hoa này cũng có ý nghĩa như sứ giả báo hiệu mùa xuân cho những người đã trải qua một mùa đông khắc nghiệt. Xa hơn nữa, đỗ quyên Jindallae còn là loài hoa xoa dịu cơn đói trong kỳ giáp hạt, tức khoảng thời gian khó khăn khi lương thực tích trữ sắp hết mà lúa lại chưa chín. Hwajeonori, một trò chơi dân gian vào ngày 3/3 âm lịch cũng xuất phát từ hoa Jindallae. Hwajeon là bánh rán hoa, được làm bằng cách nặn bột gạo nếp với hoa Jindallae rồi rán trong dầu. Hương thơm của hoa thấm vào miếng bánh rán, làm tăng hương vị và mỹ quan cho món ăn. Ở miền Bắc, Hwajeonnori được coi là một trò chơi dành cho tầng lớp giàu có trong thời phong kiến trung đại mà người nghèo không thể tận hưởng do không có điều kiện vật chất và thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên, bánh rán hoa Hwajeon là món ăn độc đáo cho mùa xuân, một món bánh lâu đời của dân tộc, trông đẹp mắt, ngon và có mùi thơm.


Trong số phát sóng tháng 6 năm 2000 của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV), những bông hoa Jindallae trên tay những người dân chào đón Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung (1924-2009) và đoàn đại biểu Hàn Quốc sang thăm Bắc Triều Tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã gây được ấn tượng sâu sắc. Có thể dễ dàng bắt gặp đoàn người chào mừng vẫy những bông đỗ quyên hồng tại các sự kiện khác nhau trên các phương tiện truyền thông của miền Bắc. Hoa đỗ quyên Jindallae thường xuất hiện trong các công trình kiến trúc mang tính kỷ niệm tại nước này. 70 bông Jindallae cũng được khắc trên Khải Hoàn Môn, công trình khánh thành vào năm 1982 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung; 1912-1994). Năm 1997, ba năm sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời, tháp Yongseng (Trường Sinh) được xây dựng trên đường Ryomyong của Bình Nhưỡng cũng có họa tiết 82 bông Jindallae, cùng số tuổi của ông Kim khi từ trần. 


Hoa đỗ quyên Jindallae là loài hoa có sức sống mãnh liệt tượng trưng cho người dân. Trong khi đó, hoa mẫu đơn Moran và hoa hồng được cho là loài hoa tượng trưng cho vinh hoa phú quý vì phải được trồng và chăm sóc, hoa Jindallae có thể tự mọc và tự nở. Vì vậy, loài hoa này trở thành thức ăn trong kỳ giáp hạt và còn là thuốc chữa bệnh. Hoa đỗ quyên Jindallae nở dưới chân núi băng giá còn mang ý nghĩa hy vọng mùa xuân ấm áp sẽ sớm đến sau khi vượt qua những thử thách dài và gian khổ của mùa đông. Người ta hay nói Giải phóng đất nước năm 1945 đã đến với những người dân bán đảo Hàn Quốc đang phải chịu đựng gian khổ dưới chế độ thực dân Nhật Bản một cách im hơi lặng tiếng. Hoa Jindallae vốn đã mang ý nghĩa tự nhiên tượng trưng cho cuộc sống con người và là loài hoa nở đầu tiên vào mùa xuân, còn ví như đóa hoa xuân chợt đến đem theo bao hy vọng tràn trề, nay lại gắn với ý nghĩa lịch sử Quốc khánh nên được sử dụng như một biểu tượng rất quan trọng và nhiều tầng nghĩa.


Ở Bắc Triều Tiên, hoa Jindallae còn được coi là loài hoa tượng trưng cho bà Kim Jong-suk, vợ của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và mẹ của cố Chủ tịch Kim Jong-il (1941-2011). Cùng với hai người này, bà được gọi là một trong ba đại tướng quân của núi Baekdu (Bạch Đầu). Được biết, bà Kim Jong-suk sinh năm 1917 tại thành phố Hoeryong, tỉnh Bắc Hamgyong. Việc bà Kim đã cùng chồng tham gia phong trào chống thực dân Nhật cũng được miền Bắc nhấn mạnh qua các bộ phim, chẳng hạn như bộ phim “Bên bờ sông Duman” (Đậu Mãn) phát hành năm 2003. Bà Kim qua đời năm 1949 ở độ tuổi đầu 30 và được Bình Nhưỡng nỗ lực thần tượng hóa bằng cách phát hành đồng xu kỷ niệm và sản xuất các chương trình liên quan vào năm 2017, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà. Mặt khác, bức tranh thêu “Hoa Jindallae của Tổ quốc” được bà Kim Jong-suk hoàn thành trong thời kỳ đấu tranh vũ trang chống thực dân Nhật trên núi Baekdu được coi là một tác phẩm mang tính kỷ niệm ở Bắc Triều Tiên. 


Mối liên hệ giữa bà Kim Jong-suk và hoa Jindallae được khắc họa toàn diện qua văn học. Trong đó, tác phẩm tiêu biểu là loạt tiểu thuyết "Trên con đường trung thành" được Nhóm sáng tác văn học 15/4 xuất bản, kể về những thành tựu cách mạng của bà Kim. Cụ thể, phần 5 mang tên “Jindallae” đã đề cập đến các phong trào của bà Kim Jong-suk từ năm 1938-1939. Khi đó, bà Kim từ một thành viên trong tổ chức của ông Kim Nhật Thành đã trở thành du kích chống Nhật và là thành viên đội may vá và đội bếp núc. Cuốn sách đã mô tả quá trình bà Kim Jong-suk cứu sống ông Kim Nhật Thành. Tức trước khi trở thành vợ ông Kim, bà Kim Jong-suk đã được phác họa là một chiến binh tôn thờ và trung thành với vị cố Chủ tịch. Hoa đỗ quyên Jindallae đã được thêm vào để xây dựng hình ảnh cho bà Kim. 


Được biết, cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il đã từng chia sẻ hoa Jindallae là loài hoa yêu thích của mẹ ông. Năm 1962, ông Kim Jong-il đã viết một bài thơ mang tên loài hoa này. Dưới đây là phần dịch nghĩa một đoạn của bài thơ:

Kể cả vào cuối mùa xuân, với những câu chuyện

Hoa Jindallae nở trên núi sông nắng rực rỡ 

Đó có phải là điều mẹ sẽ không bao giờ quên?

Jindallae, Jindallae của Bắc Triều Tiên~            

Tại miền Bắc, bài thơ này được coi là một kiệt tác cổ điển bất hủ, chỉ các tác phẩm văn hóa nghệ thuật do nhà lãnh đạo sáng tác mà mọi người dân phải học và ghi nhớ. 


Người dân Bắc Triều Tiên cho dù không biết đến bài thơ “Hoa Jindallae” của nhà thơ nổi tiếng Kim So-wol thì cũng sẽ biết đến bài thơ trên của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Bài thơ được cho là những hồi tưởng của ông Kim về mẹ và loài hoa đỗ quyên này. Khi bà Kim Jong-suk về nước cùng ông Kim Nhật Thành, bà đã rơi nước mắt cảm động và thứ đầu tiên bà ôm lấy chính là bông Jindallae đỏ. Ông Kim Jong-il nhớ rằng cha mình đã nhận hoa do bà Kim tặng và nói rằng hoa Jindallae của Bắc Triều Tiên càng nhìn càng thấy đẹp. Vì vậy, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã trồng cây Jindallae mà mẹ ông yêu thích khi còn sống trước mộ của bà và sáng tác nên bài thơ lấy tên loài hoa này chan chứa bao tình cảm. Qua đây, có thể nói hình ảnh Kim Jong-suk, nữ anh hùng kháng Nhật có nỗi nhớ quê hương không nguôi với những bông đỗ quyên đỏ rực đã được khắc họa cụ thể và sâu đậm hơn.


Bắc Triều Tiên có nhiều tác phẩm nghệ thuật đa dạng về hoa Jindallae, không chỉ trong văn học mà còn trong phim ảnh, phim truyền hình và múa. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất là "Jindallae của Tổ quốc" do Đoàn nghệ thuật Mansudae sáng tác năm 1970, được coi là một trong 4 vở múa kiệt tác của miền Bắc. Đây là một tác phẩm múa ấn tượng với hình ảnh các vũ công biểu diễn với bông hoa đỗ quyên Jindallae trên cả hai tay, mô tả niềm tin của các nữ du kích vào cuộc cách mạng trong bối cảnh Chủ tịch Kim Nhật Thành tiến quân vào huyện Musan ở tỉnh Bắc Hamgyong năm 1939.


Khi nhắc về hoa Jindallae thì chắc hẳn quen thuộc nhất với người dân Hàn Quốc vẫn là bài thơ lấy tên loài hoa này của nhà thơ Kim So-wol. Bài thơ ra mắt năm 1922, trong đó nhắc đến Yongbyon, một huyện ở phía Đông Nam tỉnh Bắc Pyongan. Cái tên Yongbyon giờ đây được cho là nơi miền Bắc đặt nhà máy hạt nhân, các cơ sở sản xuất plutonium nguy hiểm. Thế nhưng, hơn 100 năm trước, các nhà thơ đã ngâm thơ về hoa Jindallae trên núi Yaksan (Dược Sơn) tại đây. 


Núi Yaksan ở huyện Yongbyon được gọi là Dược Sơn vì có nhiều thảo mộc và nước khoáng. Vào mùa xuân, hoa Jindallae mọc trong các khe đá ở ngọn núi này và đã trở thành một cảnh quan nổi tiếng gần đó. Có thể đây là nguồn cảm hứng để nhà thơ Kim So-wol sáng tác bài thơ “Hoa Jindallae” thể hiện chủ đề chia ly tại núi Yaksan. Núi Yaksan ở Yongbyon có hình dạng tự nhiên giống một cái lu vì được bao quanh bởi các ngọn núi khác. Nhà máy điện hạt nhân Yongbyon được xây dựng gần núi này có lẽ vì đây là một vùng trọng điểm khó có thể quan sát được bằng vệ tinh nhân tạo. Tuy trớ trêu về mặt lịch sử nhưng điều này cho thấy quyết định lợi dụng địa hình tự nhiên của miền Bắc.


Bài thơ “Hoa Jindallae” được nhà thơ Kim So-wol phát hành vào năm 1922 nhưng cho đến nay vẫn là một trong những bài thơ được nhiều người Hàn Quốc yêu thích và thuộc lòng. Hiện tại, hoa Jindallae đã bắt đầu nở ở miền Nam, đang từ từ lan qua miền Trung để đến miền Bắc. Hy vọng, một ngày không xa, người dân hai miền Nam-Bắc có thể cùng ngắm hoa Jindallae khi nhâm nhi ly rượu hoa đỗ quyên Dugyeonju cùng miếng bánh rán hoa Hwajeon và ngâm thơ Kim So-wol.

Lựa chọn của ban biên tập