Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tầng lớp trung lưu tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-04-05

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trên thực tế, tiêu chuẩn để định nghĩa tầng lớp trung lưu vẫn còn rất mơ hồ. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phân loại tầng lớp trung lưu là tầng lớp có mức thu nhập thuộc mức 75%-200% thu nhập trung vị của cả nước. Điều thú vị là ở một đất nước xã hội chủ nghĩa luôn tuyên truyền về sự bình đẳng như Bắc Triều Tiên cũng có tầng lớp trung lưu. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về tầng lớp trung lưu của miền Bắc cùng tiến sĩ Jeong Eun-mee đến từ Viện nghiên cứu thống nhất, người gần đây đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu mang tên "Tầng lớp trung lưu tại Bắc Triều Tiên".


Theo dữ liệu khảo sát của các tổ chức quốc tế và kết quả thăm dò từ những người tị nạn Bắc Triều Tiên, các hộ gia đình có thu nhập từ 100-150 USD một tháng được xác định thuộc tầng lớp trung lưu tại miền Bắc. Với các hộ gia đình thuộc tầng lớp thấp hơn, tỷ lệ chi tiêu cho ăn uống luôn chiếm hơn 50% thu nhập, nhưng ở tầng lớp trung lưu, chi tiêu cho thực phẩm chiếm dưới 50%, còn chi phí cho đời sống văn hóa, mua sắm quần áo thì chiếm tỷ trọng cao hơn, và họ sẽ tiết kiệm khoảng 10% thu nhập để chuẩn bị cho tương lai. Theo những người tị nạn miền Bắc, tivi, đài cát-sét, xe đạp là những mặt hàng tiêu dùng phổ biến tại nước này, nhưng tầng lớp trung lưu thì ngoài ba mặt hàng nói trên, họ cũng sở hữu tủ lạnh, máy giặt, máy tính và điện thoại di động nhiều hơn so với tầng lớp thấp.


Đại bách khoa toàn thư Bắc Triều Tiên xuất bản năm 2000 định nghĩa tầng lớp trung lưu là tầng lớp xã hội sản xuất sản phẩm nhỏ, sống tương đối khá giả nhờ vào công cụ sản xuất và lao động cá nhân. Tầng lớp này xuất hiện vào thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” giữa thập niên 1990, khi người dân miền Bắc đang trên bờ vực sinh tồn đã lập ra chợ tự phát và có cơ hội tích góp của cải. Khi thị trường được mở rộng, một tầng lớp giàu có mới nổi mang tên Donju (có nghĩa là “chủ tiền”) xuất hiện, hình thành nên tầng lớp trung lưu với xu hướng tiêu dùng đặc biệt. 


Sau giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ”, quá trình thị trường hóa tự phát là cơ hội để một nhóm người thu được của cải đáng kể. Nhóm người này nổi lên về mặt tiêu dùng và sản xuất, hình thành nên tầng lớp trung lưu. Ngoài sự thay đổi trong môi trường kinh tế thông qua mở rộng thị trường, chính sách của miền Bắc cũng đóng một vai trò trong sự xuất hiện và tăng trưởng của tầng lớp trung lưu. Trong đó, phải kể đến việc khi lên nắm quyền, chính quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un áp dụng hệ thống quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Từng đơn vị kinh tế tư nhân được cho phép kinh doanh tự do. Một trong những điều quan trọng trong cơ cấu kinh doanh tự do là cho phép sử dụng vốn tư nhân để điều hành doanh nghiệp. Và điều này giúp các Donju tham gia vào đầu tư, từ đó tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Vì vậy, có thể kết luận sự thay đổi trong môi trường kinh tế và chính sách quốc gia đã đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển của tầng lớp trung lưu.


Tiến sĩ Jeong Eun-mee chia tầng lớp trung lưu ở Bắc Triều Tiên thành ba loại, là quyền lực, chuyên môn và thương mại. Trong đó, tầng lớp trung lưu quyền lực là một nhóm các cán bộ hoặc quản lý cấp trung và cấp thấp, tích góp của cải bằng cách sử dụng địa vị hoặc quyền hạn trong đảng Lao động, chính quyền và quân đội. Tầng lớp trung lưu chuyên môn là những người đã hoàn thành bậc giáo dục cao cấp để có được kiến thức và kỹ năng đặc biệt. Họ thường có xuất thân bình thường nhưng đã tích góp được của cải nhờ học lực, chủ yếu hoạt động trong trong các lĩnh vực giáo dục, kỹ thuật, y tế và nghệ thuật. Loại thứ ba, tầng lớp trung lưu thương mại, có phạm vi lớn nhất, bao gồm công nhân, nội trợ và người về hưu. Những người này dành phần lớn thời gian cho các hoạt động thương mại và sống nhờ thu nhập qua các hoạt động này. 


Tầng lớp trung lưu quyền lực thường có xuất thân tốt thì mới có thể trở thành cán bộ. Họ có thu nhập chủ yếu nhờ nhận hối lộ bằng cách dùng địa vị quyền lực để can thiệp vào lợi ích, quyết định quyền tiến cử nhân sự. Tầng lớp trung lưu chuyên môn lại có đặc điểm thu thập được của cải thông qua việc trở thành giáo viên, bác sĩ và nhà khoa học kỹ thuật rồi sử dụng kiến thức và kỹ thuật cho các hoạt động kinh tế tư nhân. Riêng tầng lớp trung lưu thương mại thì do phải tránh sự kiểm soát và các quy định của chính quyền nên việc hợp tác với tầng lớp trung lưu có quyền lực là rất quan trọng. Vì vậy, đặc trưng của tầng lớp này là hình thành một mối quan hệ cộng sinh bằng cách thường xuyên hối lộ tầng lớp trung lưu quyền lực.


Trên thực tế, tầng lớp trung lưu là một tầng lớp xã hội đã được chú ý từ những ngày đầu của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Bắc Triều Tiên. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung; 1912-1994) có chủ trương tăng năng suất làm việc để mọi người dân đều được hưởng mức sống của tầng lớp trung lưu và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà cố Chủ tịch Kim theo đuổi là tất cả người dân đều được sống trong nhà lợp ngói, mặc quần áo lụa, ăn canh thịt với cơm trắng. Lập trường chính sách này là nguyên nhân Chủ tịch Kim Jong-un, cháu nội của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, đưa ra khẩu hiệu "Xây dựng Nhà nước văn minh xã hội chủ nghĩa" kể từ khi lên nắm quyền. Lối sống và văn hóa tiêu dùng của tầng lớp trung lưu dưới thời Kim Jong-un được cho là đã thay đổi so với trước đây. 


Thời đại cố Chủ tịch Kim Jong-il (1942-2011) là thời kỳ Bắc Triều Tiên vừa chấm dứt “cuộc hành quân gian khổ” nên rất coi trọng về “số lượng”, cụ thể như một người có thể ăn bao nhiêu gạo, mua bao nhiêu quần áo. Ngược lại, “chất lượng” lại trở thành một tiêu chuẩn quan trọng dưới thời ông Kim Jong-un, chẳng hạn cơm ngon thế nào, quần áo phong cách thời trang ra sao. Bên cạnh đó, việc mua bán nhà ở tư nhân đã phổ biến từ thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. Đến thời Chủ tịch Kim Jong-un, có thể thấy tiêu chuẩn đời sống sinh hoạt đã thay đổi khi người dân bắt đầu phô trương mức sống của mình bằng cách trang trí nhà cửa. Việc bản thân có hình ảnh như thế nào trong mắt người khác đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong lối sống tiêu dùng.


Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, miền Bắc đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất cho tầng lớp trung lưu. Trong đó, đa số người dân ưa chuộng các cơ sở thương mại lớn, tiệm bánh, nhà hàng, cơ sở thể thao và giải trí, tiệm làm đẹp. Ngoài các cơ sở này, các quán cà phê thuê nhân viên pha chế chuyên nghiệp và các nhà hàng chuyên về bánh pizza, mì Ý hay sushi cũng đang phát triển mạnh tại Bắc Triều Tiên. Có vẻ như chính quyền miền Bắc đang tích cực thúc đẩy ngành dịch vụ hướng đến tầng lớp trung lưu có nhu cầu tiêu dùng cao. 


Một khi đảm bảo được nhu cầu ăn, mặc, ở, con người sẽ bắt đầu có nhu cầu về văn hóa và tiêu dùng. Các dự án xây dựng dưới chính quyền Kim Jong-un trong 10 năm qua đã tập trung vào việc mở rộng các cơ sở giải trí và nghỉ dưỡng, bao gồm khu nghỉ dưỡng suối nước nóng, Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong (thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon) và Trường cưỡi ngựa Mirim (Bình Nhưỡng). Đây đều là những dịch vụ đắt đỏ được mở ra nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu. Các công trình văn hóa này đã thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và thu được không ít lợi nhuận từ người tiêu dùng nên sẽ còn được tiếp tục xây dựng thêm trong tương lai.


Trong khi thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu Bắc Triều Tiên ngày càng đa dạng, phong cách Hàn Quốc đang là một xu hướng mới tại đây. 


Càng là tầng lớp thượng lưu thì càng theo dõi nhiều phim truyền hình Hàn Quốc. Tuy nhiên, phải có năng lực kinh tế thì mới có thể học theo phong cách trong phim, chẳng hạn một kiểu tóc Hàn Quốc cũng có thể tốn hơn 10-30 USD. Vì vậy, những người này có thể khoe khoang về việc gia đình đã từng xem phim Hàn Quốc. 


Miền Bắc vốn luôn nhấn mạnh về phong cách ăn mặc thanh lịch phù hợp với thuần phong mỹ tục xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bất chấp các quy định này, xu hướng thời trang và kiểu tóc của Hàn Quốc đang được tầng lớp trung lưu ở nước này yêu thích. 


Phần lớn dân số Bắc Triều Tiên đã được thưởng thức nội dung văn hóa Hàn Quốc nên rất quan tâm đến môi trường sống, thời trang và phụ kiện xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình miền Nam. Sự quan tâm sâu sắc này không chỉ đơn thuần dừng lại ở mức tiêu thụ nội dung văn hóa mà còn được phản ánh trên thị trường. Chẳng hạn, quần áo phong cách Hàn Quốc đã được sản xuất và bán ra tại chợ, phản ánh việc nhu cầu về những sản phẩm này tăng lên. Hiện tượng này có thể gây bất lợi cho việc duy trì thể chế. Sau Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 tổ chức năm 2016, chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un đã tăng cường nhổ tận gốc các hành vi phi xã hội chủ nghĩa và chống chủ nghĩa xã hội, đồng thời ban hành nhiều luật liên quan. Mục đích chính là để ngăn làn sóng Hàn Quốc Hallyu du nhập vào đất nước và ảnh hưởng đến người dân, cho thấy Hallyu đã thâm nhập sâu vào cuộc sống của người dân nước này, góp phần tạo nên tiêu chuẩn cho lối sống của họ.


Bắc Triều Tiên hiện đang phải hứng chịu nạn thiếu lương thực do thiên tai. Tệ hơn nữa, các biện pháp trừng phạt quốc tế và đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19 đã đẩy đất nước vào tình thế khó khăn hơn. Kết quả là toàn xã hội miền Bắc đang đối mặt với một sự thay đổi lớn, trong đó có thể kể đến sự thu hẹp của tầng lớp trung lưu do dịch COVID-19. 


Tầng lớp trung lưu tại miền Bắc bắt nguồn từ thị trường và tiêu dùng. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đang trì trệ do đại dịch. Xuất nhập khẩu là một trong các phương tiện gia tăng của cải, nhưng việc đóng cửa biên giới do đại dịch đã giới hạn các nguồn tài nguyên chỉ có thể lưu thông trong nước. Vốn thặng dư giảm và cạnh tranh ngày càng nghiêm trọng khiến cho một số tầng lớp bị tụt hậu, bắt đầu từ những nhóm người có mối liên kết yếu với giai cấp có thế lực chính trị. Kết quả là tầng lớp trung lưu thu hẹp lại và toàn bộ xã hội Bắc Triều Tiên có thể sẽ mất đi sự năng động.


Sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại Bắc Triều Tiên trong 20 năm qua là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy những thay đổi trong xã hội nước này. Có thể thấy mô hình tiêu dùng của người dân miền Bắc với trung tâm là tầng lớp trung lưu cũng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, việc tầng lớp trung lưu đang suy giảm gây ra lo ngại sẽ làm sâu sắc thêm sự phân chia giai cấp và bất bình đẳng trong xã hội Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập