Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quảng trường Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-02-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup Qatar 2022 vừa qua, người dân Hàn Quốc đã tụ tập để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá quốc gia vào lúc bình minh bất chấp thời tiết lạnh dưới 0 độ C tại Quảng trường Gwanghwamun. Nơi đây là một quảng trường nằm phía trước cổng Gwanghwamun (Quang Hóa Môn), cổng chính của Cung điện Gyeongbok (Cảnh Phúc) ở thủ đô Seoul và là đại lộ trung tâm nơi có các cơ quan quan trọng của Nhà nước triều đại Joseon (1392-1910). Hiện tại, Quảng trường Gwanghwamun là nơi bảo tồn và gìn giữ rãnh nước lịch sử dài 212 mét, Đài phun nước Hangeul biểu thị các nguyên lý tạo ra chữ Hàn Hangeul, di tích Saheonbu (Ty Hiến Phủ, nơi điều tra của quan lại triều đại Joseon), vốn được khai quật trong quá trình xây dựng quảng trường. Ngoài ra, Quảng trường Gwanghwamun còn có nhiều khu vực nghỉ ngơi và cây xanh, vì vậy đây là nơi yêu thích hay lui tới của nhiều người dân. Vườn sách Gwanghwamun cũng dự kiến khai trương trong thời gian tới. Với hậu cảnh là Cung điện Gyeongbok và núi Inwang, người dân có thể thoải mái tìm nơi thư giãn và đọc sách ngoài trời tại quảng trường. Nếu Hàn Quốc có Quảng trường Gwanghwamun thì ở Bắc Triều Tiên có Quảng trường Kim Nhật Thành cũng nổi tiếng không kém. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quảng trường này cùng giáo sư Lim Dong-woo của Khoa kỹ thuật đô thị tại Đại học Hongik.

 

Từ điển định nghĩa “quảng trường” là một nơi mà nhiều người có thể gặp gỡ hoặc tụ tập cùng nhau. Tuy nhiên, tại các nước xã hội chủ nghĩa, “quảng trường” mang một ý nghĩa khác.

 

Chủ nghĩa xã hội có nguyên tắc cơ bản khi xây dựng xã hội là truyền đạt sự giác ngộ, giáo dục và tuyên truyền tới người dân. Vì vậy, khi xây dựng một thành phố xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng quảng trường để làm nơi tập hợp và tuyên truyền tới người dân là vô cùng quan trọng. Đó là lý do tại sao đây không chỉ là một không gian để tổ chức sự kiện.

 

Vì quảng trường có ý nghĩa và vai trò rất lớn tại một đất nước xã hội chủ nghĩa nên việc xây dựng quảng trường được coi là một nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền Bắc Triều Tiên kể từ những ngày đầu thành lập. Vì vậy, sau khi bán đảo Hàn Quốc giành được độc lập, miền Bắc đã chuyển đổi khoảng không gian mặt tiền của tòa thị chính thuộc phủ Bình Nhưỡng (tên gọi của Bình Nhưỡng thời thực dân Nhật) thành một quảng trường để sử dụng. Trong quá trình phục hồi sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào những năm 1950, Quảng trường Kim Nhật Thành đã được xúc tiến xây dựng một cách toàn diện.

 

Trong thời kỳ thực dân Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc, Bình Nhưỡng không có quảng trường hay thậm chí là một con phố để người dân đến vui chơi trò chuyện như khu phố Jongnotong tại Seoul (năm 1910). Tuy nhiên, trong quá trình miền Bắc phục hồi sau chiến tranh, các kỹ sư và chuyên gia đô thị từ Đông Âu và Nga đã đến giúp nước này xây dựng thành phố và lần đầu tiên giới thiệu về khái niệm “quảng trường” tại đây. Quảng trường đã có mặt trong các bản kế hoạch tái thiết đất nước vào những năm 1950, vốn được thiết kế bởi kiến trúc sư Kim Jung-hui, khi đó đang du học ở Nga. Trong thời kỳ này, khái niệm “quảng trường” du nhập vào Bắc Triều Tiên với ý nghĩa như một biểu tượng quốc gia. Trong chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy, Quảng trường Kim Nhật Thành đã trở thành điểm tham chiếu để tái thiết thành phố, bắt đầu từ sửa chữa đường sá, xem xét và khôi phục các tòa nhà xung quanh nơi đây.

 

Tương tự Quảng trường Đỏ ở Matxcơva, Nga và Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Quảng trường Kim Nhật Thành là địa điểm tượng trưng cho Bắc Triều Tiên, Miền Bắc tuyên truyền nơi đây tô điểm cho Bình Nhưỡng, thủ đô của cuộc cách mạng, trở nên hùng tráng, hoa lệ hơn và thể hiện sự uy dũng của tư tưởng Juche (Chủ thể). Quảng trường Kim Nhật Thành nằm dưới chân núi Namsan ở Bình Nhưỡng, được xây dựng vào năm 1954. Nơi đây rộng 75.000 m2 và có sức chứa khoảng 100.000 người, bao gồm Quảng trường chính hình chữ nhật được bao bọc bằng đá hoa cương, Quảng trường phụ và Lễ đài Chủ tịch để treo ảnh chân dung các đời Chủ tịch nhà họ Kim. Hiện nay, Quảng trường Kim Nhật Thành có Đại học tập đường Nhân dân ở phía trước, phía đối diện là sông Daedong (Đại Đồng) và nhìn sang là tháp Juche (Chủ thể). Và xung quanh quảng trường là khu phức hợp tòa nhà Chính phủ, tòa nhà Bộ Ngoại giao, Bảo tàng lịch sử trung ương Bắc Triều Tiên, Bảo tàng nghệ thuật Bắc Triều Tiên và Trung tâm thương mại số một Bình Nhưỡng. Bố cục này đã được thiết kế và hoàn thành xây dựng trong một thời gian dài. Theo bức ảnh được chụp tại trung tâm thành phố Bình Nhưỡng năm 1961, trung tâm quảng trường khi đó trống không, chỉ có một bục ở trung tâm để quan sát diễu hành.

 

Trong quá khứ, khi cuộc cách mạng đang diễn ra, vì chưa có mạng xã hội và internet, cần có một quảng trường có khả năng tập hợp hàng chục nghìn người dân để phát biểu và truyền bá triết lý. Do đó, lý thuyết về các thành phố xã hội chủ nghĩa dựa trên điều này. Tiếp nhận điều này, Bình Nhưỡng coi Lễ đài Chủ tịch là một địa điểm rất quan trọng và trên hết, việc các lãnh tụ diễn thuyết, người dân nghe và truyền bá lại được coi là quá trình giác ngộ của xã hội.

 

Sau sinh nhật lần thứ 70 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1982, Tháp Juche, tượng trưng cho tư tưởng Chủ thể và sự vĩ đại của cố Chủ tịch Kim đã được khánh thành. Công trình này bao gồm phần đế bằng đá hoa cương trắng cao 150m và tháp đèn hiệu hình ngọn đuốc cao 20m cùng một đài quan sát có thể đi lên bằng thang máy. Nơi đây là một trong những địa danh nổi tiếng của thành phố Bình Nhưỡng.

 

Tháp Juche nằm phía đối diện với Quảng trường Kim Nhật Thành thực tế đã có trong quy hoạch tổng thể của thành phố từ những năm 1950, cho thấy Bình Nhưỡng đã được xây dựng trong khoảng thời gian hàng chục năm theo quy hoạch này. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng để trở thành biểu tượng cho chính sách “thần tượng hóa” lãnh đạo và tư tưởng Chủ thể vào những năm 1980.

 

Cùng năm đó, Đại học tập đường Nhân dân, tòa nhà tương ứng với Thư viện trung ương quốc gia Hàn Quốc, được hoàn thành ở phía trước Quảng trường Kim Nhật Thành. Đây là một tòa nhà 10 tầng với mái ngói có kết cấu vì kèo, hoàn thành diện mạo của Quảng trường Kim Nhật Thành như hiện tại.

 

Bình Nhưỡng không phải là một thành phố lấy trung tâm là phần cao nhất, mà là một đô thị được xây dựng bắt đầu từ quảng trường trở ra. Vào những năm 1960, các tòa nhà Chính phủ và cơ sở văn hóa đã được xây dựng, biến Quảng trường Kim Nhật Thành thành một khu phức hợp. Vào những năm 1980, Đại học tập đường Nhân dân được hoàn thành, cùng với Tháp Juche được xây dựng bên kia sông Đại Đồng, mở rộng khoảng không gian của quảng trường vượt qua con sông này, nhằm nhấn mạnh thêm về chức năng làm trung tâm thành phố của nơi đây. Đại học tập đường Nhân dân là một công trình kiến trúc hoành tráng nhưng vẫn đóng vai trò làm nền để Quảng trường Kim Nhật Thành có thể trở thành một nhà hát ngoài trời.

 

Năm 1996, cột mốc số 0, cột mốc đánh dấu điểm khởi đầu của quốc gia và của mạng lưới đường bộ ở Bắc Triều Tiên, đã được chuyển đến Lễ đài Chủ tịch tại Quảng trường Kim Nhật Thành. Quảng trường cũng là nơi tổ chức các sự kiện quy mô lớn quan trọng của quốc gia, lễ đón năm mới hàng năm và các cuộc duyệt binh được tổ chức vào các ngày lễ kỷ niệm khác nhau. Đây cũng là nơi tổ chức các sự kiện quy mô lớn như mít tinh chỉ trích chính sách thù địch của Mỹ và cam kết thực hiện các quyết định của Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động. Năm 2017, một “lễ tiến công” đã được tổ chức, đưa hàng trăm máy kéo và xe tải đến vùng sản xuất. Ngoài ra, Quảng trường Kim Nhật Thành còn là nơi tổ chức vũ hội vào các ngày lễ như Tết Thái Dương và Tết Thanh niên. Nói tóm lại, Quảng trường Kim Nhật Thành chính là địa điểm tổ chức Đại hội đảng, lễ kỷ niệm thành lập chính quyền, lễ tưởng niệm các nhà lãnh đạo tối cao, các sự kiện chính trị và văn hóa lớn, các cuộc biểu tình chống Mỹ và thù địch đối với Hàn Quốc và duyệt binh.

 

Khi nhắc đến quảng trường của Bắc Triều Tiên, thường người ta chỉ nghĩ đến Quảng trường Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, quảng trường đóng vai trò là một không gian mang tính biểu tượng tại miền Bắc nên được xây dựng không chỉ ở Bình Nhưỡng mà còn ở các thành phố trọng yếu.

 

Quảng trường đóng một vai trò rất quan trọng ở các thành phố xã hội chủ nghĩa, vì vậy hiện nay ở các thành phố lớn nhỏ của Bắc Triều Tiên đều có công trình này. Có trường hợp quảng trường được xây dựng ở trung tâm, xung quanh là giảng đường học tập, thư viện, nhà hát hay cơ sở văn hóa, cũng có trường hợp quảng trường được xây với trung tâm là bức tượng của hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Chẳng hạn, quảng trường của thành phố Hamhung (tỉnh Nam Hamgyong) tập trung vào các tòa nhà, còn quảng trường lớn nhất của thành phố Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan) lại là quảng trường xây xung quanh nhà ga Sinuiju. Phong cách đô thị cũ này vẫn được thể hiện trong quy hoạch tổng thể mới của khu vực Sonbong (thành phố Rason) và thành phố Chongjin, đều thuộc tỉnh Bắc Hamgyong, với các quảng trường đặt tượng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.

 

Chủ tịch Kim Jong-un đã tận dụng tốt các chức năng của Quảng trường Kim Nhật Thành. Chẳng hạn, ông Kim đã cùng cha mình là cố Chủ tịch Kim Jong-il đứng tại Lễ đài Chủ tịch để thị sát cuộc diễu binh của Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên vào Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng Lao động 10/10/2010. Đây là một sự kiện chính trị nhằm công bố sự kế vị quyền lực của ông Kim Jong-un với các thế lực trong và ngoài nước. Năm 2012, Quảng trường Kim Nhật Thành cũng là sân khấu diễn thuyết đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền. Tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động vào năm 2020 được tổ chức vào đêm muộn, Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi lời xin lỗi tới người dân và khóc, một động thái chưa từng thấy trước đây, đánh dấu một sự chuyển đổi trong cách giữ gìn phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao miền Bắc. Như vậy, Quảng trường Kim Nhật Thành giữ vai trò trở thành biểu tượng chính trị ở Bắc Triều Tiên.

 

Vì đây là nơi tổ chức các sự kiện quốc gia, các bài giảng của các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, Kim Jong-il và Kim Jong-un, cách truyền thông phản ánh và sử dụng Quảng trường Kim Nhật Thành sẽ tiếp tục là khía cạnh khiến Bắc Triều Tiên phải đau đầu. Quảng trường này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn về đối ngoại và cả đối nội, đồng thời được dự kiến sẽ liên tục có nhiều thay đổi. Dựa vào những thay đổi ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, quảng trường tại miền Bắc được dự đoán sẽ xuất hiện thêm các cơ sở thương mại và trở thành địa điểm tụ tập của nhiều người hơn. Vì vậy nhiều khả năng các tòa nhà Chính phủ và cơ sở văn hóa sẽ đảm nhận các chức năng khác.

 

Tháng 9 năm ngoái, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã nêu bật ý nghĩa của Quảng trường Kim Nhật Thành khi đưa tin về các sự kiện khác nhau được tổ chức tại đây trong hơn 70 năm. Nhìn lại lịch sử của quảng trường này được cho là một động thái nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ. Chúng ta hãy cùng chờ xem Quảng trường Kim Nhật Thành, với ý nghĩa biểu tượng to lớn của mình, sẽ đóng vai trò chính trị, xã hội và văn hóa nào tại miền Bắc trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập