Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các đội tuyển thể thao liên Triều

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-12-28

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Giải vô địch bóng bàn thế giới dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Busan, Hàn Quốc vào tháng 2/2024. Sự kiện lần này đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc đăng cai Giải vô địch bóng bàn thế giới với khẩu hiệu "Một bàn, một thế giới" (One table, one world) mang ý nghĩa “Thế giới hòa làm một cùng bóng bàn”. Giải vô địch bóng bàn Pingpong do báo Gyeongseong Ilbo (Nhật báo Gyeongseong) tổ chức vào tháng 1/1924 được cho là khởi đầu của nền bóng bàn Hàn Quốc, vì vậy năm 2024 cũng là một năm có ý nghĩa đánh dấu kỷ niệm 100 năm lịch sử bóng bàn Hàn Quốc. Đặc biệt, nhiều người kỳ vọng đội tuyển bóng bàn liên Triều gồm các tuyển thủ đến từ hai miền Nam-Bắc sẽ được thành lập cho sự kiện lần này vì điều này đã từng xảy ra trong quá khứ. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu lịch sử các đội tuyển thể thao liên Triều với tiến sĩ Heo Jeong-pil đến từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên học thuộc Đại học Dongguk.

 

Hai miền Nam-Bắc thuộc cùng một dân tộc Hàn có cùng ngôn ngữ và văn hóa, tuy nhiên đang ở trong tình trạng bị chia cắt nên người dân hai nước không có cơ hội giao lưu và nói chuyện cùng nhau. Mặc dù vậy, qua việc thành lập một đội thể thao liên Triều, các vận động viên hai miền có thể giao lưu để cùng nhau hướng về một mục đích chung, từ đó cho thấy ý thức về một dân tộc Hàn thống nhất. Thể thao mang đầy tính cạnh tranh nên thông qua quá trình cùng tham gia thi đấu và cổ cũ cho đội tuyển liên Triều tại các sân chơi quốc tế, sự đồng cảm và bản sắc của dân tộc Hàn có thể được khôi phục. Đặc biệt, điều này sẽ trở thành một ví dụ tiêu biểu cho hợp tác hòa bình liên Triều và thúc đẩy thời kỳ hòa bình và thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Khi nhắc đến đội tuyển liên Triều, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến đội tuyển khúc côn cầu trên băng liên Triều tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Vào thời điểm đó, hai vận động viên Park Jong-ah (Hàn Quốc) và Jong Su-hyon (Bắc Triều Tiên) đã cùng trở thành người cầm đuốc cho sự kiện và gây ấn tượng mạnh với người dân trên toàn thế giới. Trên thực tế, hai nước đã bắt đầu các cuộc thảo luận về đội tuyển chung liên Triều vào năm 1963, trước khi Thế vận hội Olympic lần thứ 18 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Nguyên nhân là do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có quy định mỗi nước chỉ có thể có duy nhất một Ủy ban Olympic quốc gia (NOC) nên Bắc Triều Tiên không thể đơn phương tham gia Thế vận hội. Tuy nhiên, đội tuyển liên Triều vẫn chưa được thành lập vào thời điểm đó.

 

Có thể nói cuộc thảo luận về đội tuyển liên Triều được bắt đầu vì mục đích chính trị của Bắc Triều Tiên. Năm 1947, Hàn Quốc được chấp nhận trở thành thành viên IOC tại cuộc họp Đại hội đồng IOC ở thành phố Stockholm, Thụy Điển. Do đó, Hàn Quốc có thể tham gia IOC với tư cách là đại diện của bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Triều Tiên đã đề xuất thành lập đội tuyển liên Triều trong cuộc họp Đại hội đồng IOC ở thành phố Lausanne, Thụy Sỹ để giành quyền tham gia IOC, lấy tiền lệ là Đông Đức cũng từng được quyền tham gia tổ chức này nhờ thành lập đội tuyển chung với Tây Đức vào năm 1956. Vì vậy, các hội nghị cấp chuyên viên về thể thao giữa hai miền Nam-Bắc đã được tổ chức tại thành phố Lausanne và Hong Kong. Cuối cùng, tại cuộc họp Đại hội đồng IOC diễn ra năm 1963 ở thị trấn Baden-Baden, Tây Đức, Bắc Triều Tiên đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.

 

Tháng 1/1964, Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đơn phương tham gia Thế vận hội mùa đông ở thành phố Innsbruck, Áo. Trước Thế vận hội 1984 tại thành phố Los Angeles, Mỹ, ba cuộc đàm phán liên Triều về thể thao đã được tổ chức với mục đích thành lập một đội tuyển chung nhưng dự định này đã bị hủy bỏ do Bắc Triều Tiên cùng các quốc gia ở phía Đông quyết định tẩy chay sự kiện này trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trước Thế vận hội Seoul 1988, các cuộc đàm phán về việc thành lập đội tuyển liên Triều lại một lần nữa được tổ chức dưới sự giám sát của IOC, nhưng cuối cùng miền Bắc lại không tham dự Thế vận hội và dự định này lại một lần nữa thất bại. Sau đó, trước thềm Đại hội thể thao châu Á Asiad 1990 tại Bắc Kinh, các cuộc thảo luận về đội tuyển liên Triều lại được tổ chức.

 

Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa với trung tâm là Liên Xô vào những năm 1990 đã có tác động rất lớn đến chính quyền xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên. Vì vậy, vào thời điểm đó, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã tích cực sử dụng thể thao để thực hiện quá trình kế thừa quyền lực, tránh đối đầu quá cực đoan với các nước tư bản như Mỹ. Ví dụ điển hình cho chính sách này là cuộc thảo luận về việc đồng tổ chức Thế vận hội Seoul 1988, sau đó là cuộc thảo luận về việc thành lập đội tuyển liên Triều tại Đại hội thể thao châu Á Bắc Kinh 1990.

 

Vào thời điểm đó, thảo luận về đội tuyển liên Triều đã đạt được một số thành quả nhất định, chẳng hạn như lấy tên quốc tế chung là “Korea”, cờ là hình bán đảo Hàn Quốc màu xanh da trời trên nền trắng và bài hát là bài dân ca “Arirang”, tuy nhiên cuối cùng vẫn đi đến thất bại. Mặc dù vậy, các Bộ trưởng Thể thao của hai nước đã liên lạc với nhau trong Đại hội thể thao châu Á ở Bắc Kinh và vào tháng 10 năm đó, Giải bóng đá thống nhất liên Triều đã được tổ chức tại Bình Nhưỡng và Seoul. Nhân cơ hội này, hai miền Nam-Bắc đã ra tuyên bố chung và tổ chức các cuộc đàm phán thể thao để thảo luận về việc thành lập một đội tuyển chung tại các cuộc thi quốc tế và giao lưu thể thao liên Triều. Tháng 4/1991, tại Giải vô địch bóng bàn thế giới ở thành phố Chiba, Nhật Bản, lần đầu tiên trong lịch sử, một đội tuyển liên Triều được thành lập. Tại nội dung đồng đội nữ, đội tuyển liên Triều thậm chí còn đánh bại đội mạnh nhất thế giới là Trung Quốc được dẫn dắt bởi huyền thoại bóng bàn Đặng Á Bình để lên ngôi vô địch.

 

Tại sự kiện này, tuyển thủ Ryu Soon-bok của Bắc Triều Tiên và Hyun Jung-hwa của Hàn Quốc lần lượt đánh bại các đối thủ Trung Quốc ở vòng một và hai nội dung đơn nữ. Nhưng ở nội dung đôi nữ, Hyun Jung-hwa bắt cặp với Li Pun-hui của miền Bắc và để đội bạn lật ngược thế cờ. Tại nội dung đơn nữ sau đó, Hyun Jung-hwa lại tiếp tục để thua, khiến cho thế cờ trở nên cân bằng với tỷ số 2-2. Vì vậy, đội tuyển liên Triều phải thắng ở trận thứ 5 nếu muốn trở thành Quán quân. Trong trận đấu nảy lửa này, tuyển thủ Ryu Soon-bok đã đánh bại tuyển thủ Cao Quân của Trung Quốc để mang về tấm huy chương vàng.

 

Hyun Jung-hwa là tuyển thủ đã giành huy chương vàng nội dung đồng đội nữ tại Đại hội thể thao châu Á 1986 và huy chương vàng nội dung đôi nữ tại Thế vận hội Olympic Seoul 1988. Trong khi đó, Li Pun-hui cũng là một vận động viên nổi bật của Bắc Triều Tiên đã giành được huy chương bạc trong nội dung đồng đội tại Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1985. Sự kiện năm 1991 kể trên là lần đầu tiên thế giới biết đến tuyển thủ Ryu Soon-bok nhưng cô lại đóng một vai trò quan trọng trong trận chung kết, nơi đội tuyển liên Triều đối đầu với Trung Quốc, vốn là đội tuyển mạnh sở hữu tuyển thủ số một thế giới là Đặng Á Bình và số hai thế giới là Cao Quân. Ở nội dung đồng đội, đội tuyển liên Triều đã thắng 3 trên 5 ván để giành huy chương vàng, đánh dấu sự kiện Hàn Quốc một lần nữa giành được danh hiệu này sau 18 năm, kể từ Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1973 diễn ra tại thủ đô Sarajevo, Bosna và Hercegovina. Lấy cảm hứng từ chiến thắng kịch tính này, Hàn Quốc đã sản xuất bộ phim mang tên “Korea”, thu hút được nhiều người xem.

 

Tháng 6/1991, đội tuyển bóng đá liên Triều đã tham gia Giải vô địch bóng đá trẻ thế giới (hiện đã đổi tên thành Giải vô địch bóng đá U-20 thế giới) tại Bồ Đào Nha, đánh bại Argentina với tỷ số 1-0 và hòa 1-1 với Cộng hòa Ireland ở vòng bảng. Dù thua Bồ Đào Nha sau đó nhưng đội tuyển liên Triều nhưng vẫn có thể tiến vào vòng tứ kết.

 

Trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2000 tại Sydney, Úc, tuyển thủ Chung Un-soon của Hàn Quốc và tuyển thủ Tiên Park Chong-chul của Bắc Triều Tiên đã dẫn đầu phái đoàn hai nước, cùng nhau cầm lá cờ bán đảo Hàn Quốc tiến vào. Khoảng 180 vận động viên đến từ hai miền Nam-Bắc khoác trên mình chiếc áo đồng phục đã diễu hành cùng nền nhạc là bài hát Arirang vang vọng. 120 nghìn khán giả đã dành cho họ sự hoan nghênh nhiệt liệt, và cảnh này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin trên toàn thế giới.

 

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên mang tính lịch sử vào năm 2000, hai miền Nam-Bắc đã chấm dứt mối quan hệ xung đột kéo dài và tạo ra một môi trường thuận lợi cho hòa bình và hòa giải xuyên biên giới. Được khích lệ bởi không khí lạc quan này, Seoul đã đề xuất với Bình Nhưỡng về việc đội tuyển hai nước cùng nhau bước vào sân vận động tại lễ khai mạc Thế vận hội Sydney vào tháng 9 năm đó. Lúc đầu, Bắc Triều Tiên khá thờ ơ với đề xuất này. Một tuần trước khi Thế vận hội khai mạc, cựu Ủy viên IOC từ miền Bắc là Chang Ung đã đến Sydney và thể hiện phản ứng tích cực đối với đề xuất của Seoul. Lần đầu tiên đội tuyển hai miền Nam-Bắc cùng diễu hành tại lễ khai mạc Olympic đã trở thành một dấu mốc quan trọng cho cả thế giới thấy rằng hai nước đang theo đuổi mục tiêu thống nhất bất chấp tình trạng bị chia cắt.

 

Sau Thế vận hội Sydney, các vận động viên liên Triều đã cùng nhau diễu hành tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2004 ở Athens (Hy Lạp), Thế vận hội mùa đông 2006 ở Turin (Ý), Đại hội thể thao châu Á Busan 2002, Thế vận hội mùa đông châu Á 2003 ở Aomori (Nhật Bản), Đại hội thể thao châu Á 2006 tại Doha (Quatar), Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2007 tại Trường Xuân, Trung Quốc và nhiều sự kiện thể thao quốc tế khác. Tuy nhiên, đội tuyển chung liên Triều mãi đến năm 2011 mới được thành lập tại Cúp thể thao và hòa bình ở thủ đô Doha, Qatar. Khi đó, đội tuyển này đã vô địch nội dung đôi nam và về nhì nội dung đôi nữ.

 

Tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, các vận động viên hai miền Nam-Bắc đã cùng nhau diễu hành. Ngoài ra, đội tuyển liên Triều môn khúc côn cầu trên băng dành cho nữ đã được thành lập. Đội tuyển này tuy không giành được chiến thắng nào ở vòng bảng nhưng vẫn để lại ý nghĩa lớn khi là đội ghi bàn thắng đầu tiên cho sự kiện.

 

Nhân dịp cựu Ủy viên IOC của Bắc Triều Tiên Chang Ung có mặt tại Giải vô địch Taekwondo thế giới 2017 ở huyện Muju, tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Moon Jae-in đã mời miền Bắc tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào năm sau đó. Bắc Triều Tiên gửi tín hiệu tích cực tới Hàn Quốc qua bài phát biểu đầu năm mới của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un vào ngày 1/1/2018, tạo thuận lợi cho quá trình thành lập đội tuyển liên Triều môn khúc côn cầu trên băng nữ. Sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang, các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Trung-Triều, Mỹ-Triều, Nga-Triều đã diễn ra. Không khí ngoại giao tích cực đã góp phần thúc đẩy quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều lên một tầm cao mới.

 

Tại Giải vô địch bóng bàn thế giới 2018 ở thành phố Halmstad, Thụy Điển, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thi đấu riêng biệt và đội tuyển nữ hai nước đối mặt với nguy cơ phải đối đầu ở vòng tứ kết. Hai nước đã nhanh chóng thúc đẩy việc kết hợp hai đội trở thành một đội chung liên Triều và đưa đội tuyển nữ vào bán kết, cuối cùng giành được huy chương đồng.

 

Tại Đại hội thể thao châu Á 2018 diễn ra ở các thành phố Jakarta và Palembang của Indonesia, hai miền Nam-Bắc đã thành lập các đội chung ở môn bóng rổ nữ và đua thuyền, cuối cùng giành được bốn huy chương. Đây cũng là lần đầu tiên một đội tuyển liên Triều giành được huy chương tại một sự kiện thể thao tổng hợp quốc tế. Sau đó, các đội tuyển liên Triều đã giành được huy chương tại Giải vô địch Judo thế giới được tổ chức vào tháng 9/2018 tại thủ đô Baku, Azerbaijan và tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2018 ở Indonesia vào tháng 10 cùng năm. Theo các chuyên gia, thể thao chính là giải pháp hiệu quả để giải quyết sự bế tắc hiện nay trong quan hệ liên Triều.

 

Vận động viên bóng bàn Hàn Quốc Hyun Jung-hwa và vận động viên Bắc Triều Tiên Li Pun-hui đã trở thành bạn bè trong Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1991 và chào nhau tại các cuộc thi quốc tế. Xạ thủ Hàn Quốc Jin Jong-oh và xạ thủ miền Bắc Kim Song-guk thường gặp nhau tại các sự kiện bắn súng quốc tế. Khi Jin giành huy chương vàng và Kim giành huy chương đồng tại Thế vận hội mùa hè Rio de Janeiro 2016 ở Brazil, hai tuyển thủ đã chúc mừng nhau về kết quả này. Đây là những cảnh tượng ấm áp khiến nhiều người xúc động. Trong Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, khán giả Hàn Quốc đã cổ vũ nhiệt tình cho vận động viên trượt băng tốc độ cự ly ngắn Choe Un-song của Bắc Triều Tiên mặc dù anh không thể lọt vào vòng tiếp theo, khiến cho tuyển thủ này vô cùng xúc động. Hiện nay, hai miền Nam-Bắc đang sa lầy trong xung đột trong bối cảnh quan hệ song phương bế tắc kéo dài, cần một bước đột phá tương tự như sự kiện Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Tôi hy vọng hai nước có thể tìm được một bước chuyển biến tại Đại hội thể thao châu Á 2023 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Tôi nghĩ Seoul và Bình Nhưỡng nên tận dụng thể thao để nối lại đối thoại và liên lạc song phương, vốn nên được phi chính trị hóa.

 

Năm nay, quan hệ liên Triều vẫn rơi vào bế tắc, trong khi căng thẳng chính trị và quân sự tăng cao hơn bao giờ hết. Trong năm tới, Bắc Triều Tiên được dự báo sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân. Hy vọng hai miền Nam-Bắc sẽ có cơ hội gặp gỡ nhau thông qua các hoạt động giao lưu thể thao, chẳng hạn như thành lập một đội tuyển liên Triều vào năm 2023 tới.

Lựa chọn của ban biên tập