Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phụ nữ thử sức với những công việc cấm kỵ tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-11-30

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên vẫn thường nhấn mạnh hình ảnh những người phụ nữ trung thành với Nhà nước và hy sinh vì gia đình. Tuy nhiên, những phụ nữ trẻ sinh vào những năm 1990 với tên gọi “thế hệ chợ tư nhân” đang tiến vào xã hội với nhiều sự thay đổi. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng nhấn mạnh phụ nữ cần phải tăng cường tham gia vào xã hội trong bức thư gửi toàn thể Đại hội Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên vào năm 2021. Thực tế, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, truyền thông miền Bắc thường đưa tin giới thiệu những phụ nữ hoạt động trong các lĩnh vực vốn được coi là lãnh địa của nam giới. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về việc phụ nữ thử sức với những công việc cấm kỵ tại Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Kể từ năm 1946, Bắc Triều Tiên đã ban hành luật về bình đẳng giới và đã phát triển một thể chế tiên tiến về bình đẳng giới, bao gồm các luật bảo vệ quyền phụ nữ như Hiến pháp xã hội chủ nghĩa, Luật Bảo vệ quyền Phụ nữ, Luật Gia đình, Luật Tố tụng dân sự và Luật Bảo vệ lao động. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa gia trưởng trọng nam khinh nữ vẫn được duy trì và định kiến về vai trò nam nữ cũng đã cắm rễ sâu trong ý thức người dân. Thế nhưng, sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ” khiến phụ nữ trở thành đối tượng chịu trách nhiệm về kế sinh nhai của gia đình, văn hóa lấy nam giới làm trung tâm hiện đang lung lay. Mặc dù vậy, vẫn có những quy định áp đặt lên phụ nữ miền Bắc. Ngoại hình, trang phục của phụ nữ phải tuân theo chuẩn mực của vẻ đẹp xã hội chủ nghĩa. Về nghề nghiệp, các quy định pháp luật bảo vệ phụ nữ khỏi lao động nguy hiểm cũng tạo nên hạn chế trong quyền tự do lựa chọn công việc của họ.

 

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, có nhiều tiểu thuyết Bắc Triều Tiên miêu tả phụ nữ làm các công việc trong ngành công nghiệp nhẹ, chẳng hạn như dệt sợi nhân tạo, cũng như thử sức với các ngành nghề trước đây bị coi là cấm kỵ, chẳng hạn như nhà khoa học và nhà nghiên cứu khoa học quốc phòng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các tác phẩm văn học kể về những người phụ nữ năng động này. Đầu tiên là tác phẩm “Bước đầu tiên” của nhà văn Bae Kyong-hwi, được Nhà xuất bản Văn học Bắc Triều Tiên xuất bản vào năm 2017. Trong “Bước đầu tiên”, nhân vật chính Un-sook là con út trong nhà có hai chị em gái và được cả nhà yêu thương. Từ thời ông nội đến đời cha chú cô đều làm nghề lái xe tải ở vùng đất khai hoang và cha mẹ cô đã từng rất tự hào về điều đó, cho đến khi cha cô sắp đến tuổi nghỉ hưu mà không có con trai. Ông rất buồn vì “truyền thống lái xe” của gia đình có thể sẽ bị thất truyền. Un-sook vốn nhen nhóm ý định nối nghiệp gia đình, nhưng câu nói "Tài xế không phải việc của phụ nữ" của cha đã khiến cô từ bỏ việc trở thành người lái xe tải. Xã hội Hàn Quốc cũng từng có định kiến tương tự trong quá khứ, nhưng Bắc Triều Tiên hiện nay có vẻ vẫn tồn tại những điều cấm kỵ liên quan đến giới tính trong công việc.

 

Theo Luật Bảo hộ lao động, để bảo vệ phụ nữ, họ không được phép làm những công việc có thể gây hại cho sức khỏe. Nói cách khác, mặc dù luật không cấm phụ nữ trở thành tài xế lái xe nhưng trên thực tế người lái xe cũng phải tự sửa chữa xe nếu gặp phải trường hợp thiếu nhiên liệu hay phương tiện nên đây được coi là lĩnh vực của đàn ông. Theo luật, phụ nữ không được phép tham gia vào các ngành có cường độ lao động cao, chẳng hạn như thợ rèn nung chảy, vì đây là công việc nguy hiểm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ.

 

Trong “Bước đầu tiên”, Un-sook từ bỏ nghề lái xe do bị người lớn trong gia đình can ngăn. Tuy nhiên, một ngày nọ, cô đã thay đổi quyết định sau khi xem một chương trình TV giới thiệu về một nữ tài xế. Vì vậy, thay vì học đại học, cô trở thành tài xế bất chấp sự phản đối của gia đình. Lúc đầu, Un-sook lái một chiếc xe tải 5 tấn và đã học cách tự sửa chữa hầu hết các hỏng hóc xe với sự giúp đỡ của cha. Sau ba năm, cuối cùng thì cô cũng có thể một mình lái chiếc xe hạng nặng 25 tấn. Tuy nhiên, việc lái xe trên thực tế khó hơn nhiều so với những gì Un-sook nghĩ. Là tài xế xe tải, Un-sook có thể bị người phụ trách mắng ngay lập tức nếu lái ẩu, khiến cô bật khóc và muốn trốn đi. Môi trường làm việc cũng vô cùng khắc nghiệt với một cô gái quen được gia đình yêu thương, nuông chiều. Sau khi vượt qua tất cả khó khăn, cuối cùng nhân vật chính đã trở thành một tài xế lái xe được mọi người công nhận.

 

Nhân vật chính Un-sook bị các nhân viên quản lý nhiên liệu buông lời phê bình mang tính xúc phạm nên đã đến giãi bày với Bí thư Đoàn thanh niên. Điều mà người bí thư nói với cô vào thời điểm đó chính là chủ đề của cuốn tiểu thuyết này. Theo đó, những người phụ nữ có thể trở thành tài xế xe tải không phải bởi vì họ đặc biệt, mà là nhờ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã bồi dưỡng khuyến khích thế hệ trẻ. Yêu cầu được đối xử đặc biệt không phải là hành vi đúng đắn của con người mà chỉ thể hiện sự vô ơn với nhà lãnh tụ. Mấu chốt của thông điệp là nữ nhân vật chính có thể thực hiện ước mơ của mình không phải vì cô ấy giỏi mà là nhờ tư tưởng lấy thế hệ trẻ làm trọng tâm của ông Kim Jong-un, vì vậy cô ấy cần báo đáp tình yêu thương của nhà lãnh tụ bằng cách thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với xã hội.

 

Trên thực tế, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) cũng từng phát sóng các chương trình phá vỡ định kiến về giới tính trong công việc. Chương trình về Kim Un-sim, một tài xế trẻ ở độ tuổi 20, là một trong số đó. Chương trình phát sóng đã giới thiệu Kim Un-sim là một tài xế xe tải kỳ cựu chuyên chở cây nặng trên một con đường núi không trải nhựa. Trong một cuộc phỏng vấn, cha cô đã chia sẻ rằng Un-sim không hề thua kém đứa con trai nào dù sinh ra trong gia đình 4 chị em gái. Tuy nhiên, những trường hợp được giới thiệu trên truyền hình này vẫn có hạn chế nhất định.

 

Tương tự như nhân vật Un-sook, hình tượng người phụ nữ được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đều thuộc các trường hợp rất giống nhau. Hầu hết các câu chuyện đều nói về việc con gái thay mặt con trai tiếp quản công việc của cha, chứ không phải vì đó là công việc mà tự bản thân cô gái ấy mong muốn, và điều đó được cho là một điều hiển nhiên. Nhưng trên thực tế thì đó cũng có thể là công việc mơ ước của chính bản thân người phụ nữ và họ cũng có khát khao thành công riêng, nên việc truyền thông chỉ khắc họa câu chuyện phụ nữ thay thế đàn ông hay con gái thay thế con trai trong nhà là một vấn đề cần cải thiện.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un cũng đánh giá cao những cống hiến của Kim Un-sim. Chương trình đặc biệt “Kim Un-sim, thiếu nữ lái xe tải đáng tự hào của vùng đất Sinhung" có cảnh Chủ tịch Kim nắm tay cô gái và khen ngợi phong thái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ nước nhà chính là thứ quý giá không thể tìm thấy ở bất kỳ hòm kho báu nào.

 

Quá trình thử thách bản thân, đạt được thành công và khao khát thành tựu là quá trình tự nhận thức của một người phụ nữ. Các câu chuyện về phụ nữ được khắc họa trong tiểu thuyết hoặc trên phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên đều đưa đến kết luận rằng phụ nữ có thể đạt được điều đó là nhờ tư tưởng lấy thanh niên làm trọng tâm của ông Kim Jong-un. Chủ tịch Kim đang áp dụng quá trình khuyến khích phụ nữ đưa những thử thách và nỗ lực cá nhân trở thành thành quả.

          

Ngoài Kim Un-sim, truyền hình Bắc Triều Tiên gần đây còn giới thiệu những trường hợp phụ nữ tiến vào lĩnh vực vốn được coi là lãnh địa của nam giới, chẳng hạn như lái máy ủi ở công trường, trát vữa bằng máy móc hay chế tạo máy kéo.

 

Các trường hợp phụ nữ thành công trong lĩnh vực của nam giới được định hình trong văn học hoặc truyền thông đóng một vai trò mẫu mực trong việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào xã hội và thể hiện ý định khai thác lực lượng lao động nữ của chính quyền. Phần lớn phụ nữ Bắc Triều Tiên đều đến chợ bán buôn từ sáng sớm để kiếm lời, cống hiến sức lao động và vốn liếng kinh doanh cho xã hội. Để hướng đến lợi ích chung và phát triển đất nước thì phải chuyển không gian làm việc của thế hệ phụ nữ trẻ từ chợ thành không gian công như công trường. Tỷ lệ phụ nữ tham gia xã hội là một chỉ số thể hiện bình đẳng giới trong một xã hội, vì vậy miền Bắc rất coi trọng việc khuyến khích phụ nữ tham gia xã hội.

 

Có phân tích cho rằng sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, chính quyền Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh đến năng lực chuyên môn của phụ nữ và yêu cầu các chuyên môn này phải được phát huy trong đời sống xã hội. Một ví dụ điển hình là các nữ phi công chiến đấu. Năm 2014, truyền thông miền Bắc đưa tin ông Kim Jong-un đã tham dự cuộc tập trận huấn luyện bay cho hai nữ phi công chiến đấu đầu tiên của nước này là Jo Gum-hyang và Rim Sol. Chủ tịch Kim Jong-un thậm chí còn chụp ảnh cùng và khen ngợi hai nữ phi công này. Một năm sau đó, vào năm 2015, truyền thông Bắc Triều Tiên tiếp tục đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã quan sát và khen ngợi cuộc huấn luyện máy bay chiến đấu siêu thanh của hai nữ phi công. Trong bản tin của KCTV, Chủ tịch Kim đã khen ngợi sự tài giỏi của hai nữ phi công và ví họ như bông hoa trên bầu trời.

 

Phi công chiến đấu là một lĩnh vực đòi hỏi cao đối với phụ nữ và trên toàn thế giới cũng không có nhiều phụ nữ có thể làm công việc này. Số lượng nữ phi công chiến đấu ở mỗi quốc gia ít đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng Bắc Triều Tiên lại có các phi công chiến đấu là các cô gái trẻ, một điều đáng tự hào với quốc tế. Ngoài ra, việc miền Bắc cũng có các nữ quân nhân ưu tú tương tự các quốc gia có sức mạnh không quân tiên tiến khác cũng có thể được sử dụng vào mục đích tuyên truyền, đồng thời thể hiện khả năng phòng thủ với những nữ quân nhân tinh nhuệ của nước này.

 

Theo đó, có thể thấy Bắc Triều Tiên ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực mà theo truyền thống từng được coi là lãnh địa của nam giới. Chúng ta hãy cùng chờ xem những thay đổi của phụ nữ miền Bắc sẽ có ảnh hưởng thế nào đến toàn xã hội Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập