Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Cán cân thương mại Hàn Quốc thâm hụt cao kỷ lục

2022-12-17

Tin tức

ⓒYONHAP NewsCán cân thương mại quốc tế năm nay của Hàn Quốc được dự báo gần như chắc chắn sẽ lần đầu thâm hụt sau 14 năm, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm sau. Chính phủ Hàn Quốc đang dốc toàn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt.


Quy mô thâm hụt cao kỷ lục

Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 13/12 công bố kim ngạch xuất khẩu 10 ngày đầu tháng 12 đạt 15,42 tỷ USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thâm hụt lũy kế từ đầu năm đạt 47,46 tỷ USD. Nếu tiếp tục xu hướng hiện nay, quy mô thâm hụt trong vòng 20 ngày còn lại của tháng 12 sẽ đạt trên 3 tỷ USD, quy mô thâm hụt cả năm 2022 gần như chắc chắn sẽ vượt mức 50 tỷ USD.


Quy mô thâm hụt thương mại hiện đã là mức cao kỷ lục trong lịch sử, gấp hơn hai lần quy mô thâm hụt cao nhất trước đó là vào năm 1996 (20,62 tỷ USD). Đây sẽ là năm đầu tiên Hàn Quốc thâm hụt cán cân thương mại kể từ sau năm 2008, thời kỳ xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Cán cân thương mại năm 2022 thâm hụt là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy mô thâm hụt đang vượt xa dự báo, và nhiều khả năng sẽ duy trì trong năm sau. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do giá nguyên vật liệu tăng vọt và xuất khẩu đình trệ. Trước tiên, do ảnh hưởng từ chiến tranh Nga-Ukraine, giá nguyên vật liệu quốc tế leo thang khiến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh. Trong vòng từ đầu năm tới ngày 10/12, kim ngạch nhập khẩu ba mặt hàng năng lượng chính là dầu thô, khí đốt và than đá đạt 180,41 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nguyên vật liệu quốc tế tăng là yếu tố không thể kiểm soát trong nước, điều này đã tác động khiến cán cân thương mại thâm hụt.


Trong khi đó, vấn đề nghiêm trọng hơn chính là xuất khẩu đang trên đà giảm. Trong vòng 10 ngày đầu tháng 12, xuất khẩu chíp bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, đã giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ vậy, mức giảm đang ngày càng sâu kể từ tháng 9, ảnh hưởng từ sự tụt dốc chung của thị trường chíp bán dẫn toàn cầu. Xuất khẩu thép, phụ tùng ô tô, thiết bị vô tuyến viễn thông, máy móc chính xác cũng có mức giảm mạnh từ 20% đến 40%. Mặt khác, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, giảm tới 34,3%, do ảnh hưởng từ sự kìm hãm của Mỹ, “di chứng” của đại dịch COVID-19. Đây cũng là những yếu tố mà Hàn Quốc không thể kiểm soát được. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu chíp bán dẫn đã giảm 4 tháng liên tiếp, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 6 tháng liên tiếp.


Đối sách hỗ trợ

Một vấn đề lớn hơn đặt ra lúc này đó là trong quá khứ, cán cân thương mại của Hàn Quốc chỉ thâm hụt trong một năm nhưng lần này, nhiều khả năng cán cân thương mại sẽ còn thâm hụt tiếp trong năm sau. Theo đó, bài toán cấp thiết là Chính phủ cần nỗ lực thu hẹp quy mô thâm hụt trong ngắn hạn, đồng thời cải thiện tình hình xuất khẩu về dài hạn.


Chính phủ cũng đang tích cực giải tỏa vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trước tiên, Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 23/11 vừa qua đã đích thân chủ trì Hội nghị chiến lược xuất khẩu, công bố chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chính và phương án tăng cường hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp. Chính phủ đã ra mắt Ban hỗ trợ liên ngành về xuất khẩu, tới nay đã tổ chức tổng cộng 13 cuộc tọa đàm để lắng nghe vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu, thảo luận đối sách. Đến ngày 13/12, Chính phủ quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng đàm phán thương mại Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên làm Trưởng Ban hỗ trợ; đồng thời mở rộng phạm vi các ban ngành tham gia gồm Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, thể thao và giáo dục, Bộ Y tế và phúc lợi, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm, Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO). Ban hỗ trợ sẽ đóng vai trò tìm kiếm các nhu cầu mới ở ba thị trường xuất khẩu lớn là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ và Trung Quốc; mở rộng hợp tác với ba thị trường chiến lược là Trung Đông, Trung Nam Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhằm nâng cao khả năng xúc tiến vào các thị trường này của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh xuất khẩu ở các ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao như chíp bán dẫn, màn hình, pin thứ cấp; triển khai chiến lược liên ngành nhằm thúc đẩy các ngành dịch vụ triển vọng như công nghệ thông tin và truyền thông, sinh học, nội dung. Chính phủ cũng sẽ xúc tiến đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ xuất khẩu, đẩy mạnh quảng bá về làn sóng văn hóa Hallyu.

Lựa chọn của ban biên tập