Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc liên Triều tổ chức sự kiện chung tại núi Geumgang

2018-12-13

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Ngày 3 và 4/11 vừa qua, núi Geumgang tại Bắc Triều Tiên đã tiếp đón khoảng 500 quan khách từ cả hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc. Sự kiện kéo dài 2 ngày trên được đồng tổ chức bởi nhóm dân sự Hàn Quốc có tên là “Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc” và cơ quan đối tác tương ứng của miền Bắc. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, một sự kiện dân sự liên Triều được tổ chức tại núi Geumgang. Hai nhóm dân sự đã tổ chức sự kiện chung lần cuối cùng năm 2008, khi chương trình du lịch núi Geumgang bị đình chỉ sau vụ một du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại ngọn núi này. Hãy cùng nhìn lại những bước phát triển của Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc liên Triều, một nhóm hoạt động ủng hộ thống nhất tiên phong trong 20 năm qua.


Được thành lập năm 1998 như thành quả của khát vọng thống nhất

Tháng 6/1998, Bắc Triều Tiên thành lập Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho liên lạc giữa các nhóm ủng hộ thống nhất ở cả hai miền Nam-Bắc và nước ngoài, cũng như tăng cường sự hợp tác giữa họ. Ngày 15/8 cùng năm, miền Bắc đề xuất hai miền tổ chức một lễ hội chung với chủ đề hòa giải và đoàn kết dân tộc. Tới ngày 3/9, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã đáp lại bằng việc thiết lập Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc phía Hàn Quốc, với chức năngnhư một kênh đối thoại mới với miền Bắc.


Mở rộng trao đổi liên Triều ở cấp độ dân sự

Tổng thống Kim Dae-jung đã cho thấy cam kết mạnh mẽ ủng hộ Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc, bởi ông đã kỳ vọng rất lớn vào vai trò của tổ chức này. Thực tế là, rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra với quan hệ liên Triều trong tương lai, do thể chế hoàn toàn khác biệt, thế bế tắc về hạt nhân kéo dài và mạng lưới lợi ích phức tạp giữa các quốc gia láng giềng. Các sự kiện liên Triều do Chính phủ khởi xướng thường kết thúc mà chẳng thu về thành quả, thậm chí còn châm ngòi cho căng thẳng song phương. Nhưng kể cả khi hai miền Nam-Bắc bị sa lầy trong đối đầu chính trị, trao đổi dân sự có thể giúp phá vỡ thế bế tắc. Vừa mới thành lập, Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc đã tiến hành một loạt các sự kiện chung với miền Bắc vì mục tiêu hòa bình và hòa giải liên Triều. Tổ chức đã tiếp tục các hoạt động của mình kể cả khi quan hệ liên Triều bị đóng băng.


Kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm nay

Trong hai thập niên qua, Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc đã thúc đẩy liên lạc và hòa giải liên Triều trên cấp độ dân sự và khuyến khích công chúng đạt được một sự đồng thuận xã hội trên diện rộng trong các vấn đề về thống nhất. Với việc kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm nay, tổ chức này đang tạo ra một viễn cảnh mới cho tương lai.


Trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ngày 3/9 năm nay, Chủ tịch Kim Hong-gul đã đề xuất một cuộc vận động mới có tên “Cây cầu mới tới hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc”, kêu gọi hai miền Nam-Bắc tiến hành một đợt vận động với chủ đề thống nhất trong hòa bình, dựa trên “Tuyên bố Bàn Môn Điếm” hồi tháng 4 năm nay. Điều này có nghĩa trao đổi xuyên biên giới sẽ tiến thêm một bước từ viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc cho Bắc Triều Tiên trong giai đoạn trước, và hai miền sẽ cùng nhau xây dựng “chiếc cầu mới” của hòa bình và thịnh vượng chung.


Năm 2018 mở ra viễn cảnh mới của hợp tác liên Triều

Chủ tịch Kim Hong-gul đã có chuyến thăm 4 ngày tới Bình Nhưỡng từ ngày 16/7 năm nay, thảo luận với người đồng cấp miền Bắc Kim Yong-dae vấn đề các nạn nhân Hàn bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ thực dân Nhật đầu thế kỷ 20. Hai bên nhất trí tổ chức một ủy ban chung về vấn về này và hợp tác trong việc hồi hương hài cốt của các nạn nhân từ Nhật Bản. Họ cũng cam kết tiếp tục tổ chức trao đổi dân sự, trong đó có sự kiện chung giữa hai nhóm vào mùa thu. Hai phía đã giữ đúng lời hứa và tổ chức sự kiện chung tại núi Geumgang đầu tháng trước.


Ngày đầu tiên của sự kiện, 3/11, phái đoàn của hai bên đã thảo luận về trao đổi trên 6 lĩnh vực: tôn giáo, lao động, phụ nữ, nông nghiệp, sinh viên và giáo dục. Vào ngày thứ hai, các quan khách của cả hai miền Nam-Bắc đã cũng nhau tản bộ dọc hồ Samilpo.


Hai bên cũng đã nhất trí tổ chức thảo luận chung về vấn đề nạn nhân Hàn bị cưỡng bức lao động thời kỳ thực dân Nhật đúng dịp kỷ niệm 100 năm phong trào độc lập kháng Nhật 1/3 vào năm sau. Các hoạt động của Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc trong năm nay thật xứng đáng được khen ngợi. Nhưng Chủ tịch Kim Hong-gul cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu của sự cải thiện trong quan hệ liên Triều.


Xây dựng cây cầu vững chắc tới hòa bình trên bán đảo

Năm nay, quan hệ liên Triều đã bước vào giai đoạn hòa giải và hợp tác. Bắt đầu với Thế vận hội mùa đông PyeongChang, hai miền Nam-Bắc đã tích cực trao đổi song phương ở các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể thao, trong lúc lãnh đạo của hai nước đã gặp nhau tới 3 lần. Seoul và Bình Nhưỡng đã nối lại các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly lán lần đầu tiên sau 2 năm 10 tháng, đồng thời có một loạt các biện pháp nhằm giảm nhẹ căng thẳng quân sự. Trong lúc đó, Hội đồng hợp tác và hòa giải dân tộc đang xây dựng một “chiếc cầu vững chắc” cho trao đổi xuyên biên giới, dẫn đầu các nỗ lực hòa bình ở cấp độ dân sự.

Lựa chọn của ban biên tập