Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Tuyên bố chung liên Triều 4/10/2007

2018-11-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Ngày 5/10 vừa qua tại Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã cùng tổ chức lễ kỷ niệm 11 năm Tuyên bố chung liên Triều 4/10, được ký giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-il tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007. Bởi lẽ, Tuyên bố chung liên Triều 4/10 đã thể hiện viễn cảnh về hòa bình và thịnh vượng chung giữa hai miền, càng có ý nghĩa khi lễ kỷ niệm chung diễn ra trong năm nay, sau khi Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức 3 Hội nghị thượng đỉnh, đánh dấu một cột mốc mới trong các nỗ lực hòa bình của hai phía. Hãy cùng tìm hiểu thêm về Tuyên bố chung liên Triều năm 2007 mang tính bước ngoặt này.


Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007

Tổng thống Roh Moo-hyun đã tới Bình Nhưỡng tháng 10/2007, bảy năm sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên tháng 6/2000, để hội đàm với Chủ tịch Kim Jong-il. Tại sự kiện, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận một loạt các vấn đề, tập trung chủ yếu vào hòa bình và thịnh vượng giữa hai miền Nam-Bắc. Trong khi đó, đàm phán 6 bên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào cùng ngày, 3/10/2007. Tại cuộc đàm phán đa phương, miền Bắc đã nhất trí vô hiệu hóa các chương trình hạt nhân của nước này và công bố tất cả các hoạt động nguyên tử cho tới cuối năm 2007, trong lúc Mỹ hứa hẹn sẽ đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.


“Tuyên bố chung về sự phát triển của quan hệ liên Triều và thịnh vượng trong hòa bình”

Tổng thống Roh Moo-hyun và Chủ tịch Kim Jong-il đã ký “Tuyên bố chung về sự phát triển của quan hệ liên Triều và thịnh vượng trong hòa bình” gồm 8 điểm, còn gọi là Tuyên bố chung liên Triều 4/10.


Tuyên bố bao gồm khoảng 40 nhiệm vụ có liên quan tới chính trị, các nỗ lực hòa bình, hợp tác kinh tế, các vấn đề xã hội, văn hóa và nhân đạo. Hai miền Nam-Bắc cam kết sẽ tích cực thi hành Tuyên bố chung 15/6/2000, tôn trọng và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Họ nhất trí chấm dứt sự thù địch về quân sự và theo đuổi một Hội nghị thượng đỉnh từ 3 tới 4 bên nhằm tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Hai bên cũng nhất trí tiếp sức cho các dự án kinh tế chung, thúc đẩy trao đổi trong các lĩnh vực xã hội và văn hóa, cũng như mở rộng việc đoàn tụ thành viên các gia đình bị ly tán. Hai nhà lãnh đạo cũng đã quy định về hợp tác song phương nhằm chấm dứt thù địch quân sự và đảm bảo hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, mang lại một xung lực quan trọng cho các vấn đề quân sự và hòa bình, vốn chưa từng được thảo luận đầy đủ trước đây.


Không có đủ thời gian thi hành Tuyên bố chung 4/10

Hai phía đã không có đủ thời gian để thi hành Tuyên bố chung 4/10, bởi nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun sẽ kết thúc trong vòng 4 tháng. Theo Tổng thống kế nhiệm Lee Myung-bak, một người ủng hộ chủ nghĩa thực dụng, Seoul sẽ chỉ theo đuổi hợp tác kinh tế với miền Bắc nếu Bình Nhưỡng từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân và mở cửa xã hội. Quan hệ liên Triều ngày một xấu đi do một loạt các động thái khiêu khích của Bắc Triều Tiên, như vụ tấn công tuần dương hạm Cheonan và vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong. Năm 2007, lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã bắt tay nhau, cam kết gặp gỡ thường xuyên. Thế nhưng, không hề có thêm một hội nghị thượng đỉnh liên Triềunào trong suốt 10 năm sau đó. May mắn thay, lời hứa còn dang dở đã trở thành hiện thực trong năm nay, khi thỏa thuận thượng đỉnh 11 năm trước được tái sinh trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm 27/4.


Tuyên bố chung 4/10 – một bàn đạp tiến tới hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc

Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm 27/4 đã phản ảnh một cách đầy đủ cam kết của hai miền Nam-Bắc về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất được tán thành bởi Tuyên bố chung 4/10. Thỏa thuận năm 2007 chính là bản phác thảo của Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, vốn kêu gọi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc, tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong cùng năm và hợp tác kinh tế xuyên biên giới.

Lựa chọn của ban biên tập