Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc Phật giáo Beompae trong các nghi thức Phật giáo

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-05-25

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc Phật giáo Beompae trong các nghi thức Phật giáo

Âm nhạc Phật giáo Beompae do nhà sư Jingam (Chân Giám) du nhập vào bán đảo  Hàn Quốc

Trong thời đại Silla Thống nhất (từ thế kỷ VII-X), năm 804, nhà sư Jingam (Chân Giám) của Hàn Quốc đã sang nhà Đường ở Trung Quốc để theo học về Phật giáo. Năm 830, ông đã trở về bán đảo Hàn Quốc khi đã thuần thục lối hát của âm nhạc Phật giáo Beompae (Phạm bái), chỉ những nhạc phẩm do các nhà sư hát trong các nghi thức Phật giáo. Vương quốc Silla ở Hàn Quốc cũng có lối hát Baeompae riêng nhưng giai điệu của lối hát Beompae mới do nhà sư Chân Giám truyền bá vào bán đảo Hàn Quốc được người đời ưa chuộng hơn và không ít người đã đến tận ngôi chùa có nhà sư Chân Giám để theo học, và cứ thế lối hát Beompae (Phạm bái) của nhà sư vẫn được lưu truyền và kế tục tới nay, tức hơn 1.000 năm. Theo dòng chảy của thời gian, khúc hát Beompae của nhà sư Jingam cũng đã có phần thay đổi xong người nghe vẫn có thể cảm nhận được những nét độc đáo khác lạ của dòng nghệ thuật này. Đặc điểm của lối hát Phật giáo Beompae được ví là “Jangingulgok”, âm Hán là “Trường dẫn khuất khúc”, có nghĩa là người hát sẽ ngân nga trầm bổng rất dài ca từ của khúc hát. Và “Jitsori Georyeongsan” là khúc hát mang đặc trưng tiêu biểu của âm nhạc Phật giáo Beompae. Ở đây Jitsori có nghĩa là “tạo âm thanh”, “nối tiếp âm thanh”; còn Georyeongsan là “Cử Linh sơn”. Nên khúc hát “Jitsori Georyeongsan” hát nhanh và lặp đi lặp lại câu “Namuyeongsanhoesangbulbosal” (Nam mô linh sơn hội thượng Phật Bồ Tát) hai lần, lần thứ ba hát chậm và ngân dài bắt đầu từ chữ Hoe (Hội). 


Các giai điệu âm nhạc xưa và nay trong nghi thức phật giáo ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, khi các chùa chiền tổ chức lễ hội lớn, thường thì các nghi lễ không diễn ra trong điện chính mà ở ngoài khuôn viên rộng để nhiều người có thể cùng tham dự. Các tăng ni Phật tử sẽ treo tranh vẽ Đức Phật gọi là Gwoebul (Quải Phật) và thực hiện các nghi lễ Phật giáo ngay trước bức tranh này. Nhạc phẩm “Geoyeongsan” (Cử Linh sơn) được hát khi di chuyển bức tranh Quải Phật ra khuôn viên cử hành lễ hội. Và Linh sơn, trong “Cử Linh sơn” ám chỉ núi Linh Thứu nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng đạo cho các Bồ Tát. Ca từ “Namuyeongsanhoesang bulbosal” (Nam mô linh sơn hội thượng Phật Bồ Tát) trong khúc Georyeongsan có nghĩa là “các Chư Phật và Bồ Tát hội tụ tại Linh Sơn”. Nhạc phẩm “Yeongsanhoesang” (Linh sơn hội tương) mà giới học giả Hàn Quốc xưa kia ưa chuộng, thuộc thể loại âm nhạc Pungryu (Phong lưu) cũng vốn dĩ xuất phát từ  “linh sơn hội thượng Phật Bồ Tát”. Theo dòng chảy thời gian, dù giai điệu gốc đã bị thất lạc nhưng 9 khúc nhạc xuất phát từ nhạc phẩm trên vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Trong số này có thể kể đến khúc Yeombuldodeuri. Vì có từ “Yeombul” (Niệm phật) nên chỉ nghe tên, khán thính giả cũng có thể cảm nhận được đây là một khúc hát Phật giáo. Gần đây, Yeombuldodeuri được cải biên với lời ca mới là Namuamitabul (Nam mô a di đà Phật). 

Do Kinh Phật đa phần được ghi bằng chữ Hán hoặc chữ Ấn Độ cổ nên người Hàn Quốc thường không dễ hiểu được hết ý nghĩa của câu kinh. Thế nên, sau khi kết thúc những nghi thức Phật giáo lớn, các nhà sư thường giải thích các phần giáo lý bằng tiếng Hàn bằng cách hát bài “Hoesimgok” (Hối tâm khúc) nhằm răn dạy con người chân thành và thiện lương theo lời dạy của đức Phật. Từ “Hối tâm” ở đây mang ý nghĩa là tự vấn về những lỗi lầm trong quá khứ. Không theo lối hát Phật giáo Beompae (Phạm bái), “Hoesimgok” được hát theo lối dân ca Minyo nên được nhiều người ưa thích. Nhạc phẩm này không chỉ được các nhà sư hát trong các nghi thức Phật giáo trên chùa mà còn được các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori chuyên nghiệp trình diễn trên sân khấu biểu diễn. Nội dung của bài hát nói về sự ra đời và cái chết. Câu hát bắt đầu bằng ca từ rằng nhờ ân của đức Phật và cha mẹ mà ta được sinh ra trên đời. Rồi tiếp nối với câu chuyện về công ơn nuôi dạy của đấng sinh thành. Qua bài ca này, nhân sinh thấm thía về sự trân quý của sinh mạng và những chốn địa ngục mà con người phải dấn thân vào ở thế giới bên kia. Và cũng răn dạy còn người lúc còn sống trên đời phải ăn ở thật lương thiện để không bị đày xuống địa ngục sau khi chết


* Khúc hát “Jitsori Goryeongsan” trong dòng âm nhạc Phật giáo Beompae / nhà sư Songam (Tùng Nham) 

* Khúc hát Yeombuldodeuri / Kim Yeong-gi và Kim Hee-seong (hát), Seong Eui-sin (đàn nhị Haegeum)

* Nhạc phẩm “Hoesimgok” (Hối tâm khúc) / Anh Bi-chwi

Lựa chọn của ban biên tập