Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vài nét đặc trưng của đàn huyền cầm xưa và nay ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-04-13

Âm điệu ngàn xưa

Vài nét đặc trưng của đàn huyền cầm xưa và nay ở Hàn Quốc

Giới thiệu các loại đàn huyền cầm ở Hàn Quốc

Đàn huyền cầm truyền thống ở Hàn Quốc vốn sử dụng dây đàn được bện bằng tơ tằm. Còn các loại đàn huyền cầm sử dụng dây đàn kim loại như đàn tranh dây sắt Cheolgayageum và đàn sắt huyền cầm Cheolhuyeongeum đều là các loại đàn mới được cải tiến gần đây. Chỉ có duy nhất cây đàn tranh Yanggeum từ thời Joseon là sử dụng dây đàn kim loại. Người Hàn Quốc thường dùng chữ “Yang” (âm Hán là “Dương”) để gọi những thứ đồ được du nhập từ phương Tây như Yangbaechu là “cải bắp”, Yangpa là “hành tây”, hay Yangmal (tất), và Yangbok (âu phục)… Và đàn tranh Yanggeum cũng là một loại đàn huyền cầm có nguồn gốc từ phương Tây. Đàn tranh Yanggeum còn được gọi là “Guracheolsageum” trong đó có từ “Gura” của “Gurapa” (âm Hán là “Âu la ba”), có nghĩa là “Đàn huyền cầm dây sắt có nguồn gốc từ châu Âu”. Truyền rằng, đàn tranh Yanggeum vốn xuất hiện đầu tiên ở Trung Đông với tên gọi là Dulcimer, sau đó được du nhập sang châu Âu. Người nghệ sĩ dùng cung vĩ giáng xuống dây đàn để tạo âm thanh, nên Yanggeum còn được coi như một loại nhạc cụ dây gõ. Trên thực tế Dulcimer đã có ảnh hưởng khá lớn trong việc chế tác đàn piano. Khi người nghệ sĩ piano ấn phím đàn, phía cuối của đòn bẩy sẽ đẩy trục đứng lên trên, làm cho đầu búa gõ vào dây đàn, cùng lúc đó phím chặn âm được nâng lên khỏi dây đàn khiến chúng rung tự do tạo ra âm thanh. Đàn Dulcimer được nhà truyền giáo Matteo Ricci đưa sang Trung Quốc trong thời nhà Minh. Các sứ giả thời Joseon đã mua Dulcimer về trong các chuyến đi sứ và dần dà cây đàn huyền cầm này đã được diễn tấu trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc


Nguồn gốc và âm sắc của đàn tranh Yanggeum ở Hàn Quốc

So với âm thanh trầm lắng, hùng tráng có đôi nét hơi thô của đàn tranh 6 dây Geomungo, âm thanh của đàn tranh Yanggeum lại trong trẻo, nhẹ nhàng và bay bổng. Có lẽ các sứ giả thời Joseon đã bị chính âm sắc này mê hoặc nên họ mua cây đàn này mang về nước. Nhưng khi mới được đưa vào bán đảo Hàn Quốc, có vẻ như đàn tranh Yanggeum chưa được sử dụng làm nhạc cụ diễn tấu. Bởi lẽ nền tảng của âm nhạc Hàn Quốc khác hẳn với nền tảng của âm nhạc phương Tây và Trung Quốc. Phải tới cuối thời Joseon, học giả Hong Dae-yong, hiệu Damheon (Trạm Hiên, 1731-1783) mới nghiên cứu và sáng tạo ra lối chơi đàn tranh Yanggeum ở Hàn Quốc. Ngoài hiểu biết về lý thuyết âm nhạc, học giả Hong Dae-yong còn uyên thâm cả đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh 12 dây Gayageum nên lúc sinh thời, các nhạc gia thường tụ tập ở nhà học giả Hong Dae-yong để tấu đàn thưởng nhạc phong lưu. Chuyện kể rằng, khi tới một nhà thờ Công giáo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và được nghe giới thiệu về cây đàn Đại phong cầm pipe organ, Hong Dae-yong đã quan sát rất kỹ cây đàn và khẳng định là nếu được ai đó hỗ trợ kinh phí thì tự ông cũng có thể chế tác được cây đàn này. 


Mặc dù đã được cải tiến để có thể diễn tấu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc nhưng đàn tranh Yanggeum vẫn mang nhiều nét khác biệt với nhạc cụ truyền thống. Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có lối chơi nhạc được gọi là Yoseong (Dao thanh), có nghĩa là người nghệ sĩ tấu đàn huyền cầm sẽ rung dây đàn, còn người nghệ sĩ chơi nhạc khí ống sẽ đung đưa nhạc cụ sau khi tạo âm để tạo nên âm thanh rung của nhạc cụ. Độ rung của âm rất lớn nên một âm có thể đưa đẩy qua lại. Ví như đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh 12 dây Gayageum có dây đàn được bện bằng tơ tằm, sau khi búng gẩy dây đàn bằng ngón tay hoặc que gẩy Suldae, người nghệ sĩ có thể nhấn nhá hoặc kéo căng dây đàn để tạo nên những cung bậc trầm bổng của âm thanh. Còn dây đàn của đàn tranh Yanggeum là dây kim loại và rất mảnh nên không thể tạo Yoseong. Thoạt nghe thì có thể coi đây là nét độc đáo của đàn tranh Yanggeum, nhưng nếu nghe lâu thì sẽ thấy chán nên trên thực tế đàn tranh Yanggeum không được sử dụng làm nhạc cụ độc tấu mà chỉ được dùng để tấu đệm cùng với các nhạc cụ khác. Nhạc phẩm mà chúng ta vừa nghe là âm nhạc độc tấu dành cho đàn tranh Yanggeum, một sáng tác của danh nhân Seo Gong-cheol, vốn là nhạc công đàn tranh 12 dây Gayageum. Gần đây, đàn tranh Yanggeum đã và đang được sử dụng rộng rãi hơn trong các buổi diễn tấu âm nhạc ở Hàn Quốc. 


* Trích đoạn “Quân nhạc” trong nhạc phẩm “Linh sơn hội tương” / Gang Yoo-gyeong (đàn tranh 6 dây Geomungo), Cho Il-ha (đàn tranh Yanggeum)

* Trích đoạn Jungjungmori, Hwijungjungmori dành cho đàn tranh Yanggeumsanjo dòng Seo Gong-cheol / Kim Gyeong-hee (đàn tranh Yanggeum), Kim Cheong-man (trống phong yêu Janggu)

* Nhạc phẩm Teum (Khe hở) / nhóm nhạc Dongyang Gozupa (Tần số cao Đông phương) 

Lựa chọn của ban biên tập