Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các dòng nhạc truyền thống của Hàn Quốc trong thời hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-01-26

Âm điệu ngàn xưa

Các dòng nhạc truyền thống của Hàn Quốc trong thời hiện đại

Chính nhạc Jeongak và nhạc dân gian Minsokak xưa và nay

Ở Hàn Quốc đã có thời người ta coi “xuất thân” là điều quan trọng nhất. Xuất thân của con người là yếu tố quyết định nơi ở, đồ ăn và trang phục. Âm nhạc cũng được phân cấp giai tầng thành thể loại âm nhạc được tấu trong cung đình và thể loại âm nhạc giành cho bách tính thảo dân. Trong âm nhạc cung đình cũng có âm nhạc được tấu trong những nghi lễ trang trọng như âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak và âm nhạc chuyên được tấu trong không khí yến tiệc linh đình. Thơ phổ nhạc Gagok, Gasa, Sijo là những dòng nhạc thuộc thể loại chính nhạc Jeongak, thể loại âm nhạc dành cho giới học giả, quý tộc và những người có cuộc sống vương giả nhàn hạ. Còn Pungryu (Phong lưu) là âm nhạc thưởng thức lúc cùng bầu bạn và những người chung chí hướng nhâm nhi chén rượu, tách trà, làm thơ và vẽ tranh. So với nhịp điệu tiết tấu chậm rãi của chính nhạc Jeongak giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân, thì nhạc dân gian Minsokak dành cho bách tính luôn bận rộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền lại có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. Và giờ đây không ít nhạc phẩm được sáng tác ứng dụng nhịp điệu chậm rãi, êm đềm phong cách chính ca truyền thống Jeongga. Một trong số đó là khúc hát “Gyeoulnal Daseun Bitcheul” (Tia nắng đông ấm áp). Khúc hát có đoạn:


Tia nắng ấm ngày đông rọi theo bóng dáng chàng

Thiếp muốn dâng chàng đĩa cần giòn thơm ngậy

Chàng không thiếu gì nhưng không thể quên thiếp


Nhóm nhạc Modern Gagok gần đây cũng cho ra mắt nhạc phẩm “Sanchaek” (Đi dạo) mang hơi thở của xã hội hiện đại dựa trên nhạc phẩm “Wurak” thuộc dòng chính nhạc Gagok dành cho giọng nam. Nhạc phẩm “Wurak” vốn có ca từ, rằng:


Câu cá ngủ ngật mất cần câu, vúi nhảy một hồi rơi áo tơi

Thân già lẫn cẫn, hải âu ơi đừng có cười nha

Giật mình tỉnh giấc đào hoa thắm nở khắp tứ phương


Ý thơ trong áng thơ phổ nhạc Sijo kể về một học giả luống tuổi đi câu cá trong một ngày lấm tấm mưa xuân nhưng ngủ gà ngủ ngật nên bị rơi mất cần câu, khi giật mình tỉnh giấc thì thấy bốn bề hoa xuân đã rực hồng. Mất cần câu, chẳng câu được con cá nào nhưng người học giả luống tuổi vẫn cao hứng nhảy múa trong không khí xuân sang, nhảy múa được một hồi thì rơi mất cả áo tơi, đúng lúc thấy chim hải âu bay ngang qua nên thẹn thùng nói với chú hải âu là chớ có cười nhạo báng mình.

Nhóm nhạc Modern Gagok đã khéo léo dùng hình ảnh “ngủ ngật mất cần câu, nhảy múa một hồi mất áo tơi” trong áng thơ cổ Sijo để diễn tả diện mạo của những người đi dạo trong nhạc phẩm Sanchaek mang hơi hướng thời đại. 


Âm nhạc dành cho giọng nữ “Yeochang Gagok” và giọng nam “Namchang Gagok”

Trong dòng chính nhạc Gagok của Hàn Quốc, do có cách hát khác nhau nên những khúc hát dành cho giọng nữ được gọi là “Yeochang Gagok” và khúc hát dành cho giọng nam được gọi là “Namchang Gagok”. Các khúc Namchang Gagok đa phần đều mạnh mẽ còn các khúc Yeochang Gagok lại nhẹ nhàng thanh cao. Chính nhạc Gagok vốn được hát với tốc độ rất chậm nên nếu không biết rõ ca từ thì người nghe chỉ có thể nghe thấy những âm thanh “a, ơ, ư” mà thôi. Thế nên khi âm nhạc Yeochang Gagok được hát cùng phần đệm của dàn chính nhạc thì bài hát nghe tựa như âm thanh của một loại nhạc cụ trong dàn nhạc. Khúc hát “Ggume Danineun Gil” (Con đường trong mơ) nói về tâm trạng của nữ thi sĩ Yi Ok-bong sống dưới thời đại Joseon trong thế kỷ XVI đêm đêm tương tư tới người thương có đoạn:


Nếu có thể để lại dấu tích trong giấc mơ

Nửa đường đá trước nhà hẳn đã hóa cát

Con đường trong mơ không dấu vết

Khiến lòng ta ủ rũ âu sầu


* Khúc hát “Gyeoulnal Daseun Bitcheul” (Tia nắng đông ấm áp) / nhóm nhạc truyền thống nữ Souljigi

* Nhạc phẩm “Sanchaek” (Đi dạo) / nhóm nhạc Modern Gagok 

* Khúc hát “Ggume Danineun Gil” (Con đường trong mơ) / Jeong Ma-rie

Lựa chọn của ban biên tập