Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc công bố phương hướng chính sách kinh tế năm 2022

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-12-27

ⓒ YONHAP News

“Phục hồi nền kinh tế và tăng trưởng 3,1% trong năm tới”


Chính phủ Hàn Quốc ngày 20/12 đã công bố các chính sách kinh tế năm 2022 với mục tiêu vượt qua nguy cơ và đưa nền kinh tế hoàn toàn trở lại bình thường. Chính phủ nhận định kinh tế năm nay sẽ tăng trưởng 4%; và triển vọng kinh tế năm tới là 3,1%, tăng 0,1% so với dự đoán trước đó. Con số 0,1% tưởng như nhỏ, song đã thể hiện được quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế mạnh mẽ và nhanh chóng hợp tác với các thành phần kinh tế, tập trung tăng trưởng mở rộng trong năm tới với niềm tin là đà phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục được duy trì, xuất khẩu và đầu tư duy trì đà tăng trưởng, nhu cầu nội địa sẽ hồi sinh. 


Rót 33.100 tỷ won cho Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc


Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng 3% trong năm 2022, vấn đề cấp thiết là thúc đẩy nhu cầu nội địa. Do đó, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục thực thi các chính sách tài chính mở rộng, sử dụng ngân sách để kích thích tiêu dùng và đầu tư đang chưa thoát khỏi cú sốc từ đại dịch. Cụ thể như khấu trừ thuế đặc biệt đối với chi tiêu bổ sung tại các chợ đầu mối truyền thống, cung cấp các phiếu giảm giá. Hạn mức mua hàng miễn thuế cũng lần đầu tiên được gỡ bỏ sau 43 năm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp miễn thuế và khuyến khích khách đi du lịch nước ngoài chi tiêu tại Hàn Quốc nhiều hơn. Chính phủ sẽ chi 115.000 tỷ won (97 tỷ USD) cho các dự án do Nhà nước quản lý và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Chính phủ cũng chỉ định 65 công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm chíp bán dẫn và pin là “công nghệ chiến lược quốc gia”, mở rộng lợi ích về thuế. Chính phủ sẽ đầu tư 33.000 tỷ won (28 tỷ USD) cho “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc 2.0” (Korean New Deal) vào năm tới. Sau đây, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu Kim Dae-ho đề cập cụ thể về kế hoạch này của Chính phủ.


Ngoài mục tiêu bình thường hóa nền kinh tế, phương hướng chính sách năm 2022 chú trọng đầu tư lớn cho các doanh nghiệp tương lai và công nghệ mới bao gồm các lĩnh vực liên quan đến chíp bán dẫn, pin và nền kinh tế hydro. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung vào nền kinh tế tạo ra giá trị hơn là xuất khẩu các mặt hàng với giá rẻ nhờ chi phí lao động rẻ, và hy vọng tầm nhìn này sẽ củng cố được nền móng vững chắc vào tương lai khi đại dịch đã hết. 


Lạm phát vượt 2% trong năm nay, và dự kiến đạt 2,2% năm tới 


Năm sau, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tầng lớp yếu thế trong xã hội. Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng và số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày đều ở mức cao, Chính phủ đã lại siết chặt lệnh giãn cách xã hội chỉ một tháng sau khi áp dụng “từng bước trang trải cuộc sống cùng COVID-19” (with COVID-19), đẩy hộ kinh doanh nhỏ lẻ và lao động tự do vào tình thế khó khăn hơn. Do đó, Chính phủ dự kiến cung cấp 35.800 tỷ won (30 tỷ USD) dưới dạng khoản vay ưu đãi với lãi suất cố định là 1%; và bồi thường thiệt hại cho một số cơ sở kinh doanh nhỏ như tiệm cắt tóc. Hạn mức bồi thường thiệt hại cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ được nâng từ 100.000 won (84 USD) lên 500.000 won (420 USD). Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế và giữ lạm phát ở mức 2,2%. Ông Kim Dae-ho cho biết thêm.


Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát là hai mục tiêu cơ bản trong kinh tế. Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 3,1% và giữ lạm phát ở mức 2,2%. Lạm phát cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng, nên theo tôi, nếu phải lựa chọn một trong hai, Chính phủ nên ưu tiên kiềm chế lạm phát. Mặc dù con số 2,2% cao hơn mục tiêu 2% đưa ra ban đầu, song con số này thể hiện ý chí quyết tâm của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát.


Rủi ro từ sự lây lan biến thể Omicron và gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài 


Trên thực tế, Chính phủ đã công bố kế hoạch đóng băng giá điện và ga trong quý I năm sau, tức đến tháng 4 tới, nhằm giảm bớt tác động của việc tăng giá tiêu dùng cho người dân. Vấn đề là sự xung đột giữa kích thích nhu cầu tiêu dùng và kiềm chế lạm phát. Một điều đáng lo ngại nữa là số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng và các biến thể virus mới xuất hiện đang phủ bóng đen lên nền kinh tế. Sự lan rộng của các biến thể mới được cho là khiến đà phục hồi tiêu dùng nội địa bị trì hoãn, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát nhiên liệu. Giám đốc Kim Dae-ho lý giải.


Một số ý kiến cho rằng Chính phủ Seoul đang hơi thờ ơ, lạc quan về nền kinh tế trong năm tới, đặc biệt là về tình hình đại dịch. Bên cạnh đó, còn các yếu tố rủi ro khác như căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang trước nguy cơ Nga tiến hành xâm lược Ukraine hay giá dầu có thể tăng vọt trở lại. Một vấn đề nghiêm trọng khác là nợ quốc gia. Thời gian qua, Seoul đã bơm tiền nhiều vào thị trường để kích thích nền kinh tế và trong quá trình trả nợ công, có thể phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, song động thái này có thể khiến lãi suất tăng. Do đó, Chính phủ cần xem xét tất cả các yếu tố và hoạch định chính sách một cách tỉ mỉ. 


Khẳng định cân bằng ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc


Lạm phát gia tăng trên khắp thế giới khiến ngân hàng trung ương các nước có thể tăng lãi suất cơ bản. Ngày 16/12, Ngân hàng trung ương Anh đã nâng lãi suất từ 0,1%/năm lên 0,25%/năm, trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới nâng lãi suất. Nhiều nước đang chuyển từ chính sách nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế trong đại dịch sang chính sách thắt chặt tiền tệ. Do đó, bất ổn đối với các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ tăng lên, và thị trường tài chính toàn cầu có thể biến động mạnh hơn. Cùng với đó, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 9/3 năm sau cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế quốc gia. Hàn Quốc đang đứng trước nhiều bài toán cả trong và ngoài nước. Ông Kim Dae-ho nhận định.


Tôi cho rằng kinh tế Hàn Quốc và kinh tế toàn cầu sẽ tươi sáng hơn trong năm tới. Trên thực tế, tình hình đại dịch COVID-19 là một thảm họa tự nhiên, không thể lường trước được, chứ không phải một thất bại của điều hành kinh tế. Có thể nói, trong hai năm qua, thế giới cũng có niềm tin sẽ vượt qua khủng hoảng, và một số quốc gia đang dần hồi phục sau đại dịch. Nhu cầu bị dồn nén sẽ bùng nổ; đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đều sẽ tăng. Đặc biệt, xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn mạnh mẽ và xác lập con số cao kỷ lục trong năm nay. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên quá lạc quan. Chính phủ cần xây dựng các chính sách một cách cẩn trọng, cân nhắc cả kịch bản xấu nhất. Nhìn chung, nền kinh tế Hàn Quốc đang có những bước chuyển mình tốt hơn và đứng trước cơ hội cất cánh một lần nữa. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát cũng như quản lý nợ quốc gia đang gia tăng.


Bất chấp đại dịch, xuất khẩu của Hàn Quốc đã đạt con số cao kỷ lục trong năm 2021, biến khủng hoảng thành cơ hội. Hàn Quốc cần duy trì phong độ ấn tượng đó, để có thể thực hiện tốt kế hoạch kinh tế của Chính phủ. Dư luận cũng hy vọng sự cải thiện không chỉ phản ánh qua những con số vĩ mô mà cả trong sinh kế của người dân. 

Lựa chọn của ban biên tập