[Trống phong yêu Janggu và trống Buk trong âm điệu truyền thống Hàn Quốc]
Xưa kia người Hàn Quốc có câu ‘Nhất cổ thủ, Nhì danh xướng’. Ở đây ‘cổ thủ’ chỉ người đánh trống còn ‘danh xướng’ chỉ người hát hay. Câu nói này ám chỉ ý phải đánh trống giỏi mới giúp ca sỹ hát hay và được trọng vọng. Hiện nay, người Hàn Quốc thường dùng từ vay mượn từ tiếng Anh ‘Rythm” để chỉ nhịp điệu của âm nhạc nhưng ngày xưa từ Jangdan, theo âm Hán là “trường đoạn” thể hiện ý nghĩa của‘sự ngắn dài trong nhịp điệu’. Có thể nói mọi thể loại âm nhạc đều được thể hiện trên nền tảng của nhịp điệu. Thế nên mới có câu ‘hiểu được nhịp điệu có nghĩa là đã hiểu già nửa âm nhạc’. Nhạc khí đảm trách nhiệm vụ giữ nhịp Jangdan trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc là trống Buk và trống phong yêu Janggu. Đối với thể loại hát bài chòi Pansori thì người ta sử dụng trống Buk, còn đối với thể loại hát dân ca và biểu diễn nhạc không lời thì trống phong yêu Janggu đảm trách nhiệm vụ này.
Trường ca bài chòi Pansori Xuân Hương có thể ví như tuyệt tác Romio và Juliet của Hàn Quốc. Câu truyện kể về tình yêu cháy bỏng chung thủy của một đôi nam nữ dưới thời đại phong kiến. Mối tình của Romio và Juliet có một kết cục bi thảm nhưng tình yêu của Xuân Hương và Lý Mộng Long của Hàn Quốc lại kết thúc một cách rất có hậu, cả hai đã khắc phục mọi khó khăn cản trở chia cắt cạm bẫy và sự phân biệt giai cấp nặng nề trong xã hội phong kiến thời đó để đưa tình yêu của mình đến độ đâm hoa kết trái. Nhạc cụ gõ giữ nhịp trong thể loại hát bài chòi Pansori là trống Buk. Trống Buk được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của chùa chiền hay hoàng cung thường là loại trống có đường kính khoảng 1m, còn trống Buk được đệm khi hát bài chòi Pansori thì có đường kính khoảng 40cm. Nghệ sĩ chơi trống Buk sử dùng bàn tay trái vỗ vào mặt trống làm bằng da, còn tay phải cầm dùi trống và đánh lên mặt da trống hoặc lại gõ vào cạnh trống để tạo đa dạng âm thanh. Trống phong yêu Janggu dường như được sử dụng trong mọi thể loại âm nhạc truyền thống Hàn Quốc ngoài thể loại hát bài chòi Pansori. Trống Janggu có hình dáng trông giống như một chiếc đồng hồ cát, phần giữa nhỏ thắt lại, hai đầu là mặt trống tròn, căng 2 loại da khác nhau nhưng có kích cỡ như nhau nên so với trống Buk trống phong yêu Janggu thể hiện được nhiều âm thanh hơn. Phần được vỗ bằng tay gọi là Gongpyeon, phần được gõ bằng dùi trống làm bằng thanh tre vót mỏng gọi là Chaepyeon.
[Ý nghĩa của bộ gõ Samul trong đời sống văn hóa tinh thần người Hàn Quốc]
Trong bộ gõ truyền thống của Hàn Quốc, ngoài trống Buk, trống phong yêu Janggu, còn có chiêng Jing và phèng Kkwaenggwari. Jing và Kkkwaenggwari đều có hình tròn và được làm bằng kim loại, thường thì chiêng Jing có đường kính khoảng 40cm còn phèng Kkwaenggwari thì có kích cỡ bằng 1/2 Jing. Cũng do đặc điểm của kích cỡ to nhỏ nên Jing có âm trầm và sâu còn Kkwaenggwari thì có âm cao và thanh. Những giai điệu được bộ bốn nhạc cụ gõ truyền thống Buk - Janggu - Jing - Kkwaenggwari được gọi là Samulnori. Vốn dĩ đây là bộ nhạc khí gõ của người nông dân vui vẻ lúc nghỉ ngơi trong những ngày đồng áng hoặc trong những dịp lễ hội vui chơi của làng xóm. Chính vì thế mà mỗi một loại nhạc cụ gõ lại có một ý nghĩa tượng trưng riêng cho thời tiết khí hậu. Ví như phèng Kkwaenggwari tượng trưng cho sấm, chiêng Jing tượng trưng cho gió, trống Buk tượng trưng cho mây còn trống phong yêu Janggu thì tượng trưng cho mưa. Điều hòa Sấm gió mây mưa là thứ mà nhà nông cần để làm nên một vụ mùa bội thu. Hòa tấu Samulnori cũng là ý cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa và được mùa cày cấy của người nông dân Hàn Quốc.
Giờ đây Samulnori được thế giới biết đến như một hình ảnh tiêu biểu của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nhưng trên thực tế, 4 nhạc khí gõ này mới được kết hợp thành bộ gõ Samulnori từ 30 năm trước. Để khơi dậy sự sống của nét truyền thống đang dần bị lãng quên trong lòng nhân dân Hàn Quốc, con cháu của các gánh diễn đã tập hợp lại và tái cấu trúc thành nhạc phẩm phù hợp với các sân khấu hiện đại. Và cùng nhau đi biểu diễn và truyền bá nghệ thuật khắp nơi trên cả nước. Từ đó trở đi đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội nhất là giới trẻ đã đặt mối quan tâm đặc biệt tới nền tảng âm nhạc truyền thống bất hủ của quốc gia. Giờ thì biểu diễn nghệ thuật Samulnori đã trở thành một bộ phận không thể thiếu tại bất cứ lễ hội hay sự kiện nào trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc.
▶ Giai điệu bài chòi Pansori có tên là ‘사랑가 - Khúc hát tình yêu’ trong trường ca Xuân Hương / Nghệ sĩ hát bài chòi Choi Seung-hee và nghệ sĩ trống Buk Kim Myeong-hwan trình bày.
▶ Giai điệu Jungjungmori giành cho đàn tranh Gayageum dòng Sanjo do nghệ sĩ Min Mi-Ran trình diễn, nghệ sĩ Kim Cheong-man đệm trống phong yêu Jangggu.
▶ Khúc hòa tấu Samulnori/ đoàn nghệ thuật Samulnori thuộc Trung tâm biểu diễn âm nhạc truyền thống quốc gia trình bày.